Tát nước lên ruộng

Ngày chưa có hệ thống dẫn thủy nhập điền, nhà tôi đa phần là ruộng gò, nằm cao nên canh tác quanh năm hầu như cứ phải lo khom lưng tát nước.

Dạy khách Tây tát nước bằng gàu dai (gàu sòng). Nguồn: Báo Giao Thông

Tát nước lên ruộng có nhiều cách. Nếu nơi lấy nước (ao, đìa, mương…) cao gần bằng mặt ruộng và mực nước cạn, người ta sẽ dùng gàu múc hay gàu sòng mà tát. Gàu múc đơn giản nhất là dùng cái gàu xách nước thông thường (hay thau, xoong… cũng được, miễn cầm vừa tay); người tát lội luôn xuống ao, hai tay cầm gàu khom lưng múc nước đổ thẳng lên mặt ruộng. Cách này dễ tát nhưng hiệu quả không cao, bởi người tát cứ phải khom xuống đứng lên liên tục nên rất nhanh mỏi lưng. Để đỡ sức người khi tát, cha tôi nghiên cứu làm thêm chiếc gàu sòng.

Gàu sòng được đan bằng tre, có hình dạng giống hệt cái mo dừa hoặc mo cau được cắt đôi, sau nối cán dài. Nơi tiếp giáp cán - gàu, người ta buộc sợi dây thừng treo gàu thẳng lên giá đỡ. Giá cũng đơn giản: chỉ cần 3 cây tre buộc chụm đầu nhau, 3 chân choãi ra, chống đất chắc chắn (theo kiểu kiềng 3 chân) để giá vững chãi, không bị sụt lún. Tát gàu sòng nhẹ nhàng hơn gàu múc, chỉ cần cầm cán gàu kéo lùi vục đầu gàu xuống ao múc cho đầy nước, sau đó đẩy gàu hướng lên mặt ruộng, đẩy bật cán cho gàu nghiêng, đổ hết nước xuống mặt ruộng là xong.

Lần đầu tiên thử cái gàu sòng của cha, tôi hơi ngượng nghịu chút vì chưa quen, nhưng khi đã quen rồi thì rất thích. Cái sợi dây buộc gàu “gánh” gần như toàn bộ trọng lượng gàu nước, người tát chỉ còn phải dùng sức để đẩy gàu đi và điều chỉnh thao tác múc, đổ cho chính xác để gàu nước đưa được trọn vẹn lên mặt ruộng mà không đổ vãi ra ngoài.

Vậy nhưng tới mùa hè, mực nước ao hồ hụt sâu, gàu múc gàu sòng thành vô dụng. Không sao, vẫn còn một công cụ đắc lực giúp nhà tôi chống hạn là gàu dây (tức gàu dai, theo cách gọi của người Bắc).

Nhớ lần đầu thử tát nước gàu dây, tôi đã thực sự hết hồn. Gàu dây phải tát hai người, kỹ thuật tát đã khó lại còn rất nặng với đôi tay học trò yếu đuối như tôi. Tập sự tát nước gàu dây cùng anh Ba, tôi cứ khom lưng thả dây miệng gàu vục nước được chăng hay chớ. Kết quả là gàu nước lúc đầy lúc lưng, có khi mới chớm nước đã vội kéo giật lên chưa có giọt nào. Gặp lúc gàu đầy nước thì ì ạch vì quá nặng, chưa tới ruộng đã vội giật dây đáy khiến nước đổ ào xuống ao trở lại.

Anh Ba vốn nóng tính, vừa tát vừa ào ào mắng mỏ khiến tôi cuống quít. Càng cuống càng sai, lại càng bị mắng. Chị Hai thấy xót ruột, lại đuổi anh Ba, giành lấy dây gàu tát chung với tôi. Vừa tát chị vừa nhẹ nhàng giảng giải, sửa cho tôi những “lỗi kỹ thuật” trong cách vung thả/kéo dây gàu, cách phối hợp giữa dây đáy và dây miệng, phối hợp với người cùng tát… Chừng non nửa buổi, “tay nghề” của tôi đã tiến bộ rõ rệt, thao tác đều đặn nhịp nhàng, ít mắc lỗi hơn.

Gàu dây khó tát, tốn tới hai người, nhưng bù lại lượng nước một lần múc của chiếc gàu dây gấp ba gấp bốn lần các loại gàu khác nên rất mau đầy ruộng. Lớn hơn chút, những đêm trăng, tôi rất thích được cùng chị Hai đi tát nước. Tát nước cùng chị, tôi luôn được chị “dìu”.

Y Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275311/tat-nuoc-len-ruong.html