Tất cả những điều cần biết về lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào Nga

Washington tiếp tục trừng phạt Moscow, mà theo Ngoại trưởng Pompeo, chính quyền Mỹ đương nhiệm trừng phạt Nga nhiều hơn so với 8 năm trước đây.

Mục đích hướng tới một mối quan hệ tốt hơn với Nga của Tổng thống Donald Trump không khiến Washington giảm bớt các biện pháp trừng phạt nhằm vào những mục tiêu thuộc chính phủ Nga và giới doanh nghiệp nước này. Từ năm 2014, Mỹ đã công bố lệnh cấm đi lại, phong tỏa tài sản, hạn chế tiếp cận tài chính, thương mại với hàng trăm cá nhân và công ty của Nga. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ là một phần trong nỗ lực đa quốc gia nhằm vào chính phủ của Tổng thống Nga Putin, với các cáo buộc “gây bất ổn vượt ra ngoài biên giới Nga” hay thực hiện tấn công mạng.

Tất cả những điều cần biết về lệnh trừng phạt Mỹ nhằm vào Nga. Ảnh: Personal Liberty

Nga đang chịu trừng phạt như thế nào từ Mỹ?

Khoảng 700 cá nhân và các công ty của Nga đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các cá nhân đối mặt với lệnh hạn chế đi lại và ít nhất là bị phong tỏa tài sản. Trong danh sách đen của Mỹ phải kể đến những cái tên như tỷ phú Nga Oleg Deripaska và Viktor Vekselberg; các nhà chính trị thân cận với Tổng thống Putin như cựu Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Sergei Ivanov và cựu Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin (2011-2018).

Trong khi, các ngân hàng nhà nước và các công ty, trong đó, có những tập đoàn dầu và khí đốt khổng lồ của Nga, đang bị ảnh hưởng vì lệnh cấm tiếp cận tài chính thông qua các ngân hàng và thị trường của Mỹ. Các "ông lớn" trong ngành năng lượng Nga là Rosneft PJSC, Gazprom PJSC, Sberbank PJSC and VTB Group đều đang chịu trừng phạt từ Mỹ.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ không bỏ qua bất cứ mục tiêu nào dù là nhỏ nhất. Trong các biện pháp mới công bố hôm 21/8, Washington cũng liệt vào danh sách những cá nhân, công ty nhỏ không mấy danh tiếng vì làm ăn với một công ty lặn biển của Nga trước đây từng bị trừng phạt vì làm việc cho chính phủ.

Dấu mốc trừng phạt 2014

Các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Nga được công bố từ thời chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama năm 2014, khi Bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga. Mỹ cùng các đồng minh châu Âu cũng đồng loạt trừng phạt Moscow với cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng và xung đột ở miền Đông Ukraine.

Đến thời chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Donald Trump, cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 là cái cớ để Washington gia tăng trừng phạt. Đã có thêm nhiều trừng phạt được Mỹ áp đặt sau khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Nga can thiệp cuộc bầu cử, với chiến thắng đã đưa ông Trump lên nắm quyền.

Tháng 4 vừa qua, vòng trừng phạt mới của Mỹ để đáp trả “hành động nham hiểm của Nga trên toàn cầu” theo như cáo buộc của Washington, đã khiến tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất thế giới United Co. Rusal của tỷ phú Oleg Deripaska chịu tổn thất nặng nề nhất, khi bị hạn chế tiếp cận ngành nhôm toàn cầu có giá trị 140 triệu USD.

Mới nhất là những lệnh trừng phạt có hiệu lực hôm 27/8 liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông này tại Anh hồi đầu tháng 3 vừa qua. Gói trừng phạt mới của Mỹ nhằm chấm dứt nguồn hỗ trợ nước ngoài, một số hoạt động bán vũ khí và cung cấp tài chính cho Nga, cũng như phong tỏa tín dụng và cấm xuất khẩu hàng hóa, công nghệ an ninh nhạy cảm tới Nga.

Những lệnh trừng phạt sắp tới?

Có lẽ đây là điều khó tránh khỏi. Quốc hội Mỹ đang cân nhắc gói các biện pháp trừng phạt mới và mạnh mẽ hơn nhằm buộc Nga chấm dứt các hành động can thiệp bầu cử. Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất dự luật “Bảo vệ các cuộc bầu cử khỏi những đe dọa bằng cách thiết lập các giới hạn đỏ (DETER)” và “Đạo luật Bảo vệ An ninh của Mỹ trước Các động thái gây hấn của Điện Kremlin năm 2018”.

