Tàu ngầm 6 tỷ USD Mỹ không mạnh như tuyên bố

Dù Mỹ phải bỏ ra số tiền khoảng 6 tỷ USD cho mỗi chiếc tàu ngầm lớp Columbia nhưng tiền nhiều chưa hẳn đã đi đôi với sức mạnh.

Theo Defense News, tiến độ chương trình đóng tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới lớp Columbia của Hải quân Mỹ nhiều khả năng không thuận lợi như kế hoạch khi phát sinh một số vấn đề về kỹ thuật khi các ống phóng tên lửa dự kiến trang bị cho tàu bị phát hiện lỗi vết hàn.

Hệ thống ống phóng tên lửa là sản phẩm của Tập đoàn BWXT với mối hàn kém chất lượng có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn tất chương trình tàu ngầm lớp Columbia mà có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ về mặt răn đe hạt nhân.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ.

Ông Bryan Clark, cựu thủy thủ tàu ngầm thuộc Hải quân Mỹ cho biết: "Đây không phải là dấu hiệu tốt cho chương trình thu hút nhiều sự chú ý và là ưu tiên số một của Hải quân. Đó là một thất bại sớm về trang thiết bị vũ khí quan trọng đối với tàu ngầm".

Trong khi đó, ông Joe Courtney, đại diện nhà thầu General Dynamics Electric Boat-đơn vị đã ký hợp đồng cung cấp ống phóng tên lửa cho chương trình tàu ngầm lớp Columbia, nhấn mạnh: "Mối hàn là yếu tố sống còn trên các tàu ngầm. Chúng ta không thể sử dụng những mối hàn bị lỗi hoặc kém chất lượng".

Vị đại diện này cũng yêu cầu Hải quân Mỹ và ngành công nghiệp đóng tàu nước này cần kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm sản xuất theo dây chuyền.

Vấn đề mối hàn không đạt tiêu chuẩn cũng sẽ ảnh hưởng đến việc đóng các tàu ngầm khác như tàu nhầm hạt nhân đa nhiệm lớp Virginia. Bởi trong thiết kế của tàu nhầm lớp Virginia, các nhà phát triển cũng sử dụng cùng một loại ống phóng như của tàu ngầm lớp Columbia.

Không chỉ hệ thống ống phóng gặp vấn đề, theo Sputnik, dù tàu ngầm lớp Columbia được Mỹ quảng bá chạy êm nhất thế giới nhờ được trang bị hệ thống đẩy pump-jet nhưng thực tế không phải vậy.

Được gọi là "tàu ngầm thế kỷ 21", tàu ngầm lớp Columbia ra đời để thay thế tàu ngầm chiến lược lớp Ohio được đóng trong thập niên 1980 và 1990. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ đóng khoảng 12 tàu loại này, chiếc đầu tiên sẽ được biên chế vào năm 2031.

Tàu ngầm Columbia có tổng chiều dài 171m, sử dụng một loạt tổ hợp động lực hiện đại, bao gồm lò phản ứng hạt nhân, động cơ điện và hệ thống đẩy phản lực dòng nước (pump-jet). Với trang bị này, Hải quân Mỹ tin rằng tàu lớp Columbia sẽ là mẫu tàu ngầm phát ra tiếng ồn thấp nhất và khó phát hiện nhất thế giới.

Theo thông tấn Nga, trong hàng hải, pump-jet được đánh rất cao vì nó đem lại tốc độ cao, tạo ít tiếng ồn – nhờ đó tăng khả năng tàng hình đối với phương tiện tàu bè quân sự trước hệ thống định vị thủy âm (sonar). Sơ đồ bố trí cơ học của hệ thống đẩy pump-jet có thể gồm một chân vịt đặt trong một ống phun hoặc một máy bay ly tâm và một ống phun.

Nguyên tắc hoạt động của hệ thống đẩy pump-jet có thể mô tả như sau: chân vịt đóng vai trò cánh bơm hút nước biển qua lối vào (thường tại đáy tàu) sau đó bánh cánh tăng áp suất lên để tạo lưu động dòng nước, nước được đẩy phụt qua ống phun và ống phun biến đổi áp suất nước thành tia tốc độ cao, chính sự gia tốc của dòng nước tạo thành lực đẩy giúp tàu di chuyển.

Hệ thống này được đánh giá là có rất nhiều ưu điểm gồm: tiếng ồn nhỏ khi hoạt động; đạt được tốc độ cao hơn trước khi hiện tượng xâm thực hình thành do tăng áp suất nội động lực; Sức cản thấp đặc biệt khi hoạt động ở tốc độ cao; hoạt động tốt ở vùng nước nông…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống pump-jet không thực sự hiệu quả như vậy bởi tốc độ đạt được của loại động cơ này chỉ tương đương với động cơ chân vịt thường (Hải quân Nga đã sử dụng động cơ pump-jet trên duy nhất 1 chiếc tàu ngầm Kilo Alrosa).

Một trong những vấn đề lớn với hệ thống đẩy này là chi phí rất cao, ngoài ra hiệu suất của pump-jet kém hơn chân vịt khi tàu chạy tốc độ thấp và rất hay bị rong biển, rác, mảnh vụn…bị hút và quấn quanh chân vịt.

Tuy nhiên, chi phí cao mới chính là vấn đề khiến Hải quân Nga chỉ đóng và sử dụng duy nhất một tàu ngầm Kilo chạy hệ thống đẩy pump-jet. Và Hải quân Mỹ cũng phải là ngoại lệ nếu theo đuổi chương trình tàu ngầm lớp Columbia với hệ thống đẩy pump-jet.

Thông tấn Nga nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ không thể đạt được cùng lúc cả 2 tham vọng trên tàu ngầm Columbia: chạy êm và hoạt động với hiệu suất cao khi dùng hệ thống đẩy pump-jet.

Theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, chương trình tàu ngầm lớp Columbia được ước tính tiêu tốn hơn 120 tỷ USD, trong đó có tính cả chi phí nghiên cứu khoa học và phát triển. Cụ thể, trung bình, mỗi chiếc tàu lớp này sẽ có giá khoảng 6 tỷ USD.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-ngam-6-ty-usd-my-khong-manh-nhu-tuyen-bo-3365787/