Tàu chiến biểu tượng Cách mạng Tháng Mười từng hai lần đến Việt Nam

Một trong những chứng tích lịch sử gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại do Lenin và Đảng Bolshevik lãnh đạo là tuần dương hạm Rạng Đông (Avrora).

Một thời gian dài, con tàu được neo trên bờ con sông Neva ở thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg). Được đóng tại nhà máy Admiralty, Saint Petersburg theo một mệnh lệnh đặc biệt ban hành ngày 7/3/1895, Rạng Đông là sản phẩm của nhà thiết kế tàu chiến nổi tiếng thế kỷ 19 Ksavery Ratnik.

Ratnik là tác giả thiết kế của nhiều pháo hạm, tuần dương hạm, thiết giáp hạm. Tuy nhiên, ông bắt tay vào đóng tàu Rạng Đông mà hầu như không có phác thảo sơ bộ, do yêu cầu phải hoàn thành gấp con tàu này. Tàu hạ thủy ngày 12/5/1900. Vào thời điểm ấy, Rạng Đông thuộc diện tàu chiến cỡ to và hùng mạnh, với lượng giãn nước 6.731 tấn, tốc độ trung bình 20 hải lí/giờ. Tàu được trang bị 8 khẩu pháo 152mm; 24 pháo 75mm, 8 pháo 37mm và 578 thủy thủ.

Tuần dương hạm Rạng Đông (Avrora). Ảnh: Wikipedia

Tuần dương hạm Rạng Đông (Avrora). Ảnh: Wikipedia

Năm 1903, tàu được đưa vào sử dụng, thuộc biên chế Hạm đội Baltic, mặc dù ý định ban đầu là dành con tàu cho việc tăng cường khả năng chiến đấu của hạm đội Nga ở Viễn Đông. Năm 1905, tàu Rạng Đông lại được tham gia trận hải chiến Susimsky trong chiến tranh Nga - Nhật. Trong trận này, nó bị trúng 18 phát đạn. Thuyền trưởng Egorev cùng 15 thủy thủ tử trận.

Đến cuối năm 1916, con tàu di chuyển đến Saint Petersburg (lúc đó là Petrograd) để đại tu. Lúc này, ở Petrograd đang tràn ngập không khí cách mạng. Một bộ thủy thủ đoàn của con tàu đã quyết định tham gia Cách mạng Tháng Hai (1917)

Ngày 7/11/1917 (tức 25/10 theo lịch Nga), vào hồi 21h45, tàu Rạng Đông nã đạn từ khẩu pháo bố trí ở phía mũi tàu, phát hiệu lệnh tấn công Cung điện Mùa Đông, mở đầu Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Từ năm 1923, Rạng Đông được sử dụng làm tàu huấn luyện. Năm 1924, tàu tham gia chuyến đi nước ngoài đầu tiên của đoàn tàu hải quân Liên Xô.

Trong Chiến tranh Vệ quốc, tàu tham gia các trận đánh phòng thủ Leningrad. Ngày 30/9/1941, nó bị thủng, ngập nước và mắc cạn tại nơi neo đậu, đến tháng 7/1944 thì được trục vớt.

Từ ngày 17/11/1948, tuần dương hạm Rạng Đông chính thức được neo tại sông Neva làm Đài kỉ niệm Cách mạng Tháng Mười, đồng thời vẫn là tàu huấn luyện thuộc Trường thiếu sinh quân hải quân Nakhimov. Từ 1957, tàu chuyển thành chi nhánh của Bảo tàng Hải quân Liên Xô.

Vào giữa những năm 1980, tàu Rạng Đông được Hải quân Liên Xô “tổng đại tu”, thay thế phần thân dưới nước, ngăn phần trên boong thành 4 khoang, khoang máy lắp 2 nồi hơi kiểu cũ, tầng thượng được trang trí theo “mốt” năm 1917.

Kiến trúc sư Ratnik, cha đẻ của chiến hạm Rạng Đông, sau khi nghỉ hưu (năm 1907) chuyển về sinh sống tại Ukraina cho đến khi mất (1924). Các con, cháu ông đều trở thành những kĩ sư thiết kế tàu biển nổi tiếng, kế tục một cách xứng đáng sự nghiệp của con người mà chân dung đang được treo tại một bảo tàng của Saint Petersburg.

Suốt hàng chục năm, hàng ngày có hàng ngàn người đến tham quan con tàu lịch sử Rạng Đông. Năm 2013, nhân tròn 110 năm được đưa vào sử dụng, tàu Rạng Đông được Bộ Quốc phòng Nga quyết định đưa trở lại hải quân và chính thức trở thành chiến hạm số 1 của Nga.

Trong các năm 2014-2016, tàu Rạng Đông được phục chế ngay tại nhà máy đã sinh ra nó, với chi phí ước tính lên đến hơn 30 triệu USD. Con tàu được thay thế các phụ kiện bên ngoài, dây cáp điện, máy bơm, hệ thống chữa cháy, máy phát điện diesel, lắp đặt thiết bị định vị, thiết bị liên lạc và vô tuyến hoàn toàn mới.

Một chi tiết ít người biết đến là con tàu nổi tiếng này từng hai lần đến Việt Nam. Lần thứ nhất, ngày 31/3/1905, trên hành trình từ biển Baltic, tàu thả neo ở Cam Ranh. Lần thứ hai, sau một thời gian tập kết ở cảng Sài Gòn để sửa chữa sau chiến tranh, ngày 20/10/1905 tàu Rạng Đông cùng một số tàu Nga khác nhổ neo trở về nước Nga.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/tau-chien-bieu-tuong-cach-mang-thang-muoi-tung-den-viet-nam-687718.html