Tập trung xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhà nước

Trong buổi làm việc ngày 20/2 giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cùng 13 doanh nghiệp lớn, hàng loạt khó khăn và kiến nghị đã được đưa ra.

13 doanh nghiệp lớn nêu 91 kiến nghị

Sau gần 2 năm thành lập, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thực hiện tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty. Ủy ban từng bước hoàn thiện bộ máy, tuyển dụng nhân sự, đáp ứng yêu cầu là “siêu ủy ban” với phần việc khá nặng nề từ các doanh nghiệp nhà nước lớn như ngành dầu khí, điện lực, điện tử viễn thông, than - khoáng sản, hàng không…

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục - Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục - Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Trong số 185 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ khi thành lập đến nay, Ủy ban đã hoàn thành 156 nhiệm vụ. Trong đó còn 27 nhiệm vụ đang trong hạn, 2 nhiệm vụ quá hạn. Là cơ quan mới thành lập, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, ông nhận nhiệm vụ từ con số 0, đến 6 tháng đầu năm 2019 mới sắp xếp, tuyển dụng được 50 cán bộ, trong khi khối lượng công việc rất nhiều. Đến nay, Ủy ban đã tuyển dụng được gần 100 cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, lãnh đạo Ủy ban cho rằng đơn vị đang gặp khó trong vấn đề thu hút cán bộ giỏi từ các bộ và khu vực doanh nghiệp về.

Một khó khăn lớn khác là thẩm quyền phê duyệt dự án của các đại diện tại doanh nghiệp chưa được qui định rõ bằng văn bản qui phạm pháp luật nên dẫn đến không có một cách hiểu thống nhất trong nội bộ. Ngoài ra còn xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình chuyển giao quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ quản dự án đầu tư công từ các bộ về Ủy ban.

Liên quan tới cá kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, bà Nguyễn Thị Loan- Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, Thường trực Tổ công tác cho biết, Tổ công tác đã nhận được báo cáo từ 10/13 tập đoàn, tổng công ty, nêu 91 kiến nghị, gồm 65 kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng và 26 kiến nghị với Ủy ban.

Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu kiến nghị tại buổi làm việc

Nêu bật những khó khăn của doanh nghiệp, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực (EVN) cho biết: trong năm 2019, EVN được Chính phủ, Thủ tướng giao 209 nhiệm vụ, đã hoàn thành 192 nhiệm vụ. Còn 17 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn, EVN đang tiếp tục triển khai thực hiện, là thuộc các nhóm: nhiệm vụ về bảo đảm cung ứng điện, nhiệm vụ thực hiện trong nhiều năm tới khi kết thúc các dự án đầu tư; nhiệm vụ về cổ phần hóa, thoái vốn. “EVN kiến nghị Tổ công tác, Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị về tăng cường áp dụng các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo các bộ ngành xây dựng và ban hành cơ chế giá điện 2 thành phần; sớm xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù để đầu tư các dự án điện cấp bách…”- ông Dương Quang Thành bày tỏ.

Ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam cũng nêu khó khăn về thu xếp vốn và kêu gọi đầu tư với dự án điện sau khi không có bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong cổ phần hóa bởi vướng mắc về xác định giá trị đất và việc sử dụng đất sau cổ phần hóa. Vì vậy, đại diện tập đoàn này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ có cơ chế đặc thù đối với dự án điện; sớm giải quyết những vướng mắc về cổ phần hóa.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành để tháo gỡ

Với những vướng mắc trên, ông Nguyễn Hoàng Anh khẳng định, việc thành lập một cơ quan như Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chủ trương này, vướng mắc lớn nhất là chính sách, pháp luật. Để khắc phục, Ủy ban đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành để tháo gỡ, sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ được giao từ Chính phủ. “Ủy ban sẽ nghiên cứu thành lập Hội đồng cấp cao, bao gồm đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, họp bàn định kỳ, nhằm đánh giá những việc làm được, rà soát những khó khăn vướng mắc để kịp thời tìm phương án giải quyết triệt để”- ông Nguyễn Hoàng Anh nêu cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Đánh giá cao vai trò của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, một năm qua Ủy ban vừa kiện toàn tổ chức nhân sự, vẫn phải xử lý công việc theo chức năng chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, Tổng công ty, đây là những doanh nghiệp then chốt có quy mô tài sản rất lớn, hoạt động của họ diễn ra hàng ngày, hàng giờ, nên liên tục phải xử lý công việc. “Qua theo dõi các doanh nghiệp của Bộ Công Thương chuyển sang trong báo cáo có 7 đơn vị về cơ bản sản xuất kinh doanh năm 2019 tương đối tốt kể cả doanh thu và lợi nhuận, điều đó không thể phủ nhận vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá.

Về phối hợp giữa các Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, Bộ Công Thương là Bộ đầu tiên ký biên bản bàn giao các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. “Ngay sau khi bàn giao công việc liên quan giữa hai cơ quan đã được làm rõ trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành. Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương quản lý”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu kỹ ý kiến của các tập đoàn và tổng công ty, tạo điều kiện gỡ khó cho doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục - Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết: đây là cuộc kiểm tra thứ 83 của Tổ công tác và là cuộc làm việc đầu tiên với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao Ủy ban. Đồng thời, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục cho biết, Ủy ban đã hoàn thành những nhiệm vụ được chuyển giao từ các Bộ ngành, dù gặp nhiều khó khăn. Ủy ban cũng cơ bản bám sát và thực hiện tốt 16 nhiệm vụ được giao theo chức năng tại Nghị định 131. Với 185 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao từ ngày 1/10/2018 tới nay, Ủy ban cũng đã hoàn thành phần lớn, chỉ có 2 nhiệm vụ quá hạn và 26 nhiệm vụ trong hạn đang xử lý.

Tổ phó Tổ công tác đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành 2 nhiệm vụ quá hạn, trong đó có việc tổng kết thực hiện Nghị định 131 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Đây là nội dung quan trọng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc được nêu ra tại buổi làm việc, cùng với việc xây dựng, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư.

Tổ công tác đề nghị Ủy ban tập trung xử lý các nhiệm vụ trong hạn, đồng thời xử lý các kiến nghị của các doanh nghiệp; các Bộ ngành cũng cần khẩn trương xử lý các kiến nghị của Ủy ban và các Bộ ngành, doanh nghiệp liên quan. “Tất nhiên, khi chuyển sang một cơ chế, cách làm mới thì sẽ có những khó khăn, vướng mắc, Tổ công tác sẽ tổng hợp các vấn đề tại cuộc làm việc, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới” - ông Nguyễn Cao Lục cho biết.

Lan Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tap-trung-xu-ly-kien-nghi-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-132905.html