Tàu cá nằm bờ: Ngân hàng và ngư dân cùng 'khóc'

Tàu vỏ thép đánh bắt không hiệu quả khiến nhiều chủ tàu đang bị ngân hàng khởi kiện vì không trả nợ đúng cam kết.

Nghị định 67 của Chính phủ về một số đã giúp nhiều ngư dân vay vốn lãi suất ưu đãi, đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi. Thế nhưng, sau thời gian đưa vào khai thác, hiệu quả chuyến biển thấp, không có khả năng trả nợ, nhiều chủ tàu vỏ thép ở miền Trung đang đối diện với nguy cơ phá sản, bị ngân hàng khởi kiện vì không trả được nợ.

Suốt nhiều tháng qua, con tàu vỏ thép ĐNa 90.777-TS, công suất hơn 800CV của ông Trần Văn Mười, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng phải nằm bờ. Ông Mười là 1 trong số những người đầu tiên ở TP Đà Nẵng đươc vay hơn 18,5 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép.

Thời gian đầu ra khơi đánh bắt hiệu quả, ông Mười trả nợ ngân hàng đúng hẹn. Được một thời gian, tàu liên tục hỏng hóc phải nằm bờ sửa chữa. Ông Mười cho biết, gần đây, làm ăn trên biển khó khăn, bạn thuyền bỏ đi tàu khác, ông Mười bị ngân hàng đưa vào danh sách nợ xấu. Là ngư dân xuất sắc tiêu biểu của TP Đà Nẵng, từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, bây giờ ông Mười lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Hàng loạt tàu vỏ thép ở Bình Định không mua được bảo hiểm phải nằm bờ vì không được ra khơi.

Hàng loạt tàu vỏ thép ở Bình Định không mua được bảo hiểm phải nằm bờ vì không được ra khơi.

“Gia đình đăng ký vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là đóng tàu nghề chụp mực, nhưng thực tế tàu không chụp được mực. Cần câu mực liên tục bị gẫy khiến công ty bảo hiểm cũng phải lên tiếng. Hiện nay, ngư dân mỗi chuyến biển là bị lỗ tiền dầu, chủ tàu không có tiền trả nợ nếu còn bỏ lãi suất ưu đãi của nhà nước nợ lại chồng nợ”, ông Mười than thở.

Cũng vì sợ rủi ro, chi trả bảo hiểm nhiều cho các tàu vỏ thép hỏng hóc nên một số chủ tàu vỏ thép bị công ty bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm tàu cá. Không mua được bảo hiểm đồng nghĩa với tàu cá phải nằm bờ vì ngân hàng không cho ra khơi.

Ông Lê Đức Hải, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Phú Tài, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho rằng, phía công ty bảo hiểm không bán bảo hiểm cho tàu cá nên Ngân hàng đã đề nghị không cho tàu ra khơi. Nếu tàu ra khơi xảy ra sự cố trên biển thì cả ngân hàng và ngư dân đều thiệt thòi, ngân hàng không thể thu hồi vốn vay.

“Khi ngân hàng cho chủ các phương tiện đánh bắt vay tiền thì 100% giá trị con tàu phải yêu cầu được mua bảo hiểm, điều đó được quy định rất rõ trong Nghị định 67. Hiện nay, công ty bảo hiểm chỉ bán bảo hiểm về thân vỏ tàu, còn lại ngư cụ và các thiết bị liên quan, giá trị rất lớn không được bán bảo hiểm. Giá trị bán bảo hiểm thấp hơn rất nhiều so với phần vốn con tàu, nên khi xảy ra các thiệt hại, ngân hàng và ngư dân không thể thu hồi được vốn của mình. Thực tế đã xảy ra nhiều tranh chấp”, ông Hải cho hay.

