Tàu Cát Linh - Hà Đông: Tốc độ 35km/h, giá vé cao hơn buýt nhanh 35%

'Trước đây, chúng ta từng có chiến dịch văn hóa sử dụng xe buýt. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng chiến dịch sử dụng văn hóa sử dụng đường sắt đô thị để kêu gọi và mong người dân ủng hộ một loại hình vận tải mới là đường sắt đô thị', ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội nói.

Lực lượng vận hành thử của Trung Quốc

Tại cuộc tọa đàm tại báo Giao thông sáng nay, ông Vũ Hồng Phương - Phó Giám đốc (phụ trách) Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt (Bộ GTVT) cho biết toàn tuyến đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 96%. Còn một số hạng mục công tác hoàn thiện cũng đang gấp rút triển khai để vận hành trong thời gian tới.

Về kế hoạch vận hành chạy thử, hệ thống sẽ được cấp điện và đóng điện toàn tuyến trong tháng 8này. Công tác chuẩn bị nhân sự có 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu vận hành thử kỹ thuật. Lực lượng chính và công tác trực tiếp chỉ đạo là do tổng thầu, thông qua một đơn vị có kinh nghiệm. Giai đoạn hai là trong quá trình vận hành thử có đưa lực lượng được đào tạo cho dự án vào cuộc để sau này tiếp nhận dự án và thực hiện vận hành trong giai đoạn vận hành, khai thác…

Hiện lực lượng kỹ thuật để phục vụ công tác vận hành thử do bố trí của tổng thầu, toàn bộ lực lượng kỹ thuật được hỗ trợ từ phía Trung Quốc sang đã có mặt tại hiện trường. Lực lượng này sẽ thực hiện theo từng giai đoạn cho từng chuyên ngành và sẽ kết thúc sau mỗi chuyên ngành.

Sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Trong đó, trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án là 651, còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo. Lực lượng này được Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với tuyển dụng, đào tạo, tới đây sẽ được đưa lên tuyến trong giai đoạn vận hành.

Ông Khương Thế Duy - Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam chia sẻ việc sát hạch và cấp giấy phép lái tàu đường sắt trên cao theo quy định của đường sắt quốc gia, để cấp được giấy phép lái tàu đường sắt đô thị phải qua rất nhiều bước.

Cụ thể, sau khi học phải làm phụ lái tàu 2 năm, sau đó mới được tham gia sát hạch. Tuy nhiên, lực lượng lái tàu cho các tuyến dự án mới ở Việt Nam như đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được thực hiện theo khoản 2, điều 79, tức là theo tiêu chuẩn đào tạo của dự án, do nhà đầu tư cung cấp. Từ giai đoạn sau đó mới áp dụng theo Thông tư 21.

Bên cạnh đó, quy định về vận tải hành khách đường sắt đô thị lại do UBND tỉnh nơi có đường sắt đô thị ban hành mà cụ thể ở đây là Hà Nội. Vì vậy, Cục đang phối hợp với UBND TP.Hà Nội để sớm ban hành quy định.

Tốc độ 35km/h, giá vé cao hơn xe buýt

Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,1km và 12 ga. Việc từ xe buýt thường lên BRT và tàu điện trên cao là bước tiến của văn minh nhân loại. Với Hà Nội, chỉ một tuyến đưa vào khai thác chưa giải quyết được nhiều nhưng là dấu hiệu cho một phương thức vận tải mới rất văn minh.

“Dự kiến thời gian di chuyển sẽ rút ngắn hơn rất nhiều so với các phương thức vận tải công cộng khác. Tốc độ lưu thông của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông vào khoảng 35km/h. Theo khảo sát, 98% người được hỏi cho biết đều có biết đến dự án này. Trong đó khoảng 95% số người được hỏi cho biết sẽ phải đi ít nhất là 1 lần đi thử”, ông Trường nói.

Ông Trường cho rằng tốc độ của tàu 35km/h là cố định, còn xe buýt thì phụ thuộc vào tình hình giao thông. Hiện BRT trên thế giới từ 16 - 40km/h, còn xe buýt BRT của mình đang chạy bình thường là 23km/h. Với xe buýt thường chỉ khoảng 16-18km/h. Tuy nhiên, xe buýt hay BRT còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là ùn tắc giao thông nên nhiều khi không đạt được tốc độ trên, còn đường sắt trên cao là cố định.

Về giá vé, đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35-37%. Tuy nhiên, đa phần mọi người thích sử dụng vé tháng hơn, chấp nhận mức giá cao hơn 10-15% so với giá xe buýt.

Còn về giá vé cụ thể, mức giá vé là do UBND TP.Hà Nội quyết định theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, giá vé sẽ được nhà nước trợ giá nên cũng sẽ không quá cao.

Quy định hành khách cũng không khác nhiều các phương tiện giao thông công cộng khác. Tuy nhiên, về yêu cầu thì cao hơn. Hành khách trả tiền mua vé rồi lên tàu, không phải lên tàu mới trả tiền như xe buýt. Hành khách sẽ đi lên tàu bằng thang cuốn và đi xuống thang bộ. Người khuyết tật sẽ có lối đi riêng.

Bên cạnh đó, việc điều khiển đoàn tàu có hệ thống thông tin và tín hiệu, là một trong những công nghệ hiện đại trên thế giới. Trong quá trình vận hành, khi có sự cố đều được truyền tín hiệu về và có hệ thống camera giám sát, phát hiện các tình huống để có điều hành, điều khiển hệ thống đoàn tàu đảm bảo an toàn tuyệt đối.

“Trước đây, chúng ta từng có chiến dịch văn hóa sử dụng xe buýt. Tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng chiến dịch sử dụng văn hóa sử dụng đường sắt đô thị để kêu gọi và mong người dân ủng hộ một loại hình vận tải mới là đường sắt đô thị”, ông Trường nêu.

Ông Chu Quang Trung - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cho rằng nếu tổ chức tốt thì việc ùn tắc sẽ giảm đáng kể. Việc quy hoạch nhà ga và các tuyến buýt kết nối phải được tính toán cụ thể để tạo thuận lợi cho hành khách.

Được biết, tuyến đường dọc đường sắt đô thị cũng không cấm taxi để tạo điều kiện cho taxi vận chuyển hành khách từ ga đường sắt đi xuống.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/tau-cat-linh-ha-dong-toc-do-35km-h-gia-ve-cao-hon-buyt-nhanh-35-94320.html