Tất bật bán quất cảnh dịp Tết

Tôi là Lê Thị Vân (38 tuổi) làm nghề buôn bán quất. Gia đình tôi sinh sống tại thôn Phi Liệt (Liên Nghĩa, Văn Giang, Hưng Yên) là mảnh đất nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh.

Tôi là người gốc Thanh Hóa, ra ngoài Bắc làm ăn rồi gặp gỡ và nên duyên với chồng. Sau khi cưới, tôi sinh sống tại quê chồng rồi cũng theo nghề của gia đình là trồng và bán cây cảnh.

Người nông dân trồng cây chúng tôi làm theo vụ. Vụ Tết trồng quất, bưởi, cam, hồng, cúc… Vụ tháng Giêng lại gieo cây giống: mít, xoài, ổi… Vườn cây của tôi có diện tích gần 1 ha, năm nay trồng quất là chính.

Mở hàng hôm nay là một vị khách đến từ Thạch Thất (Hà Nội), muốn tìm mua quất và cam cảnh với số lượng lớn.

Sau khi đi xem quanh vườn, khách thấy ưng và đã quyết định mua hàng. Tôi thấy rất vui, hào hứng giúp khách chuyển cây ra xe.

Chỉ mới mùng 9 âm lịch nhưng các xe tải hàng đã ra vào tấp nập trong thôn. Thương lái từ khắp nơi: Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hóa… đổ về mua cây cảnh. Con ngõ nhỏ nhà tôi thỉnh thoảng lại bị tắc nghẽn.

Tùy vào kiểu dáng, quất được chia ra làm nhiều loại: Quất thế, quất lùm, chum, rổ... Trước mỗi vụ gieo trồng, người dân chúng tôi đều phải lên kế hoạch cụ thể bởi các dáng quất sẽ có một cách chăm sóc, tạo kiểu khác nhau. Nhiều cây phải dùng dây thép cố định, uốn dáng từ khi còn bé.

Đang mải bán hàng thì tôi nghe thấy tiếng khóc vừa tỉnh giấc của cậu con trai 8 tháng tuổi. Tôi thường tranh thủ lúc con ngủ để ra ngoài phụ giúp khách bê cây. Những khi con thức thì vừa bán hàng, tôi vừa địu con ở đằng trước.

Có thêm 4 vị khách đến từ Thanh Hóa, họ cẩn thận chọn từng cây quất và tỏ ra khá hài lòng với mức giá từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng tùy loại. Khách tỉnh xa thường tới xem cây rồi đặt cọc trước. Tới sát Tết tôi cho xe đến chở đi.

Đã 3h chiều, vợ chồng tôi vừa xếp hàng xong cho khách, tranh thủ ngồi nghỉ trong lán trước nhà. Tôi chợt nhớ ra trưa nay cả hai vợ chồng đều chưa kịp ăn gì cả, lúc này đã quá giờ cơm.

Ăn tạm cái bánh, chồng tôi lại tất tả ra xe hàng, không quên dặn dò: “Anh đi chở thêm ít bưởi về đã, cơm để đến tối rồi anh ăn một thể. Em đói thì ăn tạm gì trước nhé”.

Cảnh “bữa đực bữa cái” đã chẳng còn xa lạ gì với vợ chồng tôi vào dịp Tết. Nhiều khi thương chồng, tôi chỉ muốn anh làm ít lại. Còn anh lại tham công việc, muốn kiếm thêm chút thu nhập để sửa sang lại căn nhà.

Quanh khu nhà tôi cũng là bạt ngàn những ruộng cây của mấy cô chú hàng xóm. Nếu nhà hết hàng, tôi thường dẫn khách sang cho mấy cô chú ruộng bên. Vì thế cô chú lúc nào cũng yêu quý mẹ con tôi. Thỉnh thoảng họ lại mua cho cu cậu ít bánh kẹo làm quà.

Lúc rảnh tay, các cô thường bế con giúp tôi. Còn tôi thì tranh thủ bán hàng hoặc chạy đi cắm nồi cơm, nhặt mớ rau. Người dân quê chúng tôi sống với nhau bình dị và lúc nào cũng tình cảm như vậy.

Vừa địu con, tôi vừa tưới nước cho vài luống cây trong vườn.

Trời đã nhá nhem, nấu cơm xong, tôi tranh thủ tắm rửa cho con.

Trong lúc đợi chồng về, tôi cho con ăn cơm trước. Tôi nhận được tin nhắn từ anh: “Em với con cứ ăn cơm trước kẻo đói, lát xong việc anh về ăn sau”. Nhưng nghĩ chỉ có hai vợ chồng, tôi lại cố chờ cơm.

19h hơn, trời tối sập, tôi bế con ngồi trước cửa ngóng chồng về. Chắc anh đã mệt nhừ với những đơn hàng cận Tết. Có lẽ hôm nay chúng tôi lại ăn cơm muộn.

Nguồn Khỏe 365: https://khoe365.nguoiduatin.vn/tat-bat-ban-quat-canh-dip-tet-74321.html