Tàu ngầm Pháp tuần tra bí mật dưới lòng Biển Đông và điều chỉnh chiến lược của các cường quốc

Chuyến tuần tra bí mật của tàu ngầm tấn công hạt nhân Pháp dưới lòng Biển Đông cùng việc chiến hạm của các quốc gia châu Âu khác ở vùng biển trọng yếu này đã cho thấy sự điều chỉnh chiến lược đáng chú ý của các cường quốc ở Cựu lục địa, tiến hành xoay trục về Ấn Độ-Thái Bình Dương để hợp tác ứng phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng lớn.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude trong một lần nổi lên gần tàu hộ tống BSAM Sein

Tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude trong một lần nổi lên gần tàu hộ tống BSAM Sein

Hành động mạnh mẽ đáp trả tuyên bố chủ quyền phi pháp

Hải quân Pháp vừa công bố một chuyến tuần tra bí mật của tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude ở Biển Đông. Đại tá Antoine Delaveau, Hạm trưởng tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude, trong trả lời báo chí khi con tàu kết thúc chuyến tuần tra trở về căn cứ ở quân cảng Toulon (Pháp) cho biết, thủy thủ đoàn đã “điều khiển tàu ngầm hạt nhân di chuyển gần như âm thầm” dưới lòng biển trong suốt hải trình đi qua Biển Đông.

Trong khi đó, giới chức quân sự cho biết chuyến tuần tra ngầm qua Biển Đông của tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude nằm trong sứ mệnh Marianne, một đợt triển khai chưa từng có kéo dài 7 tháng của một tàu hải quân Pháp. Theo sứ mệnh này, tàu ngầm hạt nhân SNA Emeraude đã vượt qua quãng đường gần 55.600 km trong 199 ngày đêm trên biển, tham gia diễn tập với hải quân các nước đồng minh là Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Indonesia.

Với tầm hoạt động không giới hạn, tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude là một trong những chiến hạm uy lực nhất của hải quân Pháp hiện nay. Tàu có khả năng lặn sâu tới 300m, có những ống phóng ngư lôi cỡ 533mm hoặc phóng tên lửa diệt hạm Exocet từ khoảng cách hàng trăm km.

Chuyến tuần tra dưới lòng Biển Đông của tàu ngầm tấn công hạt nhân uy lực như tàu SNA Emeraude gây sự quan tâm không chỉ trong giới quân sự mà cả dư luận khu vực và thế giới. Càng đáng chú ý hơn khi đây là sự xuất hiện và tiến hành tuần tra lần đầu tiên sau hai thập kỷ của một tàu ngầm tấn công hạt nhân của Pháp ở Thái Bình Dương.

Chuyến tuần tra chứa đựng thông điệp về sự trở lại Thái Bình Dương của tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude được đích thân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Florence Parly lên tiếng. Không công bố chi tiết nhiệm vụ chuyến hoạt động dài tới 7 tháng của tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Pháp chỉ cho biết, đây là một “cuộc tuần tra đặc biệt”, là “bằng chứng nổi bật về năng lực triển khai xa và lâu dài của hải quân Pháp cùng các đối tác chiến lược Australia, Mỹ và Nhật Bản”.

Bộ trưởng Quốc phòng cũng nhấn mạnh thêm rằng, Pháp có vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và dự định bảo vệ chủ quyền cùng lợi ích ở đó. Hiện Pháp có các vùng đặc quyền kinh tế ở Thái Bình Dương bao quanh các lãnh thổ hải ngoại của nước này.

Chi tiết hải trình của tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude được Hạm trưởng công bố trong lúc căng thẳng gia tăng ở giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương, nhất là ở Biển Đông. Theo các chuyên gia, việc Pháp tăng cường hiện diện ở Biển Đông cho thấy Paris sẵn sàng ứng phó với các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp, phản ánh lợi ích của cường quốc châu Âu này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngay sau chuyến tuần tra của tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude, Pháp cũng dự định triển khai tàu sân bay trực thăng Tonnerre và tàu hộ vệ tên lửa Surcouf tới hoạt động hai lần vào tháng 5 ở Biển Đông, động thái nhằm khẳng định sự hiện diện của Pháp trong khu vực.

Hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông

Pháp gia tăng những hoạt động của hải quân ở Thái Bình Dương nói chung, Biển Đông nói riêng, diễn ra trong bối cảnh hòa bình, an ninh và ổn định khu vực này đang bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng bởi việc quân sự hóa nhằm hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Các cường quốc châu Âu là Pháp, Anh và Đức vào tháng 9-2020 đã cùng gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc, trong đó phản bác yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc với phần lớn diện tích Biển Đông. Công hàm khẳng định, việc Trung Quốc vẽ ra cái gọi là “đường cơ sở thẳng” quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và “quyền lịch sử” để đòi chủ quyền với quần đảo Trường Sa của Việt Nam không phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên.

Sau công hàm chung gửi Liên hợp quốc để khẳng định lập trường phản đối yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, cả Pháp, Anh và Đức đều có những động thái thể hiện lập trường này bằng hành động trên thực tế. Ngoài Pháp, Anh tuyên bố sẽ triển khai hoạt động nhóm tác chiến tàu sân bay hiện đại nhất HMS Queen Elizabeth, trị giá 3,2 tỷ bảng Anh, có khả năng chở 24 máy bay chiến đấu tàng hình F-35B tới Biển Đông trong năm nay trong sứ mệnh bảo đảm tự do hàng hải. Đức cũng thông báo, một tàu hộ vệ tên lửa của nước này sẽ tới Biển Đông trong tháng 8-2021 và đây sẽ là chiến hạm đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.

Trong khi hải quân các cường quốc châu Âu liên tục có những động thái đáng chú ý nhằm tăng cường hợp tác đồng minh, ứng phó với thách thức an ninh và bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 19-4 vừa qua đã thông qua “Chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Trong tuyên bố đưa ra khi công bố chiến lược này, EU nêu rõ, củng cố trọng tâm chiến lược, hiện diện và hành động ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trên cơ sở thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế.

Sau chiến lược dài 10 trang trên, một kế hoạch chi tiết hơn dự kiến được EU công bố vào tháng 9 tới, để đưa ra hợp tác với “các đối tác chung chí hướng” để duy trì những quyền cơ bản ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. “Chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ - Thái Bình Dương” đánh dấu sự xoay trục của châu Âu về Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm ứng phó với những thách thức đối với an ninh quốc tế, như an ninh hàng hải. EU cho biết sẽ thiết lập giám sát toàn diện về an ninh và tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS mà Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm tại Biển Đông.

Khi được hỏi về việc hải quân các nước tăng cường hiện diện ở Biển Đông để hợp tác duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, duy trì hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông, phù hợp với UNCLOS năm 1982 là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm và nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta nhấn mạnh: “Hoạt động của tất cả quốc gia trên Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này”.

HOÀNG HÀ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tau-ngam-phap-tuan-tra-bi-mat-duoi-long-bien-dong-va-dieu-chinh-chien-luoc-cua-cac-cuong-quoc-post464243.antd