Tập trung xử lý kẹt xe tại các 'điểm nóng'

Theo các ngành chức năng của tỉnh, một trong những vấn đề cần tiếp tục quan tâm giải quyết trong công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2020 là vấn nạn kẹt xe đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng.

Kẹt xe tại nút giao đường Nguyễn Ái Quốc và đường Nguyễn Phúc Chu (khu vực cầu Săn Máu, TP.Biên Hòa) khiến hàng ngàn phương tiện xếp hàng dài trên đường Nguyễn Ái Quốc hướng từ Công viên 30-4 về. Ảnh: T.Hải

Kẹt xe tại nút giao đường Nguyễn Ái Quốc và đường Nguyễn Phúc Chu (khu vực cầu Săn Máu, TP.Biên Hòa) khiến hàng ngàn phương tiện xếp hàng dài trên đường Nguyễn Ái Quốc hướng từ Công viên 30-4 về. Ảnh: T.Hải

Không chỉ trên những tuyến đường ở TP.Biên Hòa mà tại những nút giao quan trọng trên những tuyến đường chính trong tỉnh cũng đang trở thành “điểm nóng” về kẹt xe.

* Nhiều “điểm nóng” chưa được xử lý

Ban An toàn giao thông tỉnh đánh giá, việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại một số vị trí trọng yếu trên các tuyến quốc lộ như: nút giao quốc lộ 1 với đường Võ Nguyên Giáp, quốc lộ 51 với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ngã tư Amata… đã hạn chế bớt được tình trạng ùn tắc, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết, giờ cao điểm.

Hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cầu Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) thường xuyên diễn ra và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Kẹt xe được coi là chuyện xảy ra “như cơm bữa” khi mà lượng phương tiện phải xếp hàng “rồng rắn” trên đường Đặng Văn Trơn hướng đi vào trung tâm thành phố. Có thời điểm kẹt xe kéo dài (chủ yếu ở làn ô tô) từ chợ Hiệp Hòa đến khu vực đèn tín hiệu giao thông trên đường Nguyễn Thành Phương. Nhiều người phải chờ hết mấy lượt đèn đỏ mới có thể di chuyển được.

Không chỉ trên đường Đặng Văn Trơn mà đoạn đường Nguyễn Thành Phương nối từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến chân cầu Hiệp Hòa hiện nay cũng trở nên quá tải. Chưa kể, ở đây còn có gác chắn đường sắt, mỗi lần tàu chạy qua là phương tiện phải xếp hàng dài trên đường ở cả 2 hướng.

Trong khi đó, thời gian gần đây, giao thông ở khu vực cầu Săn Máu (nút giao giữa đường Nguyễn Ái Quốc và đường Nguyễn Phúc Chu, KP.5, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cũng luôn trong tình trạng căng thẳng bởi thực trạng kẹt xe kéo dài, phương tiện lưu thông hỗn loạn.

Đường Nguyễn Ái Quốc đoạn qua cầu Săn Máu có 2 làn xe, chiều rộng lòng đường khá hẹp, nhưng phải tiếp nhận lượng lớn phương tiện từ cả đường Nguyễn Ái Quốc và đường Nguyễn Phúc Chu (hướng Trảng Dài đi ra). Bình thường đường đã đông, giờ cao điểm buổi sáng và chiều tối khi công nhân, người lao động đi qua đây thì tình trạng ùn tắc càng diễn ra trầm trọng.

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, một số tuyến đường, khu vực khác của TP.Biên Hòa cũng thường xảy ra ùn tắc như: Phan Trung, Trương Định, Dương Tử Giang… Đặc biệt, tại nút giao đường Võ Thị Sáu với hẻm số 63 vào Trường song ngữ Á Châu và Trường quốc tế Thái Bình Dương (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.

Với những nút giao thông phức tạp lâu nay như: ngã ba Phát Triển, ngã ba quốc lộ 1 với xem lại đường Điểu Xiển… tình trạng ùn tắc giao thông vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân là do tín hiệu đèn chưa phù hợp, mặt đường hẹp, mật độ phương tiện tăng cao dẫn đến quá tải.

* Cần nhiều giải pháp kịp thời

Tại các địa phương lân cận TP.Biên Hòa, nơi tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom… tình trạng ùn tắc cũng đã bắt đầu xảy ra - thời điểm mà công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp bắt đầu vào giờ làm hoặc tan ca.

Cụ thể, tại ngã ba Trị An ùn tắc nghiêm trọng thường rơi vào các khung giờ cao điểm 6-8 giờ và 17-19 giờ. Lượng xe hướng từ Khu công nghiệp Sông Mây (trên đường tỉnh 767, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) đổ ra quốc lộ 1 đông nghẹt. Mặc dù, lực lượng chức năng tăng cường điều tiết, tuy nhiên người dân vẫn phải xếp hàng dài trên đường.

Hay như trên đường tỉnh 25B hiện nay là trục giao thông chính của huyện Nhơn Trạch, nhưng nhiều năm nay, tuyến đường này đã quá tải bởi phải “gồng gánh” lượng lớn phương tiện từ các khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Do đó, tuyến đường này liên tục xảy ra tình trạng kẹt xe.

Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho hay, đường tỉnh 25B theo quy hoạch sẽ mở rộng với 8 làn xe nhưng hiện nay chỉ có 2 làn xe để phục vụ đi lại. Vì vậy, tuyến đường này đã không còn đáp ứng đủ yêu cầu lưu thông cũng như vận chuyển hàng hóa. Địa phương đã kiến nghị các cơ quan của tỉnh sớm thực hiện mở rộng, nâng cấp để giao thông trên địa bàn thông thoáng, ổn định hơn.

Tương tự, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết, trước mắt với những tuyến đường xảy ra kẹt xe do thành phố quản lý sẽ được nghiên cứu để mở rộng 2 đầu nút giao. Về lâu dài, TP.Biên Hòa đang triển khai nhiều dự án công trình trọng điểm, đồng thời lên phương án tổ chức lại giao thông như: phân bố đậu xe theo ngày chẵn, lẻ; khai thác hệ thông camera một cách hiệu quả, ứng dụng hệ thống giao thông thông minh…

“Ngoài việc quy hoạch, nâng cấp đường sá, phát triển phương tiện giao thông công cộng… thì việc điều tiết, phân luồng giao thông từ các lực lượng chức năng là yếu tố rất quan trọng để giảm nạn ùn tắc. Do đó, chúng tôi cũng yêu cầu các lực lượng chức năng như: cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, công an phường… tăng cường các biện pháp phân luồng, điều tiết một cách hợp lý tại các tuyến đường, nút giao thường xảy ra kẹt xe” - Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng nhấn mạnh.

Ưu tiên mở đường cho các khu vực phát triển “nóng”

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định: “Tình trạng ùn tắc giao thông ở TP.Biên Hòa ngày càng nghiêm trọng. Do đó, chúng ta phải mở nhiều tuyến đường mới để giải quyết kẹt xe, vấn đề hiện tại thành phố rà soát ưu tiên đường nào làm trước, đường nào làm sau; ưu tiên cho những khu vực phát triển dân số “nóng” như: Trảng Dài, Long Bình…”.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/an-toan-giao-thong/201912/tap-trung-xu-ly-ket-xe-tai-cac-diem-nong-2980901/