Tàu ngầm Argentina mất tích trước phương tiện tối tân Mỹ

Dù Mỹ đã huy động những thiết bị tối tân tìm kiếm tàu ngầm Argentina mất tích nhưng đến nay, vị trí con tàu vẫn là một ẩn số.

Lực lượng hùng hậu

Theo Reuters, Hải quân Mỹ đã quyết định điều máy bay tuần tra săn ngầm tối tân nhất của lực lượng này là P-8A Poseidon để phục vụ công tác tìm kiếm tàu ngầm San Juan của Argentina mất tích từ hôm 15/11 ở ngoài khơi nước này.

Phát ngôn viên hải quân Mỹ Enrique Balbi cho biết, chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm Argentina mất tích đã được nâng cấp lên thành chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết xấu khiến việc xác định vị trí con tàu trở nên khó khăn hơn.

Để tăng cường hiệu quả cho chiến dịch tìm kiếm, máy bay săn ngầm P-8A Poseidon đã chính thức tham gia tìm kiểm bởi công nghệ của nó có thể "hỗ trợ sứ mệnh ở nhiều khía cạnh khác nhau, trên một vùng biển rộng lớn.

Tàu ngầm San Juan của Argentina trong cuộc diễn tập hồi năm 2013.

Cùng với P-8A, Mỹ còn triển khai cả robot ngầm Bluefin 12D và đề nghị triển khai phi cơ thám hiểm NASA P-3 cùng tìm kiếm chiếc tàu ngầm mất tích. Cùng với Mỹ, các quốc gia khác cũng tham gia hỗ trợ Argentina gồm Brazil, Uruguay, Chile, Peru, Anh và Nam Phi.

Lực lượng được huy động này được so sánh với chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 mất tích vào tháng 3/2014 trên đường bay từ Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc.

Bất chấp lực lượng hùng hậu được triển khai làm nhiệm vụ nhưng vị trí tàu San Juan hiện vẫn là ẩn số dù trước đó có thông tin cho rằng đã nhận được tín hiệu phát đi từ chiếc tàu ngầm gặp nạn.

Tuy nhiên, thông tin này dã bị bác bỏ ngay sau đó.

Theo xác nhận của Hải quân Argentina, âm thanh mà thiết bị tìm kiếm thu được ở Nam Đại Tây Dương không phải của tàu ngầm ARA San Juan đang mất tích.

"Tiếng ồn được các chuyên gia phân tích và kết luận không bắt nguồn từ việc dùng đồ vật đập vào thân tàu ngầm như truyền thông đưa tin", Enrique Balbi, người phát ngôn Hải quân Argentina cho biết.

Cơ hội sống mong manh

Cùng với thời gian tìm kiếm kéo dài là sự sống càng trở nên mong manh với những thủy thủ trên chiếc tàu ngầm xấu số. Theo tính toán của Giáo sư Đại học Quốc gia Australia James Goldrick, cựu lãnh đạo Viện Lực lượng Phòng vệ Australia, cơ hội sống sót của các thủy thủ trên tàu San Juan hiện còn rất thấp.

Giáo sư Goldrick cho biết: "Cứ mỗi giờ trôi qua, khả năng tìm thấy họ sống sót trở về càng ít đi. Tôi không hy vọng nhiều rằng sẽ tìm thấy họ. Sẽ thật tuyệt vời nếu như đó chỉ vấn đề về lỗi liên lạc (của con tàu), nhưng sau ngần ấy thời gian, tôi không tin điều đó sẽ xảy ra. Chúng ta nên đối mặt với tình huống xấu nhất".

Viễn cảnh khả quan nhất hiện nay là hệ thống liên lạc của tàu ngầm bị trục trặc, có thể do cháy nổ hoặc bị ngấm nước, nên không thể phát tín hiệu về đất liền. Tuy nhiên, hệ thống liên lạc hỏng không làm ảnh hưởng tới khả năng di chuyển của tàu và như vậy lẽ ra con tàu này phải cập cảng Mar del Plata theo đúng lịch trình.

Hải quân Argentina cho biết lượng lương thực và khí oxy trên tàu ngầm San Juan đủ cho các thành viên thủy thủ đoàn sống sót trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trong trường hợp xảy ra thảm họa thì điều này cũng không có tác dụng.

Trong khi đó, một số người tỏ ra lo ngại vì San Juan là một tàu ngầm cũ của Argentina nên chưa lấy gì đảm bảo rằng con tàu có thể cung cấp đủ dưỡng khí trong 2 tuần. Vì vậy, cơ hội tìm thấy các thủy thủ còn sống chỉ có thể còn được tính bằng giờ.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tau-ngam-argentina-mat-tich-truoc-phuong-tien-toi-tan-my-3347554/