Đi qua các làng biển miền Trung thời gian này, những con tàu vỏ thép vài năm trước là ước mơ của nhiều ngư dân bây giờ trở thành gánh nặng nợ nần. Nguồn lợi hải sản suy giảm, thời tiết trên biển bất lợi ảnh hưởng đến những chuyến biển của tàu cá. Lao động đi biển ngày càng khan hiếm, giá cả hải sản không ổn định, nhiều tàu doanh thu không đủ bù đắp chi phí.

Cũng trong thời gian qua, tại các tỉnh miền Trung đã xảy ra hàng loạt con tàu vỏ thép đóng mới không đảm bảo chất lượng, thường xuyên phải nằm bờ để sửa chữa dẫn đến ngư dân không có tiền trả nợ ngân hàng. Đã có chủ tàu cá phải bỏ nhà đi trốn nợ.

Ông Hoàng Viết Thông, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, nhiều tàu cá vỏ thép liên tục hỏng hóc, làm ăn thua lỗ, bởi thiết kế các tàu vỏ thép chưa phù hợp, tàu cá phải sửa chữa nhiều lần và chất lượng một số tàu chưa đảm bảo.

“Ngư dân khai thác thủy sản theo mùa vụ, trong khi hợp đồng tín dụng lại có thời hạn trả lãi nhất định. Chính vì thế, khi 1 ngư dân trả lãi không đúng định kỳ, ngư dân sẽ không được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67 mà phải trả lãi theo vay thương mại, điều này sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho ngư dân”, ông Thông chia sẻ.

Theo đánh giá tại một số địa phương các tỉnh miền Trung, sau hơn 4 năm đưa “tàu 67” vào khai thác, ngoại trừ một số tàu vỏ gỗ được cải hoán, nâng cấp đóng mới làm ăn có hiệu quả, nhiều tàu vỏ thép hoạt động không hiệu quả, nợ ngân hàng ngày càng tăng. Nợ xấu từ “tàu 67” ngày càng tăng nhanh đang gây khó khăn cho cả chủ tàu và các ngân hàng.

Tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng phải nằm bờ dài ngày để sửa chữa, ảnh hưởng chuyến biển trả nợ ngân hàng.

Đơn cử như tại TP Đà Nẵng, trong số 9 chiếc tàu đóng mới từ vốn vay Nghị định 67 thì 7 chiếc tàu vỏ thép đánh bắt kém hiệu quả, nợ xấu ngân hàng gần 110 tỷ đồng. Tại tỉnh Khánh Hòa, hiện có 12 chủ “tàu 67” nợ xấu hơn 100 tỷ đồng. 24 chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 ở tỉnh Phú Yên vay hơn 280 tỷ đồng nhưng hiện các Ngân hàng mới thu nợ được hơn 10 tỷ đồng, nợ xấu 31 tỷ đồng. Đến giữa năm nay, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã cho 10 chủ tàu cá tỉnh này vay 178 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 144 tỷ đồng…

Thời gian gần đây, nhiều chi nhánh ngân hàng ở các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa…đã làm đơn khởi kiện chủ tàu cá vì chậm trả nợ. Ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, là ngân hàng tích cực nhất trong triển khai cho vay Nghị định 67, hiện Agribank đang gánh nợ xấu lớn nhất từ chương trình này.

“Nguồn vốn cho ngư dân vay không phải của Chính phủ bỏ ra, tất cả các NHTM nhà nước phải huy động vốn ở trong dân đầu tư để cho vay. Đây là một chính sách quá ưu đãi vì với lãi suất 7%, bà con ngư dân chỉ trả 1% và nhà nước phải trả lãi cho NHTM 6%. Tuy nhiên, đến bây giờ các NHTM cũng chưa nhận được của Bộ Tài chính một đồng nào. Khi bà con ngư dân không trả nợ, buộc ngân hàng phải chuyển qua nợ quá hạn, nợ xấu là điều chẳng hay ho gì”, ông Thông bày tỏ./.

Nhóm PV/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tau-ca-nam-bo-ngan-hang-va-ngu-dan-cung-khoc-966755.vov