Tàu ngầm Nga lộ 'gót chân Achilles' khi phóng Kalibr

Theo tờ Le Monde của Pháp, sau khi 2 tàu ngầm lớp Varshavyanka phóng 7 quả Kalibr tấn công khủng bố hôm 14/9 đã bộc lộ điểm yếu của tàu ngầm Nga.

Tờ báo Pháp dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết, hôm 14/9, tàu ngầm Veliki Novgorod và Kolpino đã đồng loạt phóng 7 tên lửa hành trình Kalibr vào mục tiêu có ý nghĩa sống còn của khủng bố IS ở Syria, gồm trung tâm liên lạc và chỉ huy, kho vũ khí ở khu vực nằm phía đông nam thành phố Deir ez-Zor.

Để đánh trúng mục tiêu, những quả tên lửa này đã bay qua quãng đường 500 - 670 km từ phía Đông Địa Trung Hải. Cả hai tàu ngầm đều phóng tên lửa hành trình trong trạng thái lặn.

Tàu ngầm lớp Varshavyanka phóng Kalibr.

Dù 2 chiếc tàu ngầm lớp Varshavyanka có năng lực tấn công khá ấn tượng nhưng Le Monde cho rằng, việc Nga phải dùng đến 2 chiếc tàu ngầm chỉ để phóng 7 quả Kalibr đã bộc lộ điểm yếu của loại tàu ngầm này khi không thể độc lập phát động 1 cuộc tấn công với cường độ cao.

Nguyên nhân của quyết định này là mỗi tàu Varshavyanka chỉ có thể phóng tối đa 4 quả tên lửa hành trình, do đó số lượng tên lửa và mật độ hỏa lực bị đánh giá thấp đối với một cuộc tấn công được tính toán kỹ cho tên lửa hành trình.

Vì vậy, Nga đang tính đến khả năng sẽ tăng cường các tàu mẹ mang tên lửa hành trình kèm theo. Tuy nhiên, nếu kế hoạch này được thực hiện, đòn đánh bất ngờ từ lòng biển của tàu ngầm Nga sẽ bị lộ mật trước hệ thống trinh sát của kẻ thù.

Không chỉ yếu trong nhiệm vụ tấn công cường độ cao, báo Pháp còn cho rằng con tàu rất dễ bị hạ gục khi nổi lên mặt biển bởi khả năng phòng thủ yếu kém của nó. Cụ thể, dù Varshavyanka có những phiên bản được trang bị hệ thống phòng không tầm thấp nhưng có lẽ hệ thống này chỉ là phương pháp tự vệ cuối cùng chứ hiệu quả chiến đấu chưa được chứng minh bằng thực tế.

Theo thông tin từ nhà sản xuất, một số biển thể tàu ngầm lớp Varshavyanka được trang bị tên lửa phòng không tầm thấp 9K34 Strela-3 và 9K83 Igla. Nhưng do các loại tên lửa phòng không này đều có tầm bắn rất ngắn, phương pháp dẫn đơn giản nên không thực sự đạt xác suất trúng đích cao.

Đạn tên lửa 9M36 của tổ hợp 9K34 Strela-3 nặng 10,3kg, dài 1,47m, đầu đạn nổ phân mảnh nặng 1,17kg, tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn tối đa 4,1km, độ cao mục tiêu từ 30m tới 2,3km.

Tương tự, hệ thống 9K38 Igla trang bị đạn tên lửa 9M39 nặng 10,8kg, dài 1,5m, đầu đạn nổ phân mảnh nặng 1,17kg, tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn tối đa 5,2km, độ cao bắn hạ 10m tới 3,5km. Các tên lửa phòng không này được sử dụng để đối phó với các mục tiêu máy bay cánh cố định, trực thăng, UAV bay thấp.

Tuy nhiên, quy trình bắn của hai tổ hợp này trên tàu lớp Varshavyanka không thực sự linh hoạt. Hệ thống tên lửa này được bố trí trên đài điều khiển bên trong một khoang kín nước. Giá phóng sẽ được đưa lên bằng một hệ thống thủy lực để nhắm mục tiêu. Để ngắm bắn, con tàu sẽ phải nổi lên. Do vậy, hệ thống chỉ dùng để tự vệ trong trường hợp nổi lên khi bị phát hiện.

Các máy bay săn ngầm được trang bị các thiết bị trinh sát hiện đại có thể quần thảo liên tục, sát mặt biển tại vùng nghi ngờ có tàu ngầm đang lặn mà không phải đề phòng. Nếu phát hiện Varshavyanka, chúng sẽ dừng các loại ngư lôi có tốc độ di chuyển nhanh hơn nhiều so với tàu ngầm, tầm bay xa và cự ly dò tìm mục tiêu lớn để tiêu diệt.

Ví dụ, máy bay săn ngầm P-3C của Mỹ có thể mang ngư lôi Mk-46, Mk-50, Mk-54… Ngoài ra, nó có thể mang theo các loại bom nổ dưới nước, bom thông thường và các loại thủy lôi.

Ngư lôi MK-54 có tốc độ 43 hải lý/h (loại dùng cho trực thăng là 36 hải lý/h, trên hạm là 28 hải lý/h); tầm bay 15km; cự li tự động tìm kiếm mục tiêu âm thanh là gần 1km, gây nổ bằng từ tính. Như vậy, có thể thấy, với các đòn đánh từ trên cao, tàu ngầm lớp Varshavyanka gần như khó có cơ hội thoát thân.

Clip tàu ngầm lớp Varshavyanka phóng Kalibr vào mục tiêu của khủng bố

Tuấn Hưng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-ngam-nga-lo-got-chan-achilles-khi-phong-kalibr-3343202/