Tất bật lo than cho điện

Thủy điện suy giảm, khí sụt giảm đã khiến việc cung cấp điện được trông chờ vào nguồn nhiệt điện than, nhưng lo than cho điện cũng không dễ...

Điện đứng ngồi không yên

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 2 tháng cuối cùng của năm 2018, tổng sản lượng phụ tải điện cả nước dự kiến cần 37,5 tỷ kWh, cao hơn 600 triệu kWh so với kế hoạch năm. Tuy nhiên đúng lúc này, các hồ thủy điện trong hệ thống đang bị suy giảm do nước về thấp. Tổng sản lượng thủy điện theo nước về của 2 tháng này thấp hơn 1,5 tỷ kWh so với kế hoạch năm.

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 - một trong 9 nhà máy đã ký hợp đồng dài hạn với Vinacomin.

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 - một trong 9 nhà máy đã ký hợp đồng dài hạn với Vinacomin.

Bên cạnh đó, việc cấp khí cho phát điện từ hệ thống khí Nam Côn Sơn chỉ đạt trung bình 16,5 triệu m3 khí/ngày, do mỏ khí Phong Lan Dại vào chậm, khiến sản lượng điện từ khí bị hụt 810 triệu kWh.

Để bù phần sản lượng điện 2,9 tỷ kWh thiếu hụt, việc huy động các nhà máy nhiệt điện than hiện có là giải pháp chủ lực. Dự kiến trong 2 tháng cuối năm, sản lượng điện huy động từ nhiệt điện than sẽ tăng 1,47 tỷ kWh so với kế hoạch năm 2018. Dẫu vậy, từ đầu tháng 10 đến nay, lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện liên tục sụt giảm, dẫn đến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng và phải ngừng máy.

Tổng khối lượng than thiếu hụt từ đầu tháng 10 tới ngày 22/11 là 342.334 tấn, khiến các nhà máy phải huy động khối lượng than dự trữ trong kho. Tình hình càng trở nên xấu hơn, khi lượng than dự trữ tại các nhà máy tiếp tục giảm xuống rất thấp, vi phạm quy định về dự trữ than và ảnh hưởng đến vận hành của các nhà máy.

Do thiếu than, một số nhà máy phải giảm công suất hoặc ngừng hẳn các tổ máy. Cụ thể, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình không thể huy động công suất do thiếu than ngày 3/11. Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn phải giảm công suất 2 tổ máy về mức tối thiểu từ 0h ngày 22/11. Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh phải giảm công suất 4 tổ máy từ ngày 31/10 và ngừng hẳn 2 tổ máy từ ngày 17/11. Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng phải giảm công suất 4 tổ máy từ ngày 19/11 và ngừng hẳn 1 tổ máy từ ngày 22/11. Các nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1, Nghi Sơn 1 có khả năng sẽ phải dừng hoạt động vào cuối tháng.

Tổng công suất thiếu hụt do các nhà máy nhiệt điện than phải ngừng/giảm công suất là khoảng 2.300 MW, tương đương công suất sử dụng điện trung bình của 13 tỉnh miền Trung.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, hiện mới chỉ có 9 nhà máy điện ký hợp đồng mua bán than dài hạn với Tập đoàn. Thực tế này đang gây khó khăn lớn cho Vinacomin trong việc đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện khi các nguồn cung cấp điện khác có biến động.

Theo đó, cùng với các nhà máy điện do Vinacomin trực tiếp quản lý, 9 nhà máy đã ký hợp đồng dài hạn với Vinacomin là Mông Dương 1, Vũng Áng 1, Mông Dương 2, Thái Bình 2, Vĩnh Tân 1, Thăng Long, Nam Định và Hải Dương, với tổng công suất là 29 triệu tấn. Các nhà máy chưa ký hợp đồng dài hạn có Phả Lại 1-2, Uông Bí 1 và 2 mở rộng, Nhiệt điện Ninh Bình, Thái Bình 1, Nghi Sơn 1, Quảng Ninh 1-2, Hải Phòng 1-2, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1.

Ông Trung cho hay, năm 2018, theo kế hoạch, lượng tiêu thụ than trong nước của Vinacomin là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 lại tăng cao, khoảng 4,4 triệu tấn so với dự báo. Đáng nói là, nhu cầu than cho điện tăng hơn so với dự tính 5,4 triệu tấn, khiến Vinacomin cũng phải điều chỉnh tổng thể cấp than cho các hộ khác.

“Cuối năm 2017, ngành than tồn hơn 11 triệu tấn, nhưng năm 2018, tình hình thay đổi 180 độ. Nhiệt điện than được huy động cao khiến tồn kho than giảm mạnh và chỉ còn 5 triệu tấn, bao gồm cả các loại than nguyên khai tồn trữ trong quy trình công nghệ khai thác than”, ông Trung nói.

Việc gia tăng mạnh nhu cầu than trong nước cho sản xuất điện và các ngành khác cũng có nguyên nhân chính là giá than thế giới đang ở mức cao hơn than sản xuất trong nước 5-10 USD/tấn tùy chủng loại. Để đáp ứng nhu cầu than tiêu thụ tăng mạnh, Vinacomin đã huy động tối đa tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược; khẩn trương nhập khẩu trên 0,5 triệu tấn than các loại để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ, điều chỉnh tăng kế hoạch sản xuất thêm 1,5 triệu tấn than nguyên khai và tổ chức phát động phát động đợt thi đua 90 ngày đêm sản xuất và tiêu thụ than quý IV/2018.

Thanh Hương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tat-bat-lo-than-cho-dien-d91820.html