Tàu dầu Iran và kịch bản một cú lừa lịch sử

Nếu vào một ngày đẹp trời, Adrian Darya 1 lặng lẽ cập cảng Tartus, bàn giao 2,1 triệu thùng nhiên liệu cho Syria cũng không phải là điều bất ngờ.

Ngày 30/8, trang theo dõi hàng hải Marine Traffic xác định tàu Adrian Darya 1 (tiền thân là Grace 1) đã đổi hướng một lần nữa và trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, hướng tới cảng Iskenderun phía đông nam nước này. Iskenderun cách nhà máy lọc dầu Baniyas của Syria 200km về phía bắc, được cho là điểm đến ban đầu của tàu.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sau đó lên tiếng nói rằng con tàu hiện đang ở vùng biển phía nam nước ông nhưng trên đường tới Lebanon.

Phía Lebanon ngay lập tức có phản ứng. Bộ trưởng Tài chính Ali Hassan Khalil khẳng định với Reuters rằng Lebanon không hề được thông báo về việc liệu Adrian Darya 1 có đến một trong các cảng của nước này hay không.

Siêu tàu chở dầu Adrian Darya 1

Siêu tàu chở dầu Adrian Darya 1

Giới quan sát cho rằng, với hành tung bí ẩn, Mỹ và đồng minh rất khó có thể kiểm soát được siêu tàu dầu Adrian Darya 1. Hải trình của Adrian Darya 1 liên tục thay đổi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon nhưng không một nước nào xác nhận việc con tàu này sẽ cập cảng.

Tuy nhiên, không khó để nhận ra một điều rằng các điểm đến mà tàu Adrian Darya 1 nhập vào Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) đều gần bờ biển Syria - nơi đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh.

Nếu vào một ngày đẹp trời, Adrian Darya 1 lặng lẽ cập cảng Tartus, bàn giao 2,1 triệu thùng nhiên liệu cho Syria cũng không phải là điều bất ngờ. Có thể Washington không biết hoặc biết nhưng cũng chẳng thể làm được gì hơn. Đây sẽ là một cú lừa lịch sử mà Tehran dành cho Mỹ và đồng minh.

Adrian Darya 1 bị thủy quân lục chiến Anh cùng cảnh sát biển Gibraltar bắt ngày 4/7 ở ngoài khơi vùng lãnh thổ này với cáo buộc chở dầu tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của EU. Iran bác bỏ cáo buộc này và khẳng định tàu chở dầu đang tới cảng Basra của Iraq.

Sau một thời gian điều tra, chính quyền Gibraltar đã trao trả Grace 1 cho Iran bất chấp việc Washington phát lệnh bắt giữ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton mới đây đã phát đi thông điệp trên trang Twitter cá nhân nhấn mạnh về chiến dịch ngăn chặn Iran với các cáo buộc tài trợ khủng bố, gây bất ổn toàn cầu và vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.

Ông đề nghị không quốc gia nào "chìa cánh tay" giúp đỡ Iran bằng cách chấp nhận cho tàu chở dầu Adrian Darya-1 được cập bến.

"Tàu chở dầu bất hợp pháp Adrian Darya-1 đang hướng đến Thổ Nhĩ Kỳ, không được phép dỡ hàng tại bất cứ cảng biển nào", tuyên bố của ông Bolton nêu rõ.

Về phần mình, Iran cảnh báo Mỹ không bắt tàu dầu Adrian Darya 1 bởi sẽ gây nguy hiểm cho an ninh hàng hải trong vùng biển quốc tế và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Iran cũng nhấn mạnh rằng việc Washington yêu cầu chính quyền Gibraltar gia hạn thời gian giữ tàu là bất hợp pháp.

Ngày 27/8, Tham mưu trưởng quân đội Iran Chuẩn đô đốc Habibollah Sayyari cho biết, khu trục hạm Sahand, lớp Moudge cùng một tàu hậu cần và tàu cung cấp có sàn đáp cho trực thăng Kharg đã được điều động đến Vịnh Aden, nhằm hộ tống cho các tàu thương mại của Iran trong khu vực, đặc biệt là hộ tống tàu chở dầu Grace 1 vừa được chính quyền Gibraltar trao trả.

Nhóm tàu do Sahand dẫn đầu sẽ đảm bảo an ninh cho tất cả các tàu của Iran trong hải trình từ biển Oman đến vịnh Ba Tư. Đây là nhiệm vụ dài ngày trên biển đầu tiên của tàu khu trục Sahand kể từ khi được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2018.

Tư lệnh hải quân Iran Hossein Khanzadi trước đó cũng khẳng định rằng, sẽ triển khai hạm đội bảo vệ tàu Adrian Darya 1 trong hành trình về lãnh hải Iran nếu được yêu cầu.

"Chúng tôi không có ý định gửi hạm đội tới Gibraltar, nhưng luôn sẵn sàng làm vậy để bảo đảm an toàn cho tàu Grace 1 trong hành trình trở về lãnh hải Iran", Tư lệnh hải quân Iran tuyên bố và khẳng định lực lượng này có thể hành động ngay khi Chính phủ Iran yêu cầu.

Thành Chung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tau-dau-iran-va-kich-ban-mot-cu-lua-lich-su-3386721/