Tàu chiến 'khủng nhất' của Nhật tập trận với Mỹ sau sứ mệnh ở Biển Đông

Tàu sân bay trực thăng Kaga, tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản, đang tập trận với Mỹ sau khi thực hiện sứ mệnh tuần tra ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Reuters đưa tin, hôm 26/10, Mỹ và Nhật Bản bắt đầu triển khai đợt tập trận quy mô lớn trên không, trên biển và trên đất liền xung quanh lãnh thổ Nhật Bản. Cuộc tập trận được cho là nhằm phô trương sức mạnh quân sự trước hoạt động quân sự tăng cường của Trung Quốc trong khu vực.

Đội hình tàu chiến Mỹ - Nhật tham gia cuộc tập trận Keen Sword diễn ra từ ngày 26/1- - 5/11. (Ảnh: Twitter)

Đội hình tàu chiến Mỹ - Nhật tham gia cuộc tập trận Keen Sword diễn ra từ ngày 26/1- - 5/11. (Ảnh: Twitter)

Cuộc tập trận Keen Sword là đợt diễn tập quân sự đầu tiên kể từ khi ông Yoshihide Suga chính thức trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào tháng Chín. Kể từ khi lên nhậm chức, ông Suga cam kết tiếp tục tăng cường năng lực quân sự để đối phó với Trung Quốc, quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là điểm nóng gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Nhật – Trung. Các tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn thường xuyên tiến vào vùng biển Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp. Đây là một phần trong hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với Senkaku/Điếu Ngư.

Cuộc tập trận Keen Sword được tổ chức 2 năm/lần với sự tham gia của hàng chục chiến hạm, hàng trăm máy bay và 46.000 binh sĩ, thủy thủ và lính thủy đánh bộ của Mỹ và Nhật Bản. Cuộc tập trận này kéo dài tới ngày 5/11 và lần đầu tiên bao gồm nội dung huấn luyện chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng.

“Tình hình an ninh quanh Nhật Bản đang ngày càng diễn biến căng thẳng. Cuộc tập trận là cơ hội để thể hiện sức mạnh của liên minh Mỹ - Nhật”, Tướng Koji Yamazaki, chỉ huy cấp cao trên tàu sân bay trực thăng Kaga đang hoạt động ở vùng biển phía nam Nhật Bản chia sẻ.

RT dẫn lời tướng chỉ huy quân đội Mỹ ở Nhật Bản, Trung tướng Kevin Schneider nhấn mạnh cuộc tập trận nhằm thể hiện “sức mạnh ngày càng lớn” của liên minh quân sự Mỹ - Nhật, đồng thời cho thấy hai đối tác “vẫn duy trì khả năng sẵn sàng tham chiến và giành chiến thắng” bất chấp đại dịch Covid-19.

Cũng theo ông Schneider, cả Mỹ và Nhật Bản đều quan ngại về những hoạt động gần đây của Trung Quốc trong khu vực như đơn phương quân sự hóa ở Biển Đông, dùng quân đội để đe dọa Đài Loan và ban hành luật an ninh mới ở Hong Kong.

Kaga hiện là tàu chiến lớn nhất của quân đội Nhật Bản đã được tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ và các tàu khu trục hộ tống tham gia cuộc tập trận Keen Sword. Đáng nói, trước khi tham gia tập trận với Mỹ, tàu Kaga mới hoàn thành sứ mệnh tuần tra trên Biển Đông và Ấn Độ Dương. Theo kế hoạch, con tàu dài 248 m sẽ được trang bị thêm các chiến đấu cơ tàng hình F-35 vào đầu năm 2021.

Hồi đầu tháng 10, Nhật Bản còn huy động chiến hạm diễn tập chống ngầm trên Biển Đông. Động thái của Nhật Bản đã vấp phải sự chỉ trích của Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc các cuộc tập trận thường xuyên của hải quân Mỹ - Nhật chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực.

“Trung Quốc hy vọng Nhật Bản sẽ không làm những việc gây ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố sau thông tin Nhật Bản diễn tập chống ngầm ở Biển Đông.

Còn hôm 25/10, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài viết nhấn mạnh Nhật Bản có kế hoạch “vây hãm Trung Quốc” trong vấn đề tranh chấp biên giới biển.

Dẫn lời Giáo sư Li Haidong tại Viện Các mối quan hệ quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn Cầu viết cuộc tập trận Keen Sword đã chứng minh cách Tokyo và Washington “đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự thực tế với Trung Quốc”.

Cuộc tập trận quy mô lớn của Mỹ - Nhật diễn ra sau chuyến công du đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản của ông Suga tới Việt Nam và Indonesia. Còn trước đó, cuộc họp của “Bộ Tứ Kim cương”, một liên minh phi chính thức giữa Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ - Australia, cũng đã được tổ chức ở thủ đô Tokyo. Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối sự kiện khi cho rằng Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ - Australia đang hoạt động theo mô hình “NATO thu nhỏ” với mục đích kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Một số hình ảnh về cuộc tập trận Keen Sword quy mô lớn của Mỹ - Nhật:

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/quan-su/tro-ve-tu-bien-dong-tau-chien-khung-nhat-cua-nhat-tap-tran-voi-my-267997.html