Tàu chiến Mỹ áp sát các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông giữa lúc quan hệ hai bên đang căng thẳng

Lầu Năm Góc cho biết, trong mấy ngày qua, các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã hai lần áp sát các đảo bãi ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm giữ phi pháp. Trước đó, hôm 18/11, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã lên tiếng cảnh cáo Mỹ 'phải dừng ngay việc phô diễn vũ lực' ở Biển Đông.

Ngày 20 tháng 11, tàu LCS Gabrielle Giffords đã đi vào vùng nước bên trong 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm giữ và tôn tạo trái phép.

Ngày 20 tháng 11, tàu LCS Gabrielle Giffords đã đi vào vùng nước bên trong 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm giữ và tôn tạo trái phép.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều dẫn tin của Reuters ngày 21/11 viết, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ căng thẳng liên tục, cùng ngày 21/11 quân đội Mỹ thông báo, trong vài ngày qua, các hạm tàu của hải quân Mỹ đã hai lần tiếp cận các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Reuters nhận xét tuyến hàng hải tấp nập trên Biển Đông đã trở thành một trong những điểm nóng nhất trong các tranh chấp quan hệ Trung - Mỹ bao gồm cuộc chiến thương mại, Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt chống lại các công ty Trung Quốc, vấn đề Hồng Kông và Đài Loan...

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc gặp nhau tại Bangkok hôm 18/11.

Nữ phát ngôn viên của Hạm đội Bảy Hải quân Mỹ Reann Mommsen nói với Reuters: ngày 20/11, tàu tác chiến gần bờ LCS Gabrielle Giffords đã đi vào vùng nước bên trong 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Vành Khăn (Mischief Reef) trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm giữ và tôn tạo trái phép.

Bà Mommsen cũng nói, vào ngày 21/11, khu trục hạm Wayne E. Meyer đã tiến hành thách thức những hạn chế của Trung Quốc đối với hành trình vô hại tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Bà nói, các hành động của quân đội Mỹ dựa trên luật pháp và thể hiện Mỹ “dốc sức cam kết bảo vệ các quyền tự do và sử dụng hợp pháp tại mọi vùng biển và vùng trời mà các nước đáng được hưởng”.

Ngày 21/11, khu trục hạm Wayne E. Meyer của Mỹ đã áp sát các đảo Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Đa Chiều nhận xét, vài ngày trước, Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh báo Mỹ “chấm dứt đến Biển Đông để phô diễn sức mạnh”. Sáng ngày 18/11, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper tại Bangkok, Thái Lan. Ông Ngụy Phượng Hòa đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc về các vấn đề Đài Loan, Biển Đông và Hồng Kông.

Cùng sáng ngày 18/11, Ngô Khiêm (Wu Qian), người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp báo tại Bangkok, Thái Lan. Ngô Khiêm nói, về vấn đề Biển Đông, ông Ngụy Phượng Hòa đã nhắc lại “Trung Quốc kiên định quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích trên biển, giữ gìn hòa bình ổn định trên Biển Đông, yêu cầu phía Mỹ chấm dứt việc tới Biển Đông diễu võ dương oai, không kích động cho tình hình trên Biển Đông nóng lên”.

Tàu tuần dương lớp Aegis USS Chancellorsville CG-62 của quân đội Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 12/11,

Vào ngày 19/11, phía Mỹ cũng đã lên tiếng xác nhận Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines bao trùm Biển Đông và toàn bộ khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngày 19/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gặp và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tại trụ sở Bộ Quốc phòng Philippines. Ông Mark Esper đã tuyên bố trong cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm: Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines được ký năm 1951 áp dụng cho toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông.

Lầu Năm Góc nói trong một tuyên bố, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Philippines đều xác nhận trong cuộc đàm phán rằng phạm vi áp dụng của hiệp ước bao gồm Biển Đông. Theo hiệp ước, một cuộc tấn công vũ trang vào Philippines sẽ dẫn đến phản ứng của quân đội Mỹ.

Ngày 19/11, khi tới thăm Philippines, ông Mark Esper tuyên bố: Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines được ký năm 1951 áp dụng cho toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông.

Trang tin Đông Phương sáng 22/11 cũng đưa tin về việc hai tàu chiến Mỹ hoạt động trên Biển Đông như trên và cho biết, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh chiến khu Miền Nam, quân đội Trung Quốc nói, hai tàu Mỹ đã "tự ý" đi vào vùng nước ven biển của các đảo “Nansha” (tức Trường Sa của Việt Nam – NV) và vùng lãnh hải của quần đảo “Xisha” (tức Hoàng Sa của Việt Nam –NV). Các lực lượng trên biển và trên không của PLA đã tiến hành theo dõi và xác minh, đồng thời cảnh cáo xua đuổi.

Theo Đông Phương, người phát ngôn này nói, quân đội Mỹ đang giương chiêu bài “tự do hàng hải”, thường xuyên đến Biển Đông gây sự và yêu cầu họ chấm dứt các hành vi khiêu khích mạo hiểm như vậy để tránh xảy ra bất trắc. Người này nhấn mạnh, quân đội Trung Quốc đã xác định “cho dù Mỹ có sử dụng chiêu trò hay thủ đoạn gì, quân đội Trung Quốc cũng có quyết tâm và khả năng bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia”.

Tàu sân bay nội địa Trung Quốc Type 002 hôm 17/11 lần đầu tiên vào eo biển Đài Loan và đi vòng quanh đảo Đài Loan.

Đông Phương viết, giở lại thông tin thì thấy, tàu tuần dương lớp Aegis USS Chancellorsville CG-62 của quân đội Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 12/11 và tàu tuần dương lớp Aegis USS Antietam CV-36 cũng đã thực hiện các nhiệm vụ an toàn hàng hải ở Biển Hoa Đông hai ngày sau đó. Từ ngày 6 đến ngày 12/11, tàu chiến đấu gần bờ Montgomery và hai tàu chiến của Australia đã cùng nhau hoạt động và diễn tập trên Biển Đông, trong khi tàu Gabrielle Giffords hôm 18/11 cũng đã tuần tra trên Biển Đông.

Ngoài ra, trong thời điểm sắp diễn ra cuộc bầu cử nhạy cảm ở Đài Loan, chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của PLA Type 002 và ba tàu hộ vệ đã hình thành một biên đội, hôm Chủ nhật (17/11) đã lần đầu tiên đi vào Eo biển Đài Loan rồi vòng quanh đảo Đài Loan, trong suốt thời gian này biên đội Type 002 luôn bị hai tàu chiến của Mỹ và Nhật bám sát phía sau.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/tau-chien-my-ap-sat-cac-dao-trung-quoc-chiem-dong-trai-phep-tren-bien-dong-giua-luc-quan-he-hai-ben-dang-cang-thang-373495.html