Tàu chở hàng được đóng theo Nghị định 67: Chuyện lạ chỉ có ở Phú Quý

Tàu Hoàng Phúc 18 bị chìm trên sông Soài Rạp thật ra là phương tiện vận chuyển các vật liệu, máy móc phục vụ công trình xây dựng. Tuy nhiên giấy tờ của nó lại mang danh một con tàu dịch vụ hậu cần làm thủy sản theo Nghị định 67.

Hoàng Phúc 18 là con tàu của là công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Du Lịch Hoàng Phúc (xã Tam Thanh, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) đứng tên trên giấy tờ. Tàu chính thức hoàn thành và vận hành sau tháng 4/2015 với trọng tải 2.000 tấn.

Ngày 5/1/2015, Công ty TNHH TMDV Du lịch Hoàng Phúc có đơn gửi Ban chỉ đạo 67 tỉnh Bình Thuận đề nghị cho vay đóng mới con tàu DVHC nghề cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Đến thời điểm này, con tàu đã hoàn thành được 80% khối lượng và đang tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công Nghiệp Hàng Hải Sài Gòn (trước đó là Công ty đóng tàu Bình Triệu).

Trở lại thời điểm con tàu hàng này vẫn còn đang trong quá trình xin đóng theo Nghị định 67, vào ngày 17/4/2015, đã có một buổi họp giữa Ban chỉ đạo 67 tỉnh Bình thuận, ngân hàng cho vay và đại diện công ty sở hữu tàu Hoàng Phúc 18.

Nội dung buổi họp để giải quyết kiến nghị của chủ sở hữu tàu Hoàng Phúc 18 là công ty Hoàng Phúc về việc vay vốn đóng mới tàu DVHC vỏ thép theo Nghị định 67.

Sau đó, con tàu này được vay bù đắp tài chính một lần với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tàu Hoàng Phúc 18 tại thời điểm bị chìm

Ngày 29/10/2015, tàu Hoàng Phúc 18 chở theo 700 tấn đá cùng nhiều máy móc, thiết bị cùng 17 thuyền viên trên tàu, xuất bến từ cảng Cường Hưng (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).

Từ hình ảnh thực tế của tàu Hoàng Phúc 18 tại thời điểm bị chìm cho thấy bên mạn tàu có cầu dẫn khá dài và rộng dùng để vận chuyển thiết bị máy móc lên mặt boong, phần úp của con tàu cũng cho thấy nhiều chỗ bị móp méo và có dấu hiệu sửa chữa, chắp va.

Bên cạnh đó, ở 2 đầu con tàu cũng có những hầm rộng, dùng để chứa vật liệu xây dựng. Thiết kế của 2 hầm này không hề phù hợp với việc chứa thủy sản, mà chỉ có thể đựng đất đá, nguyên vật liệu xây dựng nặng.

Ngoài ra, với trọng tải khổng lồ lên đến 2.000 tấn, Hoàng Phúc 18 không phù hợp với việc tham gia hoạt động thủy sản. Cấu tạo của tàu cũng không có những máy móc, kho đông lạnh để bảo quản thủy sản như quy định đối với một tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.

Như vậy, Hoàng Phúc 18 là một con tàu chở hàng, khó có thể thể hoạt động thủy sản. Tuy nhiên, con tàu này lại được đóng bằng số tiền vay theo Nghị định 67 để làm dịch vụ hậu cần. Hiện tại, con tàu Hoàng Phúc 18 này cũng đã được sửa chữa lại để trở thành tàu chở dầu.

Chuyện con một con tàu chở hàng lại được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ dành cho những tàu làm thủy sản đúng là chuyện lạ, chỉ ở đảo Phú Quý mới có. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua nhưng các cơ quan chức năng dường như vẫn làm ngơ, chưa vào cuộc để làm rõ sự việc này.

Được biết, hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận báo cáo, làm rõ về trường hợp một số con tàu được đóng theo Nghị định 67.

Thiên Minh

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ket-noi-ban-doc/tau-cho-hang-duoc-dong-theo-nghi-dinh-67-chuyen-la-chi-co-o-phu-quy-7555.html