Tập tục cắt ngón tay khi có người thân qua đời của bộ tộc Dani ở Indonesia

Để bày tỏ nỗi đau buồn khi người thân qua đời, bộ tộc Dani ở Indonesia thực hiện tập tục cắt ngón tay gọi là Iki Palek.

Dani là một trong nhiều nhóm dân tộc còn tồn tại hay sinh sống ở Cao nguyên Central, Papua, Indonesia, với dân số xấp xỉ 25.000 người. Họ được nhà từ thiện người Mỹ Richard Archbold vô tình phát hiện ra sau cuộc thám hiểm năm 1938.

Đàn ông và trẻ em của bộ tộc Dani (Ảnh: Barcroft Media)

Từ giữa thế kỷ 20, bộ tộc Dani trở nên nổi tiếng nhờ những truyền thống độc đáo và ý thức mạnh mẽ về bản sắc của mình. Đàn ông Dani dùng vỏ bí ngô để tạo thành mảnh vỏ che dương vật gọi là Koteka, trong khi phụ nữ Dani không mặc áo mà chỉ diện váy làm từ cỏ dại.

Một trong những tập tục nổi tiếng nhất của họ là cắt ngón tay. Khi một người thân qua đời, họ sẽ ngay lập tức cắt đứt các đốt trên ở một trong các ngón tay của mình, bởi việc khóc lóc khi người thân ra đi đối với họ là không đủ.

Mọi người có thể cho rằng tập tục này là man rợ, tuy nhiên, theo người Dani, không có cách nào khác tốt hơn để bày tỏ nỗi đau buồn, dù họ có thể gặp nguy hiểm. Nỗi đau mà họ phải chịu đựng khi cắt ngón tay tượng trưng cho sự mất mát trong trái tim và tâm hồn.

Trong quan niệm của bộ tộc Dani, ngón tay là biểu tượng cho sự hòa hợp, đoàn kết và sức mạnh của cả con người và gia đình. Sức mạnh tập thể có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của họ, giống như việc các ngón tay bổ trợ cho nhau. Nếu một ngón tay mất đi thì sức mạnh tập thể cũng mất đi. Nỗi đau mà một người ra đi để lại cho các thành viên trong gia đình chỉ nguôi ngoai khi vết thương trên ngón tay bị cắt lành lại và không còn đau nữa.

Tuy nhiên, có một thực tế là Iki Palek hầu như chỉ được thực hiện với phụ nữ Dani chứ không phải tất cả mọi người. Những người phải cắt ngón tay thường là những người mẹ hoặc những phụ nữ lớn tuổi nhất. Khi chồng, con hoặc anh em họ chết đi, ngón tay của họ sẽ bị cắt.

Một phụ nữ Dani hút thuốc với bàn tay đã bị cắt nhiều ngón (Ảnh: Barcroft Media)

Có lẽ vì thế nên phần lớn những phụ nữ Dani đều bị mất nhiều đốt tay, có người thậm chí chỉ còn 3 ngón tay còn nguyên vẹn. Số ngón tay bị cắt ở một người phụ nữ cho thấy có bao nhiêu thành viên gia đình họ đã qua đời.

Tập tục cắt ngón tay ở Papua diễn ra theo nhiều cách khác nhau. Người Dani thường dùng các công cụ sắc nhọn như dao, rìu, dao phay để cắt hoặc dùng một mảnh dây thắt chặt ngón tay cho đến khi máu ngừng lưu thông rồi mới cắt. Quá trình này rõ ràng rất đau đớn nhưng với người Dani, đó là biểu hiện cho lòng yêu thương và trung thành, vì vậy họ không cảm thấy nặng nề.

Ngoài việc cắt ngón tay của phụ nữ, đàn ông Dani cũng có cách bày tỏ nỗi đau buồn tương tự, chỉ hơi khác một chút là họ sẽ xẻo một phần tai. Khi một người anh em trai qua đời, họ sẽ dùng một lưỡi tre sắc để cắt đi một phần da ở tai của mình.

Chưa dừng lại ở đó, để toàn vẹn nỗi mất mát, người Dani còn bôi tro, đất sét lên mặt và tắm bùn. Việc tắm bùn mang ý nghĩa rằng những người qua đời sinh ra từ mặt đất giờ đã quay về với mặt đất.

Việc cắt ngón tay hiện đã bị chính phủ Indonesia ban lệnh cấm nhưng những dấu hiệu của tập tục gây tranh cãi này vẫn có thể được nhìn thấy rõ trên những người phụ nữ già của bộ tộc Dani. Nhờ điều này mà họ cũng thu hút một lượng khách du lịch đến Papua suốt nhiều thập kỷ qua khi ngày càng nhiều người tò mò muốn mục sở thị bản sắc độc đáo của người Dani.

Một phụ nữ Dani với những ngón tay đã bị cắt đứt (Ảnh: Scholar Blogs)

Nhiếp anh gia Singapore Teh Han Lin, người từng có cơ hội ở lại làng của bộ tộc này 4 ngày, cho hay dù nổi danh là những kẻ săn đầu người ghê gớm và mang vẻ ngoài hung tợn, người Dani rất thân thiện, hiếu khách. “Miễn là bạn biết cách cư xử”, ông Lin nói.

NGỌC ANH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tap-tuc-cat-ngon-tay-khi-co-nguoi-than-qua-doi-cua-bo-toc-dani-o-indonesia-post228435.html