Tất tần tật về tháng cô hồn và những điều người dân hay lầm tưởng

Tháng 7 âm lịch hay được gọi là tháng cô hồn luôn khiến mọi người đề phòng và cẩn trọng hơn trong tất cả hoạt động và công việc trong cuộc sống. Tuy nhiên, tháng cô hồn có phải là tháng xui xẻo như dân gian thường truyền miệng?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vì sao tháng 7 âm lịch gọi là tháng cô hồn?

Theo quan niệm của người phương đông, tháng 7 âm lịch còn được gọi là tháng cô hồn. Tên gọi này được bắt nguồn từ trong truyền thuyết. Từ ngày mồng 2 tháng7 âm lịch cho đến ngày 14 tháng 7 là khoảng thời gian Diêm Vương ra lệnh mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ tự do đi theo bốn hướng, trở về dương thế tìm gặp bạn bè, gia đình mong được giúp đỡ để sớm siêu thoát. Đến 12 giờ đêm ngày 14/7 cánh cửa sẽ được đóng lại, các linh hồn đó phải quay về địa ngục.

Vì vậy, mà dân gian ta quan niệm trong tháng 7 âm lịch này, chúng ta không nên tiến hành những việc đại sự của bản thân và gia đình để tránh những điều không hay. Và cũng trong tháng này, người dân nên làm nhiều việc thiện, cúng cô hồn... Cúng cô hồn đã trở thành tín ngưỡng tâm linh truyền thống từ rất lâu đời.

Vì sao tháng cô hồn nhiều âm khí?

Dưới góc nhìn từ bộ môn Lý học, Âm Dương ngũ hành tức là bộ môn nghiên cứu từ cổ xưa về các vấn đề tương tác của vũ trụ và trái đất lên cuộc sống của con người thì tháng 7 âm lịch hoàn toàn không liên quan tới vong, ma và thế giới của những người đã khuất.

Tháng 7 âm lịch là khoảng thời gian vị trí của Trái Đất khi quay theo quỹ đạo quanh Mặt Trời ở vị trí gần xa nhất nhưng ngày lễ, tết của chúng ta lại dựa vào nền tảng của Lý học, tức là hệ thống lịch Can chi.

Tháng 7 âm lịch có Thiên can là Âm Thủy và thiên can Quý đang quản trung cung, do vậy theo Lý học Việt thì tháng này âm khí rất vượng. Thiên Can là hình tượng mô tả quy luật tương tác từ bên ngoài tới Trái Đất và ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy tháng này có thời tiết phổ biến là mưa gió, lũ lụt... làm không khí ẩm ướt. Tháng 7 âm khí cực vượng vào ngày 15 thì được coi là khí âm thoát lên từ lòng đất mà xưa kia người ta cho rằng cái gì thuộc về âm tức là cõi âm là ma quỷ.

Chính từ đó, dân gian cho rằng đây chính là tháng của vong hồn lên ngao du cõi dương từ góc nhìn thần thánh, ma quỷ, vong hồn.

Tháng 7 không chỉ là tháng cô hồn mà còn là mùa Vu Lan báo hiếu

Trong tháng 7 âm lịch không chỉ có ngày xá tội vong nhân, Rằm tháng 7 còn được biết đến là ngày Vu Lan báo hiếu. Trong văn hóa tín ngưỡng người Việt, đây là ngày lễ lớn trong năm, có ý nghĩa giáo dục con người biết đền đáp công ơn sinh thành và thể hiện lòng hiếu thảo.

Ngày Vu Lan báo hiếu không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo vô cùng lớn mà còn trở thành ngày truyền thống của người dân đất Việt, mang đến một nét văn hóa tinh thần tốt đẹp, chứng tỏ tháng 7 âm lịch là tháng chúng ta nên làm những điều tốt đẹp, hướng thiện.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội, Phó Trưởng ban - Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh phân tích nguồn gốc của lễ Vu lan trong đạo Phật.

Lễ Vu Lan Báo Hiếu là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Tuần lễ Vu Lan vào dịp tháng 7 âm lịch, chính lễ vào ngày rằm tháng 7. Nguồn gốc của lễ Vu Lan xuất phát từ kinh Vu Lan Bồn, kinh này nói về sự tích của Tôn Giả Mục Kiền Liên (Vị Bồ Tát đại hiếu) một trong 10 vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị này tu hành đắc được phép thần thông đệ nhất nên thấy mẹ mình là bà Thanh Đề sau khi chết đi bị đọa xuống cõi địa ngục.

Vì thương mẹ nên Tôn Giả Mục Kiền Liên bạch với Đức Phật Thích Ca tại sao mẹ mình lại đau khổ dưới cõi địa ngục, làm gì để cứu vớt mẹ mình thoát khỏi cõi địa ngục. Đức Phật Thích Ca chỉ dạy: nguyên do bà Thanh Đề sau khi chết bị đọa cõi địa ngục đau khổ là do ở đời làm nhiều việc ác và tham lam, bỏn xẻn. Vì vậy muốn cứu được bà ra khỏi cõi địa ngục đau khổ thì vào dịp rằm tháng 7 sau khi mãn hạ ba tháng an cư của chư Tăng phải sắm sửa lễ vật cúng dường chúng Tăng, cầu thỉnh mười phương Tăng chúng hồi hướng chú nguyện thì bà Thanh Đề mới thoát được cõi địa ngục đau khổ, thoát sinh về cõi thiên cung sung sướng.

