Tập trung xử lý, giải quyết các container phế liệu

Theo báo cáo của các cảng vụ hàng hải, hiện nay lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh, nhiều lô hàng đã dỡ xuống cảng nhưng chưa làm thủ tục nhập khẩu dẫn tới hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển. Tính đến thời điểm ngày 26/6/2018, khối lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh và khu vực cảng biển Hải Phòng là 5.724 container.

Xử lý container phế liệu, tồn đọng là bài toán vô cùng nan giải

Nguyên nhân tồn đọng

Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển Việt Nam làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cảng biển và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cùng nhiều hệ lụy khác.

Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu để tái chế dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu…) sẽ phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia. Theo đó, một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa.

Mặt khác, một số hãng tàu vận chuyển trong tờ khai E-Manifest lược khai hàng hóa không có phế liệu, nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo số lượng cụ thể, chủng loại hàng hóa là phế liệu. Một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có hành vi giả mạo giấy xác nhận, dùng giấy xác nhận của các doanh nghiệp khác, đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế. Một số lượng lớn container tồn đọng lâu ngày, chủ hàng không đến nhận hàng, có nhiều container lưu tại bãi cảng từ 5 đến 7 năm có thể bị hư hỏng, phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi lớn gây thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp cảng và hãng tàu…

Ngoài ra, còn nhiều bất cập trong quản lý phế liệu nhập khẩu như: Chưa có quy chế phối hợp liên ngành trong xử lý các vụ việc liên quan tới nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu; không có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với phế thải và phế liệu dẫn đến khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc so sánh, đối chiếu, xác định hàng hóa là phế liệu hay phế thải; tìm kẽ hở của pháp luật hiện hành để đưa các loại phế liệu không đáp ứng quy chuẩn vào Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện xử lý hàng hóa tồn đọng theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC, vấn đề xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với hàng hóa tồn đọng, trình tự thực hiện bán đấu giá chưa quy định quyền và nghĩa vụ các bên và nhiều vấn đề liên quan khác. Điều này là một trong những nguyên nhân gây khó khăn làm chậm quá trình thanh lý hàng hóa tồn đọng.

Tăng cường công tác quản lý cảng biển

Để tăng cường công tác quản lý về cảng biển cũng như tập trung xử lý, giải quyết các container phế liệu đang tồn đọng tại các cảng biển, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các cảng vụ hàng hải tăng cường phối hợp với cơ quan hải quan, sở tài nguyên và môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển có liên quan thực hiện các nội dung sau:

Kiểm tra tàu thuyền vận chuyển hàng hóa nhập khẩu là sắt, thép, nhựa, giấy đã qua sử dụng có mã số hàng hóa khác với mã số hàng hóa là phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTG ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Yêu cầu doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu thống kê loại hàng, số lượng và kiến nghị cơ quan hải quan khẩn trương phân loại để xử lý các container phế liệu tồn đọng quá 90 ngày theo quy định tại Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan. Trường hợp cơ quan hải quan và cơ quan quản lý về môi trường xác định hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì phối hợp với cơ quan hải quan và cơ quan đơn vị liên quan kiên quyết yêu cầu các chủ hàng, chủ tàu tái xuất các lô hàng vi phạm.

Tổ chức phổ biến và hướng dẫn các văn bản QPPL có liên quan cho doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu, doanh nghiệp vận tải biển, vận tải thủy nội địa và đường bộ liên quan.Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp cảng biển chủ động phối hợp với cơ quan hải quan, sở tài nguyên và môi trường, cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ các lô hàng phế liệu, thường xuyên thống kê, phân loại và phối hợp với hãng tàu, đại lý hãng tàu có kế hoạch xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng biển, cụ thể:

Đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu đến cảng chỉ tiến hành dỡ hàng hóa khỏi tàu khi hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng xuất trình giấy phép nhập khẩu của lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể của khách hàng kèm văn bản xác nhận ký quỹ cho cảng (nếu có). Trường hợp lô hàng không có giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực, đề nghị hãng tàu và đại lý hãng tàu chuyển cảng dỡ hàng cho lô hàng này về cảng khác ở nước ngoài trước khi tàu cập cảng, tránh làm phát sinh thời gian và chi phí cho các bên liên quan.

Trường hợp cần giải phóng hàng tồn đọng ra khỏi khu vực cảng tránh gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa tại cảng biển, đề nghị doanh nghiệp cảng chủ động phối hợp chặt chẽ với hãng tàu, đại lý hãng tàu và các bên liên quan kiến nghị cơ quan hải quan cho chuyển các lô hàng phế liệu nhập khẩu đã lưu bãi trên 30 ngày và các lô hàng lưu bãi trên 90 ngày (hàng hóa không có chứng từ hợp lệ, hàng tồn đọng) về các khu vực kho, bãi khác. Đồng thời, kiến nghị cơ quan hải quan cho phép chủ hàng làm thủ tục thông quan nhận hàng trực tiếp tại các bến cảng này mà không phải đổi cảng đích trên vận đơn (B/L) và hệ thống tiếp nhận thông tin điện tử (manifest) không phải chuyển về cảng trong vận đơn.

Đề nghị các doanh nghiệp có hàng hóa nhập khẩu là phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang lưu giữ tại cảng biển thuộc địa bàn quản lý: Khẩn trương đến làm thủ tục thông quan khi hàng về cảng đối với các doanh nghiệp đã có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu, giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu và văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn môi trường đối với lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan hàng hóa.Hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu tăng cường kiểm soát chặt chẽ Giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi đưa hàng lên tàu tại các cảng xuất khẩu và các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển kiểm tra giấy phép nhập khẩu của lô hàng phế liệu được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực trước khi cho hàng hóa dỡ xuống cảng.

Đồng thời, kịp thời cung cấp thông tin tên hàng hóa, mã hàng hóa trong danh sách hàng hóa dỡ khỏi tàu cho doanh nghiệp cảng biển; phải khai rõ thông tin tên hàng, cảng đích đến trên vận đơn và trên hệ thống tiếp nhập thông tin điện tử (manifest). Trường hợp chỉnh sửa tên hàng hóa mà hàng hóa không nằm trong danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ) thì hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu buộc phải vận chuyển hàng hóa đã dỡ từ tàu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và chi trả toàn bộ chi phí phát sinh liên quan.

Đề nghị hãng tàu, đại lý hãng tàu cung cấp số liệu chi tiết về số lượng hàng hóa container phế liệu đang tồn đọng tại cảng biển do hãng tàu vận chuyển và đề xuất, kiến nghị giải pháp xử lý hàng hóa container phế liệu tồn đọng

Nguyên Tài

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/tap-trung-xu-ly-giai-quyet-cac-container-phe-lieu-d65961.html