Tàu Iran mất dấu ở Tartus và niềm vui của Syria

Người dân Syria sắp nhận được tin vui sau suốt một mùa hè phải sống trong cảnh thiếu nhiên liệu do các lệnh trừng phạt từ phương Tây?

Ngày 3/9, Reuters trích dẫn nguồn tin từ dữ liệu theo dõi tàu thuyền Refinitiv cho biết, tàu chở dầu Adrian Darya 1 phát tín hiệu lần cuối cùng tại vị trí giữa đảo Síp và Syria vào lúc 15h53 (giờ GMT) ngày 2/9.

Cùng ngày AMN cho rằng, người dân Syria sắp nhận được tin vui sau suốt một mùa hè phải sống trong cảnh thiếu nhiên liệu do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Điều này được cho là liên quan tới tàu dầu Iran.

AMN dẫn nguồn tin từ Marine Traffic cho biết, Adrian Darya 1 được nhìn thấy lần cuối gần thành phố biển Baniyas của Syria ở tỉnh Tartus.

Thành phố Baniyas là nơi có những nhà máy lọc dầu lớn nhất Syria. Đây cũng là địa điểm xảy ra các vụ tấn công nhằm vào đường ống dẫn dầu phía đông Địa Trung Hải. Việc Adrian Darya 1 xuất hiện tại khu vực này khiến giả thiết của AMN càng được củng cố.

Kể từ khi tiến vào vùng biển của Thành phố Baniyas, siêu tàu chở dầu Iran đột nhiên tắt định vị GPS và biến mất trên bản đồ theo dõi hải trình. Cho đến thời điểm hiện tại, vị trí của Adrian Darya 1 vẫn còn là một bí ẩn.

Vị trí tàu Adrian Darya 1 trước khi tắt GPS.

Vị trí tàu Adrian Darya 1 trước khi tắt GPS.

Siêu tàu chở dầu Adrian Darya 1 trước đây có tên là Grace 1. Con tàu này từng bị Hải quân Hoàng gia Anh ở Gibraltar bắt giữ ngày 4/7 vì bị nghi ngờ đang trên đường tới Syria, vi phạm các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 18/8, được Tòa án Tối cao Gibraltar thả tự do sau khi cơ quan này xác định Adrian Darya 1 không chở dầu tới Syria. Trong hơn 10 ngày qua, tàu liên tục thay đổi hải trình và hiện chưa rõ điểm đến cuối cùng.

Adrian Darya 1 đã thay đổi điểm đến trong Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) là Thổ Nhĩ Kỳ, Hi Lạp và Lebanon. Tuy nhiên, lãnh đạo và quan chức các nước Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon đều tuyên bố tàu Adrian Darya 1 sẽ không cập cảng của họ.

Điều này khiến giới quan sát nghi ngờ rằng, con tàu này đang cố gắng chuyển hàng cho Damascus trong bối cảnh Syria đang trong tình trạng khủng hoảng nhiên liệu. Có thể không một cảng biển nào của Syria đủ sức tiếp nhận Adrian Darya 1, nhưng điều này sẽ trở nên vô nghĩa nếu như việc dỡ hàng được thực hiện ở ngoài khơi nước này.

Washington đã cảnh báo bất kỳ quốc gia nào tham gia hỗ trợ tàu Grace 1, bây giờ là Adrian Darya 1, đồng nghĩa với việc tài trợ một tổ chức khủng bố. Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc tàu Adrian Darya 1 đang hướng tới Syria.

"Chúng tôi có thông tin đáng tin cậy rằng con tàu đang hướng đến Tartus, Syria. Tôi hy vọng nó sẽ thay đổi hướng đi. Thật sai lầm khi tin Ngoại trưởng Zarif", Pompeo viết trên Twitter.

Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif từng cam đoan với Anh rằng tàu Adrian Darya 1 không tới Syria. Ngoài ra, Iran cảnh báo Mỹ không nên bắt tàu dầu Adrian Darya 1 bởi sẽ gây nguy hiểm cho an ninh hàng hải trong vùng biển quốc tế và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Căng thẳng Mỹ - Iran bùng phát kể từ hồi tháng 5/2018, thời điểm Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử có tên "Kế hoạch hành động chung toàn diện" (JCPOA) được Iran ký kết với nhóm P5+1 gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ và Đức vào năm 2015. Thêm vào đó, Mỹ quay trở lại áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran nhằm ép Tehran ngồi vào bàn đàm phán để đi tới một thỏa thuận mới.

Đáp trả, Iran tuyên bố nước này đã tăng tốc độ cũng như tăng mức độ làm giàu uranium vượt ngoài mức cho phép của JCPOA nhằm đáp trả Mỹ ngừng tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận.

Việc Mỹ rút khỏi JCPOA khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Âu tìm mọi cách để duy trì quan hệ thương mại với Iran nhưng lại có nguy cơ đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh vẫn luôn thường trực.

Hoàng Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tau-iran-mat-dau-o-tartus-va-niem-vui-cua-syria-3386930/