Trong đó, DETER đánh vào điểm yếu của Nga- là những lĩnh vực năng lượng hay các thị trường tài chính vốn đã hứng chịu những biện pháp trừng phạt trước đây của Mỹ và EU. Còn “Đạo luật Bảo vệ An ninh của Mỹ trước Các động thái gây hấn của Điện Kremlin năm 2018”, được gọi là “đạo luật trừng phạt đến từ địa ngục”, sẽ cấm việc hợp tác của các công ty Mỹ với lĩnh vực dầu khí của Nga, nhắm vào hoạt động giao dịch các khoản nợ do chính phủ đứng tên của Nga cũng như hoạt động nhập khẩu uranium của Nga... Những dự luật này cũng nhắm đến các món nợ chính phủ mới của Nga - một bước mà Bộ Tài chính Mỹ đã công khai phản đối hồi tháng Hai. Bên cạnh đó, những dự luật này bao gồm việc cấm giao dịch tài sản của các ngân hàng lớn tại Nga, như Sberbank, VTB Bank, Gazprombank JSC và Vnesheconombank...

Lập trường xoay chiều của Trump trong vấn đề Nga

Khi là ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump đã được hỏi rằng “Liệu ông có coi Crimea là lãnh thổ của Nga và dỡ bỏ các trừng phạt của Mỹ?” và câu trả lời là: “Chúng tôi sẽ trông chờ điều này”.

Câu trả lời này dẫn tới việc Quốc hội Mỹ thông qua một điều luật đặc biệt cho phép cơ quan lập pháp này có quyền bỏ phiếu phong tỏa động thái của Tổng thống muốn nới lỏng gói trừng phạt mở rộng nhằm vào Nga năm 2017. Tổng thống Trump đã chỉ trích luật này là “thiếu sót nghiêm trọng”, song ông vẫn phải miễn cưỡng ký ban hành luật. Sau các lệnh trừng phạt Mỹ công bố tháng 4 vừa qua, đồng Ruble và các thị trường kim loại của Nga rơi vào chao đảo. Và khi đó, ông chủ Nhà Trắng lại tự hào tuyên bố rằng: “Không có ai cứng rắn với Nga hơn tôi đã làm”.

Tuy nhiên, sau tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley rằng, Washington sẽ có thêm trừng phạt nhằm vào Moscow để đáp trả việc Nga ủng hộ chính phủ Syria, ông Trump lại “vùi dập” ý tưởng này. Tổng thống Trump sau đó đã có cuộc gặp Thượng đỉnh chính thức đầu tiên với người đồng cấp Nga Putin tại Helsinki (Phần Lan) vào giữa tháng 7 vừa qua. Màn thể hiện của ông Trump tại Hội nghị khiến giới chính trị trong nước nổi giận, đặc biệt là phát biểu không rõ ràng của ông chủ Nhà Trắng về vấn đề Nga có can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 hay không. Ông Trump sau đó đã đính chính và khẳng định tin tưởng các cơ quan tình báo Mỹ.

Tác động của trừng phạt

Mỹ muốn phong tỏa đầu tư và sự tiếp cận của Nga với lĩnh vực công nghệ, nhằm đánh vào tăng trưởng kinh tế Nga. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, về trung hạn, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây có thể làm giảm quy mô nền kinh tế Nga. Kể cả khi giá dầu thô đã tăng trở lại, đồng Ruble Nga vẫn liên tiếp trượt giá so với USD từ đầu năm đến nay. Tỷ giá đồng Ruble đã giảm từ mức 55 Ruble đổi 1 USD hồi tháng 2 xuống còn 70 Ruble đổi 1 USD cách đây 2 tuần.

Trước những ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Oreshkin thừa nhận rằng, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga năm 2018 sẽ giảm xuống mức 1,8% so với dự báo trước đó là 1,9%.

Không chỉ nền kinh tế Nga, các trừng phạt còn gây tác động ngược lại với Mỹ, châu Âu là thậm chí là lan ra toàn cầu. Các lệnh trừng phạt hồi tháng 4 của Mỹ nhằm vào tập đoàn nhôm United Co. Rusal đã gây tác động ban đầu là phá vỡ chuỗi cung ứng nhôm toàn cầu, làm giá nhôm tăng 30%. Các nhà sản xuất vỏ lon soda, các mỏ khai thác lớn nhất, các ngân hàng tài trợ lĩnh vực thương mại nhôm đã phải hứng chịu hậu quả.

Ngay đến giới doanh nghiệp châu Âu - đồng minh thân cận của Mỹ, cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng. Tổng thống Trump đã cảnh báo sẽ trừng phạt các công ty của Đức và các nước châu Âu khác nếu tham gia vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), vốn là đường ống dẫn khí gas chạy dưới biển Baltic tới Đức. Quốc hội Mỹ cũng đã bật đèn xanh để Tổng thống Trump trừng phạt các công ty nước ngoài đầu tư vào những hệ thống đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu mới của Nga./.

Hoàng Lê/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/tat-ca-nhung-dieu-can-biet-ve-lenh-trung-phat-my-nham-vao-nga-805311.vov