Kinh này cũng dạy mọi người đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần báo ân - báo hiếu đối với cha mẹ, tổ tiên, những người có công sinh thành dưỡng dục. Đến ngày rằm tháng 7 mỗi năm sắm sanh lễ vật đến chùa lễ Phật tụng kinh, làm nhiều việc phúc để hồi hướng, chú nguyện cho cha mẹ còn sống được song đường trường thọ, hạnh phúc; tổ tiên, cha mẹ và những người đã mất được siêu sinh tịnh cảnh.

Tháng 7 cô hồn có thật sự xui xẻo?

Theo quan niệm của nhà Phật, hoàn toàn không có khái niệm tháng cô hồn trong phong tục của người Việt. Ngày xá tội vong nhân không phải là ngày xấu, hay ngày mang đến những điều xui xẻo mà là thời gian ân xá cho những tù nhân cõi âm được siêu sinh, an lành. Chính vì vậy, ngày này mang đến một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hoàn toàn không phải là ngày vong hồn bước ra khỏi cánh cửa địa ngục, lên trần thế phá phách cuộc sống bình yên.

Và đây cũng chính là lý do giải thích cho việc, mọi người không nên kiêng kỵ làm những việc như mua nhà, xây nhà, mua xe... Chỉ cần mỗi chúng ta sống luôn tích đức, làm nhiều việc tốt và không phạm phải những điều xấu, hạn chế sát sinh nhất là trong những ngày Rằm và mùng 1 thì tự nhiên vận may sẽ đến. Đứng trên góc độ Phật giáo, tháng 7 hoàn toàn không phải là “tháng cô hồn” và cũng không mang lại nhiều điều xấu đến vậy.

Cúng cô hồn thế nào cho đúng?

Ở Việt Nam, việc cúng cô hồn được coi là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Với quan niệm, sau khi chết, hồn con người vẫn tồn tại, có thể đầu thai hoặc bị đày xuống địa ngục làm quỷ đói (ngạ quỷ). Vào tháng cô hồn, người dân Việt Nam cúng vào ngày rằm hoặc ngày khác tùy thuộc vào từng gia đình và vùng miền.

Gợi ý chuẩn bị mâm cúng cô hồn như sau:

- Bánh kẹo, hoa quả các loại, muối gạo, bỏng ngô, cháo trắng loãng, cơm vắt, ngô, khoai, sắn, mía để nguyên vỏ cắt khúc ngắn nhỏ, đường cục…

- Giấy áo, giấy tiền vàng mã, hương nhang, nến, nước lọc…(cúng cô hồn không cúng đồ mặn, tất cả hoàn toàn là đồ chay).

- Phần cúng quan trọng nhất là món cháo loãng. Quan niệm dân gian cho rằng, món này dành cho những linh hồn bị đày đọa có thực quản nhỏ và hẹp nên không thể nuốt được thức ăn thông thường. Bởi vậy, khi chuẩn bị mâm cúng đúng cách cúng cô hồn nhất thiết cần phải có món cháo loãng.

Thời điểm cúng cô hồn cũng rất quan trọng. Lễ cúng cô hồn thích hợp nhất nên thực hiện vào buổi chiều tối. Bởi theo quan niệm dân gian, ban ngày có ánh sáng, ánh nắng mạnh nên các cô hồn được “mở cửa” thả ra rất yếu. Vì thế, nếu cúng ban ngày, các cô hồn sợ ánh sáng sẽ không thể đến nhận những đồ vật phẩm cúng của các gia đình nên không hiệu quả.

Vị trí mâm lễ cúng nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài bậu cửa. Nhiều người lo ngại khi cúng chúng sinh, nếu cúng xong không biết cách mời vong đi thì sẽ rước vong vào nhà. Nếu lo ngại thì bạn có thể cúng tại chùa.

Lưu ý, khi cúng cô hồn không cúng đồ mặn như thịt lợn, thịt bò, thịt gà,... vì làm tăng tính sát sinh khiến các cô hồn còn sân hận và luyến tiếc dương thế.

- Nên cúng đồ chay để các cô hồn dễ siêu thoát hơn. Bên cạnh đó, khi cúng không nên cầu xin gì mà chỉ thành tâm gửi hương hoa trà quả lấy lộc cho các cô hồn.

- Không nên để trẻ con, phụ nữ mang thai và người già lại gần khi cúng cô hồn vì dễ bị cô hồn trêu chọc, quấy rối.

Những thông tin trên đều là những tín ngưỡng dân gian. Nhưng với quan niệm rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên người Việt vẫn truyền miệng và chú trọng làm theo.

Đỗ Quyên

Tổng hợp

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tat-tan-tat-ve-thang-co-hon-va-nhung-dieu-nguoi-dan-hay-lam-tuong-1713432.tpo