Tàu Mỹ sẽ tìm được mộ băng cho mình trên biển Barents

Hạm đội Phương Bắc Nga vẫn là một mối đe dọa đối với Mỹ, bất chấp những nỗ lực chinh phục Bắc Cực của NATO.

Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết và phỏng vấn các chuyên gia rất thú vị và nhiều thông tin với tiêu đề và phụ đề trên của nhà báo quen thuộc Andrey Polunhin về cuộc tập trận hải quân sắp diễn ra của Mỹ và NATO trên Biển Barents. Chúng tôi đôi chỗ có mở ngoặc để làm rõ hơn thông tin.

Andrey Polunhin

Andrey Polunhin

Ảnh: Zuma/TASS

I. Phần dẫn của Andrey Polunhin

Ngày 12/9/2-2020, Bộ Tư lệnh Hải quân Anh ra thông cáo báo chí cho biết:

“Anh, Mỹ, Đan Mạch và Na Uy sẽ tiến hành một chiến dịch chung ở Vùng Bắc Cực. Mục tiêu của chiến dịch này- khẳng định "những cam kết duy trì hòa bình và tự do hàng hải trong khu vực".

Chiến dịch này sẽ có sự tham gia của các khinh hạm lớp 23 “Sutherland” và tàu chở dầu “Tidespring” của Anh, tàu khu trục mang tên lửa lớp USS “Ross” kiểu “Arleigh Burke” và tàu khu trục cỡ nhỏ “Thor Heyerdahl” của Na Uy và máy bay tuần tiễu của Đan Mạch.

Trong thông cáo báo chí nói trên cũng có đoạn nhấn mạnh rằng chiến dịch chung sẽ diễn ra trong điều kiện nhiệt độ đóng băng, để "nhằm làm sâu sắc hơn những hiểu biết của chúng tôi (các nước nói trên) về bối cảnh (diều kiện khí hậu) phức tạp (của vùng Cực Bắc), và đồng thời góp phần vào việc duy trì hòa bình trong khu vực".

Thông cáo cũng khẳng định lại là chiến dịch này là sứ mệnh tiếp nối của cuộc tập trận chung Anh-Mỹ mới diễn ra hồi tháng 5 vừa qua.

Để làm rõ hơn, xin nhắc lại là vào ngày 4/5/2020, một cụm tàu tấn công của Hải quân Đồng minh các nước NATO đã đi vào Biển Barents. Hạm đội Phương Bắc Nga đã bám ngay cụm tàu này.

Trong cụm tàu NATO này có các tàu khu trục mang tên lửa có điều khiển "Porter", "Donald Cook", "Franklin Roosevelt" của Hải quân Mỹ và khinh hạm mang tên lửa có điều khiển "Kent" của Hải quân Anh. Tổng cộng khi đó có 1.200 thủy thủ NATO tham gia tập trận.

Như Đô đốc James Foggo, Tư lệnh Các lực lượng Hải quân Mỹ ở Châu Âu và Châu Phi đã tuyên bố, thì : “Thông qua những cuộc tập trận như vậy, các tàu (NATO) đã thể hiện "sức mạnh, sự linh hoạt và sự trung thành với những cam kết đảm bảo tự do hàng hải ở Bắc Cực và các vùng biển Châu Âu khác".

Tiếp trích dẫn từ tuyên bố của Tư lệnh J. Foggo: “Khu vực Bắc Cực rất quan trọng (đối với Mỹ và NATO), các lực lượng hải quân của chúng tôi hoạt động tại khu vực đó, trong đó có cả Biển Barents. (Chúng tôi) làm như vậy là để đảm bảo an toàn cho các tuyến giao thông thương mại và khẳng định quyền tự do hàng hải trong những điều kiện phức tạp”.

Xin lưu ý rằng thời gian gần đây Mỹ và các đồng minh của mình đã cực kỳ chú ý đến Bắc Cực. Lý do đã được Phó trợ lý thứ nhất Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Châu Âu và Á-Âu Michael Murphy công khai cho biết:

Nga bị cáo buộc đang gây nguy hiểm cho tuyến phòng thủ chống tàu ngầm của NATO ở Bắc Đại Tây Dương bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực Bắc Cực.

