Tàu ngầm AIP Ấn Độ bị 'tóm sống', thua xa Kilo?

Hải quân Pakistan hôm qua ngày 5/3 đã công bố một đoạn video cho thấy họ đã ép được một tàu ngầm Ấn Độ phải nổi lên trên mặt nước.

Tình huống trên xảy ra vào một thời điểm nhạy cảm khi quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn đang trong trạng thái căng thẳng khi quân đội hai nước vẫn đang dồn lực lượng bộ binh và không quân về đường giới tuyến LoC phân chia Kashmir.

Không chỉ có vậy, biên đội tác chiến tàu sân bay INS Vikramaditya của Hải quân Ấn Độ đã bí mật ra khơi từ hôm 27/2 và lúc này vẫn chưa rõ tung tích cụ thể của nó, dẫn tới nhận định là cảng Karachi của Pakistan có thể bị tập kích bất ngờ.

Trước tình hình trên Hải quân Pakistan đã tung ra một lực lượng lớn để tiến hành công tác tuần tra vùng biển nhằm tìm kiếm biên đội tàu sân bay Ấn Độ, tuy chưa có kết quả nhưng Islamabad cũng thu được thành công phần nào khi ngăn chặn được vụ xâm nhập của tàu ngầm đối phương.

Tàu ngầm Ấn Độ phải nổi lên khỏi mặt nước sau khi bị Pakistan phát hiện?

Tàu ngầm Ấn Độ phải nổi lên khỏi mặt nước sau khi bị Pakistan phát hiện?

Căn cứ theo hình dáng tháp chỉ huy, chiếc tàu ngầm này được xác định thuộc lớp Kalvari, đây là biến thể của tàu ngầm trang bị động cơ đẩy độc lập với không khí (AIP) lớp Scorpene do Pháp sản xuất mà Ấn Độ đang chế tạo trong nước theo giấy phép.

Hải quân Pakistan sau khi lập nên "chiến công" đã tự hào tuyên bố về năng lực hàng đầu thế giới của lực lượng này trong tác chiến chống ngầm, bởi theo họ thì "tàu ngầm Ấn Độ mang trong mình những công nghệ và thiết bị tối tân nhất".

Ở đây có một điều cần đề cập tới đó là Hải quân Ấn Độ quyết định lựa chọn tàu ngầm AIP lớp Scorpene của Pháp làm chủ lực của mình sau một quá trình dài đánh giá, họ cho rằng Scorpene ưu việt hơn nhiều so với Kilo của Nga, nhưng thực tế có vẻ chưa được như vậy.

Tàu ngầm diesel-điện trang bị động cơ AIP lớp Scorpene của Pháp

Bộ Quốc phòng Ấn Độ từng nhận xét rằng nhờ có động cơ AIP nên thời gian lặn liên tục dưới nước của lớp Scorpene dài gấp 3 lần so với Kilo, các thiết bị điện tử của nó cũng có độ tinh xảo hơn, tạo thuận lợi cho quá trình tác chiến, khiến cho đối phương rất khó phát hiện ra.

Tuy vậy động cơ AIP cũng có nhược điểm là cho dù không bắt tàu ngầm nổi lên để lấy không khí nhằm chạy máy phát diesel và nạp điện cho các tấm pin như Kilo, nhưng độ ồn của nó ở chế độ chạy AIP lại cao hơn khi tàu ngầm chỉ hoạt động với động cơ điện, có thể vì điều này mà con tàu đã bị nhận biết.

Sẽ cần thêm thông tin chi tiết hơn để có thể đi tới kết luận chính xác về sự việc vừa xảy ra, nhưng chắc chắn triển vọng của tàu ngầm lớp Scorpene trên thị trường vũ khí thế giới đang trở nên u ám đi nhiều.

Tùng Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tau-ngam-aip-an-do-bi-tom-song-thua-xa-kilo-3375748/