Tàu ngầm Liên Xô từng đụng độ tàu sân bay Mỹ trên biển Nhật Bản

Tàu ngầm tấn công hạt nhân K-314 và tàu sân bay USS Kitty Hawk đã từng va chạm trên Biển Nhật Bản vào năm 1984. Tuy nhiên, may mắn là cả hai phương tiện hải quân chiến lược của Liên Xô và Mỹ không bị thiệt hại quá nặng để dẫn tới thảm họa hạt nhân trong khu vực hay chiến tranh hạt nhân toàn diện giữa hai siêu cường.

Trong sự kiện va chạm xảy ra ngày 21-3-1984, dù các phương án tác chiến chống lại nhóm tàu sân bay Mỹ đã được kíp thủy thủ đoàn tàu ngầm K-314 chuẩn bị trước, nhưng họ chắc chắn không thể ngờ chiếc tàu ngầm hạt nhân của mình lại có thể va chạm hạm tàu sân bay khổng lồ của Mỹ. Vũ khí hạt nhân trên cả tàu ngầm Liên Xô và tàu sân bay Mỹ đều có nguy cơ phát nổ trong vụ va chạm. Nếu điều này xảy ra, vụ việc không chỉ gây ô nhiễm hạt nhân quy mô lớn tại Biển Nhật Bản trong hàng nghìn năm, mà còn có nguy cơ đẩy Liên Xô và Mỹ tới bờ chiến tranh tổng lực.

Chuyến giám sát định mệnh

Tháng 3-1984, theo đúng kế hoạch, tàu sân bay USS Kitty Hawk với 80 máy bay trên khoang cùng hạm đội hộ tống đã tới Biển Nhật Bản để tham gia cuộc tập trận chung với Hàn Quốc mang tên Team Spirit-84.

 USS Kitty Hawk tại căn cứ hải quân ở Yokosuka, Nhật Bản. Ảnh: Navy.mil.

USS Kitty Hawk tại căn cứ hải quân ở Yokosuka, Nhật Bản. Ảnh: Navy.mil.

Sự xuất hiện của hạm đội tàu sân bay Mỹ áp sát khu vực Viễn Đông đã khiến Liên Xô phải chuẩn bị phương án giám sát và đề phòng. Theo điều động của cấp trên, tàu ngầm tấn công K-314 nhận nhiệm vụ giám sát động thái của nhóm tàu sân bay Mỹ.

Sau khi rời cảng Hạm đội Thái Bình Dương, tới ngày 14-3-1984, K-314 phát hiện ra tín hiệu thủy âm của hạm đội tàu sân bay Mỹ và theo dõi sát sao hoạt động của chúng. Hạm đội Mỹ cũng sớm phát hiện ra sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân Liên Xô có mặt trong khu vực và tìm nhiều cách thoát khỏi sự đeo bám của chiếc K-314.

Hai bên liên tục đeo bám nhau trong vòng hơn 1 tuần. Sự căng thẳng kéo dài của thủy thủ đoàn hai bên có thể đã dẫn tới thảm họa va chạm sau đó.

Bất ngờ mất dấu và va chạm

Thời tiết trên Biển Nhật Bản xấu đi, tới ngày 20-3-1984, tàu ngầm K-314 mất dấu tàu sân bay USS Kitty Hawk. Thuyền trưởng tàu ngầm K-314 quyết định nổi lên hoạt động ở độ sâu chỉ cách mặt nước 10m để tìm kiếm tàu sân bay Mỹ.

Qua kính tiềm vọng, Thuyền trưởng tàu ngầm K-314, Vladimir Evseenko bất ngờ phát hiện ra nhóm tàu sân bay Mỹ chỉ chiếc tàu ngầm 4-5km. Điều đáng nguy hiểm là cả tàu ngầm Liên Xô và nhóm tàu sân bay Mỹ đang lao vào nhau với tốc độ tối đa. Ngay lập tức, ông Vladimir Evseenko ra lệnh cho chiếc K-314 lặn sâu xuống lòng biển. Tuy nhiên, quyết định trên không giúp chiếc tàu ngầm hạt nhân nặng hàng nghìn tấn tránh khỏi va chạm với tàu sân bay Mỹ.

Các tàu ngầm tấn công Liên Xô luôn giám sát chặt hoạt động của các nhóm tàu sân bay Mỹ trên đại dương. Ảnh: DefenseTalk.

Cú va chạm mạnh khiến các kết cấu thép trên tàu ngầm bị bẻ cong và rung lắc dữ dội. Thuyền trưởng Vladimir Evseenko tưởng rằng tháp chỉ huy và một phần thân tàu ngầm đã bị hư hại. Tuy nhiên, sau cuộc va chạm, quá trình kiểm tra đã kết luận tàu các thiết bị trên tàu ngầm vẫn hoạt động bình thường. Ngay sau đó, lại là một cú va chạm mạnh vào mạn phải tàu ngầm. Cú va chạm đã trúng hệ thống động lực của tàu ngầm, còn cú va chạm đầu tiên đã khiến hệ thống cân bằng của tàu bị sai lệch.

Để đảm bảo an toàn cho tàu ngầm và thủy thủ đoàn, chiếc K-314 buộc phải nổi lên mặt nước. Trong khi kíp thủy thủ Liên Xô ra ngoài khoang tàu kiểm tra thiệt hại và chờ phương tiện cứu hộ, thì các trực thăng từ tàu sân bay USS Kitty Hawk đã có mặt để giám sát từ trên cao.

Nói về vụ va chạm, Thuyền trưởng USS Kitty Hawk, David N. Rogers cho biết, sau vụ việc, 2 máy bay trực thăng Mỹ đã có mặt để hỗ trợ phía Liên Xô khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, chiếc K-314 đã không bị hư hại nặng.

Do va chạm, chân vịt của tàu ngầm K-314 bị hư hại nặng. Trong khi đó, phần mũi của tàu sân bay USS Kitty Hawk bị thủng một lỗ lớn khiến hàng tấn nhiên liệu máy bay chảy ra biển. Rất may mắn là các đơn vị vũ khí hạt nhân mang trên tàu ngầm Liên Xô và tàu sân bay Mỹ không phát nổ.

Rút lui trong hòa bình

Khi tàu kéo tới nơi, tàu ngầm K-314 được lai dắt về căn cứ hải quân Liên Xô gần nhất. Quá trình này được “hộ tống” bởi các tàu khu trục Mỹ. Đối với chiếc USS Kitty Hawk, cuộc tập trận Team Spirit đã kết thúc. Tàu sân bay Mỹ được hộ tống về căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản để sửa chữa.

Tàu ngầm K-314 được lai dắt về căn cứ. Ảnh: RIA.

Sau vụ việc, phía Mỹ lên tiếng cho rằng, những quyết định sai lầm của thuyền trưởng tàu ngầm K-314 đã dẫn tới thảm họa cho hai bên. Kết luận này của phía Mỹ cũng tương tự như của Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Ông Vladimir Evseenko bị cách chức thuyền trưởng và chuyển lên làm việc trên đất liền.

Những thông tin liên quan tới thiệt hại của tàu ngầm K-314 và tàu sân bay USS Kitty Hawk do vụ va chạm đều được giữ bí mật. Tuy nhiên, chỉ có may mắn mới giúp hai phương tiện mang vũ khí hạt nhân này không phát nổ khi va chạm, cũng như giúp Liên Xô và Mỹ thoát khỏi thảm kịch chiến tranh hạt nhân…

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tau-ngam-lien-xo-tung-dung-do-tau-san-bay-my-tren-bien-nhat-ban-583477