Cụ thể hơn, vào tháng 5/2020, ông Murphy đã tuyên bố tại một cuộc họp báo như sau: "Trung Quốc và Nga đang ngày càng tỏ ra hung hăng thách thức các lợi ích của Mỹ, Phương Tây và các đồng minh của mình ... khu vực Bắc Cực hiện không được bảo vệ trước những mối đe dọa đó từ Nga và Trung Quốc".

Ông này cũng khẳng định rằng đã có kế hoạch đưa vấn đề này (Bắc Cực) trở lại chương trình nghị sự của nước Mỹ.

Ông Murphy khi đó nói tiếp: “(các mối đe dọa mà) mà tôi muốn nói tới là Nga đã thành lập Bộ Tư lệnh Bắc Cực mới; thành lập các lữ đoàn Bắc Cực mới; khôi phục lại cơ sở hạ tầng, các cảng và sân bay từ thời Chiến tranh Lạnh;

xây dựng cơ sở hạ tầng mới; Người Nga đã công bố kế hoạch triển khai hệ thống S-400 ở Bán đảo Kola,- những hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự này vượt xa nhu cầu phòng thủ lãnh thổ.

Nga làm như vậy là để điều lực lượng của mình đến Bắc Đại Tây Dương trói tay không cho Mỹ và Canada có các động tác phản ứng và tăng cường các hành động của mình trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, (Nga cũng ) đã tạo ra mối đe dọa cho khoảng không gian nằm giữa Greenland, Iceland và Vương quốc Anh (tức tuyến phòng thủ chống ngầm Faroe-Iceland)”.

Quả là trên thực tế, vào tháng 3/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký phê duyệt chính sách nhà nước tại Bắc Cực đến năm 2035. Các nhiệm vụ chính được xác định trong chính sách này là:

tăng cường khả năng tác chiến của các cụm quân của Các Lực lượng Vũ trang và những lực lượng khác ở khu vực Bắc Cực; duy trì tiềm lực chiến đấu của chúng ở mức đủ đảm bảo giải quyết các nhiệm vụ đánh trả một cuộc xâm lược chống lại Nga và các đồng minh của Nga.

Điều gì đằng sau chiến dịch hải quân của NATO tại Bắc Cực, liệu NATO có thể giành thế chủ động từ tay Nga ở Bắc Cực hay không?

II. Phần phỏng vấn:

1/ Chuyên viên chính Trung tâm Nghiên cứu Chính trị- Quân sự của MGIMO (Trường Đại học quan hệ quốc tế Matxcova), Tiến sĩ Khoa học Chính trị Mikhail Alexandrov.

— Có thể giải thích những động thái hiện tại (cuộc tập trận hải quân của Mỹ và NATO) trên Biển Barents là do các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trước đó của NATO đã không thành công lắm.

Mikhail Alexandr: – Từ mùa thu năm 2018, Mỹ và các đồng minh đã thử điều một cụm tàu hải quân khá lớn vào Biển Barents, trong đó có cả tàu sân bay hạt nhân USS “Harry Truman”.

Nhưng kết quả là cụm tàu Mỹ đã buộc phải rời khỏi khu vực diễn ra cuộc tập trận “Trident Juncture 2018” trên đất Na Uy và khu vực ngoài khơi bờ biển của nước này trước thời hạn do xuất hiện một cơn bão mạnh ở Bắc Đại Tây Dương.

Như vậy là tàu sân bay Mỹ đã không thể hoạt động một cách bình thường trong những điều kiện khắc nghiệt của Vùng Bắc Cực.

Vào tháng 5 năm 2020, tàu khu trục “Donald Cook” Mỹ bị “kẹt cứng” trong lớp băng trên biển Barents. Các trang- thiết bị trên tàu bị hỏng do đóng băng và vũ khí – khí tài cũng bị “loại khỏi vòng chiến”.

