Vợ chồng ông Út vá đường

'Ông Út vá đường' là cái tên từ lâu đã được người dân ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Cà Mau đặt cho ông Nguyễn Trường Giang. Càng cảm phục hơn khi ông Giang đã dùng chính đồng lương thương binh của mình dành dụm để mua vật liệu vá đường.

Hình ảnh ông Nguyễn Trường Giang (tên thường gọi là Út Giang, ở ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Cà Mau) cùng vợ cặm cụi vá đường dần đã thành quen thuộc với người dân địa phương. Hành động của cặp vợ chồng già càng thêm ý nghĩa khi họ lấy chính đồng lương thương binh của mình dành dụm để mua vật liệu vá đường.

Xã Khánh Lâm thuộc vùng đệm đất rừng U Minh Hạ. Người dân ở đây sống nhờ tán rừng kết hợp làm nông nghiệp. Gia đình ông Út Giang chỉ có 1ha đất nên chỉ làm nông nghiệp và điều kiện kinh tế cũng không được tươm tất như nhiều nông hộ khác. Vậy mà ông Út còn làm một chuyện khác biệt với bà con ở đây “thấy đường hư là đi vá”. Từ đó, người dân quen gọi ông là “ông Út vá đường”.

Hình ảnh vợ chồng ông Út đi vá đường đã trở thành quen với người dân địa phương.

Hình ảnh vợ chồng ông Út đi vá đường đã trở thành quen với người dân địa phương.

Cái biệt danh thân thương bà con đặt cho ông nó thể hiện được phần nào ý nghĩa công việc mà lão nông 60 tuổi thường xuyên làm. Ông Út Giang không vận động, không đi xin kinh phí để vá đường mà ông lấy từ tiền lương cựu chiến binh của mình. Mỗi khi có đường hư, bể, không chỉ ở xã mình mà cả những xã lân cận thì vợ chồng ông mua xi măng cát đá về để vá lấp cho bằng.

Ông Út cho biết, ông may mắn có được chỗ dựa vững chắc để “làm việc bao đồng”. Chỗ dựa đó chính là việc vợ ông không chỉ đồng thuận mà còn cùng ông thực hiện. Ông Út chở bao xi măng thì bà cầm cây giá (leng), mỗi người một việc lúi húi đắp vá lộ, móng cầu bể để bà con đi lại dễ dàng.

Hai vợ chồng già đã và đang làm đẹp những cung đường quê, cống hiến cho đời mà không cần nhận lại.

Bà Trần Thị Út, vợ ông Út Giang chia sẻ: "Gia đình vợ chồng tôi cũng không khá giả gì mà thấy đường xung quanh đây hỏng khiến người đi lại dễ té ngã. Ông chồng tôi trích lương tháng mấy trăm nghìn đồng ra để vá đường, tôi thấy điều tốt nên ủng hộ".

Nhiều người thấy việc làm có ích của ông đã đề nghị góp tiền để ông tiếp tục làm việc thiện. Tuy nhiên, cũng có không ít người dè bỉu cho rằng, ông bao đồng. Ông Út Giang bảo, mình làm theo khả năng tài chính của mình đã bị nói ra nói vào thì nhận tiền của người khác làm sao tránh được điều tiếng. Trong thâm tâm, ông làm việc này không để nổi tiếng mà làm để lan tỏa tinh thần thiện nguyện. Cũng chính vì vậy, chưa bao giờ ông Út nhận tiền quyên góp của người khác để đi vá đường.

Ông Ngô Văn Xèng (người dân ở ấp 5, xã Khánh Lâm), rất cảm kích về việc làm của vợ chồng ông Út Giang: "Hai vợ chồng ông Giang đã làm việc này được hai ba năm nay rồi. Cứ thấy đường hỏng chỗ nào thì hai vợ chồng lại đi vá. Việc làm này giúp cho nông dân đi lại không bị ổ gà, ổ vịt. Không chỉ đường, mà nhiều cầu cống hư hỏng cũng được vợ chồng ông Giang tu sửa. Từ đó, học sinh đi lại cũng dễ dàng hơn, tôi thấy việc làm của vợ chồng ông Giang rất tốt và ý nghĩa".

Sợ những đứa trẻ nhỏ đi học vấp ổ gà té ngã, lo bà con chạy xe qua lại gặp khó khăn nên vợ chồng ông Nguyễn Trường Giang tự nhận lấy trách nhiệm vá những con đường miền quê mình cho bằng phẳng. Đáng quý hơn là gia cảnh của vợ chồng ông chẳng khá giả gì. Vợ chồng “ông Út vá đường” đơn giản thấy đó là việc cần làm thì làm. Họ vẫn đã và đang miệt mài tô thêm vẻ đẹp cho những cung đường quê, cống hiến cho đời mà không cần nhận lại./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/vo-chong-ong-ut-va-duong-842540.vov