Tàu chiến và máy bay TQ 'chạm trán' chiến hạm Mỹ lần thứ 2 trong 3 ngày

Lần thứ 2 trong vòng 3 ngày, Trung Quốc điều động tàu chiến và máy bay đi theo dõi hoạt động di chuyển của các khu trục hạm thuộc hải quân Mỹ.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc dẫn đầu là tàu sân bay Sơn Đông đang di chuyển tới Biển Đông để tiến hành tập trận. Hôm 22/12, tàu sân bay Sơn Đông được phát hiện xuất hiện gần đảo Hải Nam. Tàu sân bay Trung Quốc được cho mang theo phi đội tiêm kích J-15 mới để tổ chức diễn tập.

Cũng trong ngày 22/12, Hạm đội 7 của Mỹ thông báo tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS John S. McCain “đã thực hiện các quyền và tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và tuân thủ luật pháp quốc tế”.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS John S. McCain của hải quân Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS John S. McCain của hải quân Mỹ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tuy nhiên, tuyên bố từ Hạm đội 7 không nhắc tới việc vị trí chính xác tàu USS John S. McCain đi qua và phạm vi hoạt động.

"Mọi giao thiệp với lực lượng quân sự nước ngoài đều tuân thủ quy chuẩn quốc tế và không ảnh hưởng đến hoạt động", Hạm đội 7 không nói rõ "giao thiệp với lực lượng quân sự nước ngoài" là với nước nào.

Lần hoạt động gần nhất của tàu khu trục USS John S. McCain trên Biển Đông là vào ngày 9/10. Khi đó, tàu USS John S. McCain đã xuất hiện gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, trong quá trình di chuyển, tàu USS John S. McCain đã bị phía quân đội Trung Quốc phát cảnh báo xua đuổi.

Liên quan tới hoạt động của tàu USS John S. McCain trên Biển Đông hôm 22/12, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc, Đại tá Tian Junli cho biết hải quân và không quân Trung Quốc đã huy động tàu chiến và máy bay đi “theo dõi và giám sát toàn bộ quá trình di chuyển của khu trục hạm Mỹ, cũng như phát cảnh báo”.

Thậm chí, ông Tian còn đưa ra lời cáo buộc sự xuất hiện của tàu USS John S. McCain làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Bám đuôi 2 lần trong 3 ngày

Trước đó, hải quân Mỹ cho hay tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin đã thực hiện “chuyến đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 19/12 và tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế”.

Chuyến đi của khu trục hạm USS Mustin đánh dấu lần thứ 12 trong năm nay các chiến hạm Mỹ được điều động đi qua eo biển Đài Loan.

Sau đó, Chiến khu Đông Bộ thuộc quân đội Trung Quốc tuyên bố, các lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc “đã đi theo và giám sát” chuyến đi của chiến hạm USS Mustin thuộc hải quân Mỹ.

“Những sứ mệnh như trên cố ý làm gia tăng căng thẳng về vấn đề Đài Loan và đe dọa sự yên bình ở eo biển Đài Loan, cũng như phát tín hiệu tới các lực lượng ủng hộ giành độc lập ở Đài Loan, hủy hoại nghiêm trọng nền hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, tuyên bố từ Chiến khu Đông Bộ cáo buộc.

Hoạt động của hai khu trục hạm USS Mustin và USS John S. McCain của hải quân Mỹ cách nhau chỉ 3 ngày tại hai khu vực là eo biển Đài Loan và Biển Đông, nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó, tờ Japan Times đưa tin, hôm 17/12, quân đội Mỹ cảnh báo các chiến hạm của nước này sẽ “cứng rắn hơn” trong việc đưa ra phản ứng trước những hành động vi phạm luật pháp quốc tế mà cụ thể là đối với Trung Quốc, quốc gia không ngừng mở rộng bành trướng ở Biển Đông.

“Các lực lượng hải quân Mỹ hoạt động trên toàn cầu hàng ngày vẫn đối mặt với các tàu chiến và máy bay của Nga và Trung Quốc”, tài liệu của Lầu Năm Góc còn chú trọng “hành động của họ ngày càng hung hăng” mà Trung Quốc chính là “mối đe dọa chiến lược dài hạn và cấp bách nhất”.

Các tàu của Mỹ sẽ “chấp nhận những rủi ro chiến thuật có tính toán và có hành động quả quyết hơn trong các hoạt động hàng ngày”, tuyên bố từ hải quân Mỹ cho hay.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ liên tiếp đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm. Ngoài ra, quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh còn cho tăng cường tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/tau-chien-va-may-bay-my-trung-lien-tiep-cham-tran-trong-3-ngay-273163.html