Tờ “Sohu” đã kể lại một cách tương đối chi tiết về sự cố này cùng nhận xét rằng các tàu của Liên bang Nga đã được xử lý bằng một hợp chất đặc biệt chống lại điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt. Chính vì thế nên các tàu Hải quân Nga không gặp vấn đề gì khi hoạt động ở Bắc Cực.

Có thể nói rằng cuộc tập trận ở Biển Barents khi đó đã kết thúc hoàn toàn thất bại đối với NATO – đó là ngay cả khi mà trên thực tế đã không tiến hành bất kỳ một hành động tác chiến (giả định) nào.

Cuối cùng thì người Mỹ cũng đã “ngộ ra” được một điều: thứ nhất, họ sẽ không thể trông chờ gì vào sức mạnh tấn công chủ lực của họ là các tàu sân bay ở khu vực Vùng Cực. Thứ hai, ngay cả các tàu thuộc các những lớp nhỏ hơn cũng không thể sử dụng một cách hiệu quả ở vùng Bắc Cực - chúng cần phải thích nghi với các điều kiện mùa đông.

Và đến giờ, theo tôi hiểu, Mỹ đã tổ chức các cuộc diễn tập với quy mô nhỏ hơn để thử nghiệm một số cải tiến nào đó trên các tàu của họ. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp này người Na Uy đã có thể giúp người Mỹ - các tàu của họ liên tục hoạt động trên những vĩ độ này.

Ngoài việc “đấu tranh chóng băng giá”, ở các khu vực vĩ độ cao còn cần phải biết cách sử dụng các thiết bị dẫn đường truyền thống, vì các trang thiết bị điện tử hoạt động không đảm bảo hoàn toàn độ tin cậy tại Bắc Cực.

Rất nhiều khả năng là người Mỹ hiện đang học và luyện cách hoạt động ở Bắc Cực – họ đã hiểu ra rằng “vội vã sẽ không thành công”.

"SP": - Tại sao Mỹ lại sợ Hạm đội Phương Bắc của chúng ta?

Mikhail Alexandr: — Đây là một chuyện rất dễ hiểu thôi. Sợ Hạm đội Phương Bắc Nga đã là một "nỗi sợ " truyền thống của người Mỹ, bắt đầu từ thời kỳ đối đầu giữa Liên Xô, các nước thuộc Khối Warszawa với NATO.

Người Mỹ vào thời kỳ đó đã bố trí một lực lượng lớn và rất mạnh ở Châu Âu, cộng với số quân luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu của NATO ở Châu Âu- lực lượng Mỹ- NATO lúc đó lớn hơn nhiều kể so với hiện tại.

Mặc dù vậy, Mỹ và các đồng minh của mình vẫn không thể đảm bảo sự cân bằng với Liên Xô về lục quân. Điểm tựa và điểm mạnh chủ yếu của Mỹ và NATO khi đó– đó là khả năng có thể nhanh chóng điều chuyển một đội quân lớn cùng các trang thiết bị - vũ khí khí tài từ Mỹ sang.

Còn chiến lược của chúng ta được xây dựng theo quan điểm là tiến hành một đòn tấn công quyết định và chớp nhoáng đập tan tuyến phòng thủ của đối phương và tiến ra eo biển Manche trước khi người Mỹ kịp chuyển quân từ bên kia đại dương sang.

Còn trong trường hợp không thể nhanh chóng tiến ra eo biển Manche, chúng ta đã có “kế hoạch B”. Theo kế hoạch này, chúng ta sẽ phong tỏa các tuyến chuyển quân Mỹ qua Đại Tây Dương.

Chúng ta không thể “đua” được với NATO về lực lượng tàu nổi, nhưng chúng ta có thể giải quyết vấn đề bằng tàu ngầm và không quân hải quân.

Tôi xin nhắc lại rằng khi đó chúng ta có một kiểu máy bay không quân hải quân rất đặc biệt – máy bay Tu-22 được trang bị tên lửa có thể tiêu diệt các tàu trong đoàn tàu hộ tống. Không quân sẽ thu hút lực lượng của các tàu hộ tống, và khi đó thì các tàu ngầm của chúng ta sẽ “xử lý” những tàu vận tải trên Đại Tây Dương.

