Tàu Nga chơi trò mèo vờn chuột với tàu sân bay Mỹ

Dù không phải chiến hạm thế hệ mới nhưng khu trục hạm Yaroslav Mudry của Nga vẫn đủ sức chơi trò mèo vờn chuột với cả biên đội tàu sân bay Mỹ.

Tàu sân bay USS Harry S. Truman.

Theo thông tấn Nga, để có thể tự tin thực hiện đòn áp sát nguy hiểm với cả biên đội tàu sân bay cực mạnh của Mỹ, chiến hạm Yaroslav Mudry của Nga được trang bị khá mạnh.

Hộ vệ hạm Yaroslav Mudry thuộc lớp tàu Đề án 11540 Yastreb, đây là lớp hộ vệ hạm cỡ lớn được khởi đóng từ thời Liên Xô. Các hộ vệ hạm thuộc lớp này được trang bị tên lửa chống hạm Kh-35E, tên lửa phòng không 9K330 Tor, tổ hợp vũ khí đánh gần (CIWS) Kashtan và ống phóng chống ngầm RBU-6000.

Về lý thuyết, chỉ với số vũ khí này, chiến hạm Nga đủ sức đánh chìm mọi chiến hạm cỡ lớn và tàu ngầm tối tân nhất hiện nay của Hải quân Mỹ. Được biết, RBU-6000 là hệ thống rocket chống tàu ngầm do Viện Viện nghiên cứu Công nghệ Nhiệt Moskva thiết kế, phát triển, chính thức đưa vào phục vụ năm 1961.

Dù ra đời khá lâu nhưng RBU-6000 hiện vẫn còn dùng phổ biến trên các tàu chiến mới – cũ của Hải quân Nga và nhiều nước trên thế giới. Hệ thống được kết cấu với giàn phóng với ống cỡ 213mm bắn các quả bom chống tàu ngầm (gắn động cơ đẩy) RGB-60 nặng 110kg, lắp đầu nổ nặng 25kg, rocket này có thể diệt mục tiêu ở độ sâu từ 10m tới 500m.

Về khả năng chống hạm, Kh-35E đủ mạnh để có thể khuất phục bất kỳ con tàu nào bởi vũ khí này sở hữu những công nghệ tối tân. Công nghệ này từng khiến Mỹ phải thèm muốn.

Theo nguồn tin quân sự Nga, trong các năm 1990, đã có cuộc gặp giữa đại diện Xí nghiệp khoa học – công nghiệp Radar MMC, tức là đơn vị sản xuất đầu tự dẫn cho Kh-35E với đại diện Hãng Lockheed (Mỹ).

Người Mỹ đề nghị giới thiệu mấy đầu tự dẫn để tiến hành các thử nghiệm xem các tính năng của nó có phù hợp với những yêu cầu của Bộ Quốc phòng Mỹ hay không, trong đó có cả các thử nghiệm xác định khả năng chống nhiễu.

Nếu như kết quả các thử nghiệm cho thấy những tính năng được công bố là chính xác, họ sẵn sàng lắp chúng cho tên lửa Harpoon. Nhưng Nga đã không thể đáp ứng yêu cầu của Mỹ.

Sau các cuộc đàm phán đó một thời gian, Tổng công trình sư thiết kế đầu tự dẫn của Kh-35 E đã chết trong một hoàn cảnh bí ẩn. Ông ấy bị giết trên chuyến tàu từ Moscow đi Sant – Petersburg.

Còn sau đấy nữa, chuyên gia thuật toán chủ yếu – tức người soạn các đảm bảo lập trình chuyên dụng cho việc xử lý số các thông tin trong đầu tự dẫn cũng mất tích một cách bí ẩn không kém. Sự mất mát những nhà tư tưởng chủ yếu trong chế tạo các đầu tự dẫn hiện đại đã hất Nga ngược trở lại (trong công tác thiết kế) ít nhất là khoảng 4 năm.

Với trang bị cực mạnh của mình, không khó hiểu vì sao tàu Yaroslav Mudry lại đủ tự tin rượt đuổi cả biên đội tàu sân bay USS Harry S. Truman ngoài khơi Syria.

Clip tàu Yaroslav Mudry bám ngay sát biên đội tàu sân bay Mỹ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-nga-choi-tro-meo-von-chuot-voi-tau-san-bay-my-3358126/