Tát nước đêm trăng

Nhà Văn và Hồng cách nhau hàng rào râm bụt hoa đỏ. Hai nhà lại chung một con ngõ nhỏ, tối lửa tắt đèn có nhau.

Chẳng những gần nhà chung ngõ mà ngay cả ruộng bãi hai bên cũng liền kề nhau. Bờ ruộng con con thẳng tăm tắp được phát cỏ sạch sẽ. Khi tát nước chỉ cần cuốc nhẹ một nhát vào bờ là có thể chảy thông sang. Vì thế những lần đi tát nước, hai người vẫn thường rủ nhau đi chung cho vui. Đôi nam thanh nữ tú sức trẻ tràn đầy lại khéo việc đồng áng nên ruộng lúc nào cũng đầy ăm ắp nước, lúa lên phơi phới.

Ngày Văn lên đường nhập ngũ cũng là lúc Hồng bước vào giảng đường trường cao đẳng sư phạm trên huyện. Ruộng đồng một thời gian vắng bóng hai người. Dịp anh được về nghỉ phép vào đúng vụ lúa chiêm, trời bỗng xảy ra đại hạn. Bao nhiêu nước nổi, mạch ngầm dưới mương máng đều cạn cả. Cánh đồng nằm trên vùng đất cao. Nước dẫn về đây lúc nào cũng khó khăn. Nắng hạn, mặt ruộng rạn nứt chân chim. Lúa thiếu nước, lá táp khô vì nắng gió. Văn ra thăm đồng, đứng trên đầu bờ mà thương cây lúa cứ héo mòn khô khát. Ngày nào người trong làng cũng ra ngó ruộng nhìn sông, mong chờ nước về. Ông chủ nhiệm hợp tác xã tất tả chạy ngược xuôi. Rồi ông huy động máy bơm dồn nước chống hạn cứu lúa. Vậy mà dồn vét mãi, nước cũng chỉ võng vãnh lòng mương máng.

Trời mùa hạ nắng vàng ươm, mây trong vắt. Bao nhiêu nắng lửa trời dồn xuống cả đồng bãi. Lúa khô hạn, lòng người cũng héo hon. Mãi đến chiều muộn, chiếc loa truyền thanh mới thông báo tin tối có nước về. Khỏi phải nói, bà con trong làng vui mừng khôn tả. Biết tin vui, Văn chạy sang dặn Hồng tranh thủ sắp xếp công việc để đi tát nước cứu lúa sớm. Mới chập tối, người trong làng đã kéo nhau tấp nập ra đồng. Người mang cuốc, người vác gầu nhộn nhịp như trẩy hội. Ngồi trên bờ cỏ, bao ánh mắt mong mỏi dòng nước ngọt mát. Thế mới biết “trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” vất vả đến nhường nào. Có người đi sớm chỉ kịp mang theo âu cơm tranh thủ lúc chờ nước về mang ra ăn vội ăn vàng. Trăng lên cao, gió thổi mát rượi. Cả cánh đồng bát ngát như được tắm dưới ánh trăng bàng bạc.

Khi ở đầu mương vang lên tiếng reo: “Có nước rồi bà con ơi”, mọi người đều đứng dậy bắc sào mắc gầu. Nước theo dòng đổ về khỏa lấp lòng sông. Văn và Hồng cũng nhanh tay gỡ dây thả gầu. Hai người khom lưng cùng vục những gầu nước đầy quý giá. Tiếng nước đổ vào ruộng bì bà bì bọp. Nước khỏa lấp những vết rạn chân chin, theo dòng chảy mãi xuống cuối ruộng. Trông những cây lúa ngập chân trong nước, lòng người cảm thấy vô cùng thỏa thuê vui sướng.

Dưới ánh trăng, mặt sông lấp lóa in bóng hai người rung rinh theo từng nhịp gầu múc nước. Nhìn động tác rắn rỏi chắc chắn kéo gầu nước đầy ăm ắp, Hồng khéo khen: “Anh Văn đúng là Bộ đội Cụ Hồ, cái gì cũng biết làm. Đi dân vận thế này thì khối cô mê”. Văn cười tươi đáp lại: “Khéo làm sao bằng Hồng được. Cô giáo vừa giỏi cầm bút lại chuyên cần việc nhà nông”. Hồng tủm tỉm không nói, khẽ nghiêng người kéo nước lên bờ. Rồi hai người lại nhìn nhau, đôi mắt đen lay láy lấp lánh đầy ánh trăng.

Đêm khuya, trăng mùa hạ càng thêm sáng tỏ. Trên đồng bãi, người tát nước cũng thưa vắng dần. Văn và Hồng buông tay gầu khi hai thửa ruộng đã đầy ăm ắp nước. Đắp lại bờ ruộng cẩn thận, Hồng xắn quần khỏa chân gột lấm dưới làn nước mát trong. Văn nhanh tay thu dây xách gầu. Anh chở Hồng trên chiếc xe phượng hoàng đi dọc bờ đê về nhà. Bóng hai người dổ dài chạy dưới ánh trăng khuya. Tiếng nói cười vẫn văng vẳng đâu đây trong gió. Đêm trăng ấy, lúa chiêm xuân được cứu hạn thành công, và cũng chỉ nay mai thôi, mùa vàng sẽ lại về trên cánh đồng quê...

VŨ ĐỨC NAM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/tat-nuoc-dem-trang-540650