Về phần mình, để tránh rơi vào những tình huống khó khăn như vậy, Mỹ và NATO đã thiết lập một hệ thống theo dõi các tàu ngầm của Liên Xô, và đã lắp đặt các cảm biến cần thiết trên tuyến Faroe-Iceland.

Nhưng vấn đề là ở chỗ công nghệ chế tạo tàu ngầm của chúng ta đã có một bước tiến lớn. Tôi không dám chắc là các cảm biến của người Mỹ hiện nay có đủ khả năng phát hiện được các tàu ngầm lớp “Yasen” hiện đại của Nga hay không.

Cũng dễ hiểu là chúng ta chưa có nhiều tàu ngầm như vậy (“Yasen”) , nhưng việc đóng các tàu ngầm “Yasen” đang được ráo riết tiến hành. Thêm nữa, các tàu ngầm thế hệ trước của Nga đang được trang bị lại hệ thống giảm tiếng ồn chủ động.

Nói ngắn gọn, đã có những vấn đề mới phát sinh đối với Mỹ và NATO. Một khi tuyến Faroe-Iceland hoạt động không còn hiệu quả, cần phải duy trì một hạm đội tàu nổi lớn ở khu vực này của Bắc Đại Tây Dương. Nhưng hạm đội này lại bất lực trước tên lửa siêu thanh mới nhất "Kinzhal" (“Dao găm”) và tên lửa chống hạm siêu thanh "Zircon" của Nga.

Chính vì vậy mà bây giờ Mỹ đang tìm cách để ngăn không cho Hạm đội Phương Bắc của chúng ta triển khai lực lượng- ép chặt nó trong Biển Barents, không cho nó tiếp cận tuyến Faroe-Iceland. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại có vẻ như người Mỹ chưa được thành không lắm trong chuyện này.

2/ Chủ tịch Viện Hàn lâm các vấn đề địa chính trị, Tiến sỹ Khoa học quân sự, Viện sỹ Viện Hàn lâm Pháo binh và Tên lửa, Đại tá hải quân Konstantin Sivkov

— Bắc Cực- đó là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất, cả xét từ góc độ quân sự và kinh tế, vì thế nên người Mỹ mới lao đến đây. Tất nhiên, trong tình hình như hiện tại – nếu tính tới tiềm lực hạt nhân của Nga – hiện NATO chưa có triển vọng gì sáng sủa lắm ở Bắc Cực.

Nhưng những tính toán này (của Mỹ và NATO) sẽ được áp dụng trong trường hợp trong Điện Kremlin có sự thay đổi chế độ và tại nước Nga xảy ra một cuộc bùng nổ xã hội với hậu quả là toàn bộ chính quyền sụp đổ.

Khi đó thì Mỹ mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ thâm nhập vào Vùng Bắc Cực. Nói một cách thô thiển thì khi đó họ mới có thể kéo được tấm chăn Vùng Bắc Cực về mình.

"SP": - Vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh đến năm 2029 phải xây dựng xong một hạm đội tàu phá băng hoàn chỉnh để đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của Mỹ ở cả Bắc Cực và Nam Cực.

Ngoài việc đóng ba tàu phá băng hạng nặng, người Mỹ sẽ lựa chọn hai địa điểm trú quân tối ưu cho hạm đội tàu phá băng mới trên lãnh thổ Mỹ và hai địa điểm nữa ở nước ngoài. Đây có phải là những nhiệm vụ khả thi?

Konstantin Sivkov: — Việc Mỹ không có hạm đội tàu phá băng ở Hoa Kỳ- tất nhiên, đây là một vấn đề mang tính nguyên tắc đối với Mỹ. Nhưng người Mỹ sẽ không sớm có được một hạm đội như vậy.

Trong thực tế, tôi cho rằng, thời gian phải tính bằng hàng thập kỷ. Vì vậy, chắc chắn trong tương lai gần NATO chưa thể áp đặt được ý chí của mình cho Nga tại Bắc Cực.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tau-my-se-tim-duoc-mo-bang-cho-minh-tren-bien-barents-3418923/