Tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông khi vận hành chính thức có giá vé bao nhiêu?

Tuyến Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông khi đưa vào khai thác thương mại sẽ có giá vé từ 8.000 - 15.000 đồng/lượt, tùy theo chặng.

Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro), đơn vị khai thác hành, vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông cho biết, khi dự án này được đưa vào khai thác thương mại chính thức, người dân sẽ được sử dụng phương tiện miễn phí trong 15 ngày đầu tiên để trải nghiệm.

Trước đó, HĐND TP Hà Nội đã phê duyệt phương án giá vé và chia thành nhiều khung giá khác nhau.

Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường).

Vé ngày 30.000 đồng/vé. Loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong 1 ngày.

Vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000 - 15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.

Mức giá trên đã được trợ giá và chỉ áp dụng trong thời gian thí điểm kể từ ngày đưa phương tiện vào khai thác thương mại. Sau khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí quản lý, vận hành về đường sắt đô thị, liên ngành sẽ trình thành phố xem xét ban hành giá vé chính thức.

Theo sở GTVT Hà Nội, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành từ 5h sáng đến 23h đêm hàng ngày. Trong khung giờ bình thường tàu sẽ được khai thác với 10 phút/chuyến, trong khung giờ cao điểm thời gian khai thác sẽ rút ngắn xuống còn 6 phút/chuyến, mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở tối đa 960 hành khách.

Tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy với tốc độ trung bình là 35km/h. Khi vào ga tàu sẽ dừng 25-35 giây để khách lên xuống. Thời gian chạy toàn tuyến ước tính sẽ là 25,5 phút, trong đó đã gồm cả thời gian dừng đón, trả khách.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội sẽ bố trí khu vực tổ chức dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị 2A.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, có 50 tuyến buýt được lên kế hoạch để trung chuyển khách đi uyến đườngt sắt Cát Linh - Hà Đông và lên các kịch bản kết nối giữa các tuyến buýt hiện hữu với đường sắt đô thị trên cao.

Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu bổ sung các điểm dừng xe buýt, phát triển thêm các điểm trung chuyển, tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng… nhằm bảo đảm năng lực tổ chức kết nối với đường sắt đô thị để thu hút người dân dùng vận tải công cộng.

Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất thực hiện bổ sung 17 điểm dừng xe buýt, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400 m..., tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng.

H.A

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/gia-ve-duong-sat-tren-cao-cat-linh-ha-dong-30647.html