Tàu nạo vét lớn nhất châu Á của TQ gây quan ngại

Với chiều dài 140m, tàu Tian Kun Hao được thiết kế có công suất nạo vét 6.000m3 đất/h và có thể đào sâu tới 35m dưới đáy biển.

Ngày 3/11, tàu nạo vét lớn nhất châu Á do Trung Quốc sản xuất đã bắt đầu chạy thử tại tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc.

Tàu này do Công ty Nạo vét Thiên Tân thuộc Tập đoàn Xây dựng truyền thông Trung Quốc thiết kế và Công ty Công nghiệp nặng Thượng Hải Zhenhua đóng.

Theo Công ty Nạo vét Thiên Tân, trong vòng 1 giờ, tàu điện này có khả năng nạo vét một khu vực có diện tích bằng sân bóng đá với độ sâu 1m.

Tàu Tian Kun Hao

Đối với khu vực đáy biển có nhiều đá, thiết bị nạo vét có công suất 6.600-kilowatt có thể nghiền đá cứng và hút bùn vào tàu, nơi lượng bùn này sau đó sẽ tự động bắn ra xa.

Dự kiến tàu này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2018.

Một số tờ báo ở Trung Quốc đại lục gọi tàu Tian Kun Hao là "công cụ tạo đảo mạnh nhất châu Á". Cách mô tả này gây ra quan ngại rằng Trung Quốc sẽ dùng tàu Thiên Côn Hào cho mục đích mở rộng xây đảo nhân tạo phi pháp tại khu vực Biển Đông.

Trước đó, Trung Quốc đã sử dụng Tian Jing Hao, với công suất nạo vét 4.500 m3/giờ, cho hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông trước đó.

Tàu này được cho là di chuyển qua lại giữa 5 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ tháng 9/2013 đến tháng 6/2014, theo South China Morning Post.

Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định mọi việc làm của nước ngoài tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) Collin Koh cho rằng việc tạo ra công nghệ nạo vét như trên nằm trong tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc.

Chừng nào Bắc Kinh còn chưa làm rõ mục đích của việc đóng tàu Tian Kun Hao thì vẫn còn đó nghi ngại rằng nước này đang đẩy mạnh việc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, South China Morning Post dẫn lời ông Koh nhận xét.

Trước đây, giới quan sát đã nhiều lần chỉ ra rằng, một trong những công cụ giúp Trung Quốc bành trướng không chỉ ở Biển Đông chính là hạm đội tàu nạo vét của quốc gia này.

Theo TS sĩ Andrew S. Erickson, giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu chiến lược của Trường Chiến tranh hải quân Mỹ (US Naval War College) từng cho biết: "Bắt đầu từ năm 2001, Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng và nâng cấp hạm đội tàu nạo vét lúc đó còn kém chất lượng để thỏa mãn nhu cầu trong nước ngày càng tăng về đường thủy, cảng nước sâu và để chiếm một vị trí hàng đầu trong thị trường nạo vét toàn cầu đang phát triển nhanh chóng ".

Chuyên gia Mỹ này nhấn mạnh rằng cách đây 15 năm, Trung Quốc không có khả năng đắp các đảo nhân tạo gây tranh cãi ở Biển Đông. Dự án đầy tham vọng này đòi hỏi phải có “một hạm đội tàu nạo vét lớn và hiện đại”.

Do đó Bắc Kinh đã tìm mọi cách xây dựng một hạm đội tàu nạo vét lớn. Không những thế, Trung Quốc còn tập trung vào việc chế tạo tàu hút bùn lớn hơn và hiện đại hơn nhiều so với tàu cùng loại của các nước khác. Cuối cùng, Trung Quốc đã chiếm ngôi đầu thế giới, xét về công suất của đội tàu nạo vét.

GS.TS Erickson cho biết: "Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Bắc Kinh đã xây dựng và triển khai một hạm đội tàu nạo vét khổng lồ để ‘thay đổi địa lý’ theo đúng nghĩa đen của cụm từ này và sử dụng sức mạnh kinh tế-công nghệ ngày càng gia tăng để thúc đẩy các mục tiêu địa chiến lược của Trung Quốc".

Các chuyên gia Mỹ không loại trừ khả năng Bắc Kinh sử dụng hạm đội tàu nạo vét hùng hậu để xây dựng căn cứ hải quân ở nước ngoài hoặc mở rộng các cảng thương mại hiện có đến một kích thước đủ lớn để cho tàu chiến Trung Quốc lưu trú và qua đó, tăng cường khả năng tác chiến ở các đại dương của Hải quân Trung Quốc.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tau-nao-vet-lon-nhat-chau-a-cua-tq-gay-quan-ngai-3346455/