Tàu giã cào ngoại tỉnh khai thác trái phép trên vùng biển Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, tình trạng tàu cá giã cào (hay còn gọi tàu dạ) của Nghệ An xâm lấn ngư trường, bắt giữ, đánh đập ngư dân Nghi Xuân (Hà Tĩnh) gây hoang mang cho người dân nơi đây, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng.

2 tàu giã cào ở tỉnh Nghệ An vào Hà Tĩnh khai thác hải sản sai quy định.

Khoảng 8h30" ngày 22/3, ông Trần Văn Đóa (ở thôn Yên Liễu, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân) cùng con trai đang đánh cá tại vùng biển xã Xuân Yên, cách bờ khoảng 2 km thì bị 2 tàu kéo dạ đôi (trong đó có 1 tàu mang số hiệu NA 90751, thuộc tỉnh Nghệ An) chặn lại và áp sát.

Cho rằng ông Đóa chặt lưới dạ kéo đôi của tàu mình, một thanh niên đã trèo sang tàu, dùng tấm ván gỗ lót sàn đánh ông.

Ông Đóa và những vết thương do bị ngư dân Nghệ An hành hung vào ngày 22/3.

Trước đó 2 tuần, vào khoảng 9h ngày 7/3, khi đang đánh lưới mực trên vùng biển thuộc xã Xuân Liên (huyện Nghi Xuân), ông Lê Lâm (SN 1970, trú tại thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên) cũng bị 1 tàu cá bắt lên tàu, đánh đập, áp tải ra Nghệ An để “xử lý”.

Đến khoảng 21h ngày 9/7, sau 2 lần chính quyền xã Xuân Liên và các cơ quan chức năng Nghi Xuân ra Nghệ An thương thuyết, giải quyết vụ việc, ông Lê Lâm mới được thả về.

Theo lời kể của ông Lâm: Ông bị các đối tượng trên tàu dạ mang biển số Nghệ An trói tay chân và đưa về vùng biển thuộc địa phận xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Đến khoảng 18h, họ đưa ông đến Đồn Biên phòng Diễn Thành (huyện Diễn Châu) lấy lời khai rồi huy động thêm lực lượng gây sức ép, yêu cầu ông phải bồi thường 50 triệu đồng vì đã cắt lưới của họ.

Ông Trần Mạnh Hiền (SN 1970, thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên) kể lại vụ việc chứng kiến việc ông Lê Lâm bị đánh đập. Ảnh tư liệu

Khoảng 14h ngày 8/3, chính quyền xã Xuân Liên cùng cơ quan chức năng đã yêu cầu thả người nhưng bất thành.

Chiều ngày 9/3, lãnh đạo xã Xuân Liên, Đồn Biên phòng Lạch Kèn, cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh tiếp tục có mặt tại Đồn Biên phòng Diễn Thành để làm việc. Đến khoảng 21h, ông Lê Lâm mới được thả về.

Ông Lê Lâm với vết thương do bị các đối tượng từ tàu cá Nghệ An đánh.

“Vụ việc được giải quyết theo chiều hướng “huề cả làng”, nghĩa là hai bên tự cam kết với nhau: bên nào mất bên ấy chịu. Toàn bộ dụng cụ đánh lưới mực của tôi trị giá 24 triệu đồng đã bị rơi xuống biển, không tìm được. Tôi không gây ra thiệt hại cho họ trong khi hành vi của họ đã gây thất thoát tài sản, đe dọa tính mạng của tôi, thật là quá đáng” - ông Lâm bức xúc.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ va chạm giữa ngư dân 2 tỉnh mà trong đó, bên gây sự là ngư dân Nghệ An.

Ông Đinh Trọng Liến - Trưởng thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên cho biết: “Vào tháng 8/2019, thuyền cá của 2 bố con một ngư dân Xuân Yên đang đánh bắt tại khu vực biển Xuân Liên bị một tàu dạ Nghệ An đâm thủng, chìm xuống. May mắn là bố con ông này được anh Trần Văn Vinh (SN 1960, thôn Lâm Hải Hoa) đánh bắt gần đó nhìn thấy, cứu sống”.

Lực lượng chức năng bàn giải pháp hỗ trợ ngư dân tại Đồn Biên phòng Lạch Kèn (ảnh chụp lúc 10h sáng 9/3).

Theo quy định, tàu giã cào có công suất từ 200 CV trở lên không được phép đánh bắt gần bờ. Tuy nhiên, các tàu dạ ở Nghệ An thường lựa chọn vùng lộng Nghi Xuân làm nơi đánh bắt vì khu vực này lượng hải sản khá dồi dào.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Yên - Hoàng Xuân Linh cho biết: Việc tàu lớn Nghệ An tranh giành ngư trường, đánh bắt theo kiểu tận diệt khiến ngư dân cùng này rất bức xúc. Đó cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ việc va chạm giữa ngư dân hai tỉnh. Tuy nhiên, do tàu giã cào của ngư dân Nghệ An có công suất lớn, trong khi tàu thuyền khai thác truyền thống của ngư dân Nghi Xuân nhỏ nên luôn phải chịu phần thua thiệt.

Ngoại trừ Xuân Hội có những tàu lớn, hầu hết các tàu ở Nghi Xuân là tàu nhỏ đánh bắt ở gần bờ nên yếu thế trước những tàu dạ to và đông người.

Ngư dân Hà Tĩnh chỉ biết trông chờ vào lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Song, việc bắt giữ, xử lý những tàu dạ ở các địa phương khác vào khu vực bãi ngang ven biển Nghi Xuân là nhiệm vụ rất gian nan.

Theo Thượng tá Trần Đức Phúc - Đồn trưởng Đồn biên phòng Lạch Kèn (Xuân Liên): Các tàu này công suất rất lớn (trên 200CV) trong khi phương tiện của đơn vị lại quá nhỏ (ca nô) nên không thể đuổi bắt được. Trưng dụng tàu lớn của ngư dân để đẩy đuổi không chỉ chi phí lớn mà người dân cũng không đồng ý vì lo sợ bị trả thù. Đó là chưa nói đến những đối tượng xâm nhập trái phép thường hoạt động tinh vi, sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”, tẩu tán tang vật khi bị truy đuổi.

Tranh chấp, va chạm trên vùng biển Nghi Xuân của ngư dân 2 tỉnh đã đến hồi báo động, cần được hóa giải trước khi quá muộn!

Hoài Nam - Trần Vương

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/phap-luat-doi-song/tau-gia-cao-nghe-an-khai-thac-trai-phep-tren-vung-bien-ha-tinh/189288.htm