Tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư nước ngoài

Sáng nay, 12/10, Bộ Tài chính họp với các bộ, ngành trung ương để nhìn lại tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2020 và thảo luận các giải pháp hoàn thành tối đa kế hoạch đề ra.

Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì hội nghị.

Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chủ trì hội nghị.

Đề nghị giảm 4.717 tỷ đồng kế hoạch vốn

Báo cáo tại đây, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, phần lớn các bộ, ngành đều thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt thúc đấy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài. Chính vì vậy, giải ngân vốn đầu tư công của tháng 9 đã đạt hơn 4.315 tỷ đồng, tăng hơn 558,6 tỷ đồng so với tháng 8 (tăng 3,14% so với tỷ lệ giải ngân trên kế hoạch vốn được giao đã ghi nhận trong tháng 8).

Bên cạnh đó, 9 tháng đầu năm 2020, các bộ, ngành còn tập trung giải ngân tiếp dự toán 2019 và phần vốn kéo dài, chuyển nguồn trị giá 2.671 tỷ đồng. Một số bộ, ngành đã có tiến độ giải ngân có tiến triển tốt như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế,…

Thống kê của Bộ Tài chính cũng ghi nhận 10/12 bộ, ngành (trừ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Quốc gia Hà Nội) cam kết hoàn thành giải ngân (sau khi điều chỉnh giảm một phần hoặc toàn bộ kế hoạch vốn, trừ Bộ Giao thông vận tải không đề xuất cắt giảm vốn).

Như vậy, tổng số vốn các bộ đề nghị giảm kế hoạch vốn đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định là hơn 4.717 tỷ đồng.

Về thời gian kiểm soát đơn rút vốn, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại chia sẻ thêm, Bộ Tài chính đã rút ngắn thời gian xử lý đối với các hồ sơ rút vốn hợp lệ chỉ trong vòng 1 - 2 ngày làm việc so với quy định hiện hành.

Đối với các đơn rút vốn chưa đủ điều kiện giải quyết, Bộ Tài chính đã có công văn trả lại ngay để chủ dự án hoàn thiện, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về pháp luật về chi tiêu ngân sách và tuân thủ quy định của hiệp định vay.

Tính đến hết tháng 9/2020, Bộ Tài chính đã nhận 560 hồ sơ rút vốn, trong đó đã giải quyết được 554 hồ sơ, chiếm 98,8%. Bộ Tài chính đã trả lại ngay 6 hồ sơ và đề nghị sớm hoàn thiện.

Qua quá trình theo dõi, đánh giá công tác giải ngân và làm việc với các bộ, chủ dự án, Bộ Tài chính nhận thấy, kết quả giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi vẫn tiếp tục thấp do chưa có khối lượng cho giải ngân.

Cam kết ưu tiên nhiệm vụ giải ngân

Cho biết tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành có mặt đã nêu một số nguyên nhân gây chậm trễ. Trong đó, chủ yếu do tác động của đại dịch Covid-19 khiến tiến độ đình trệ; một số dự án đã xong nhưng không đón được chuyên gia nước ngoài sang kiểm tra chất lượng để hoàn thành; có dự án chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước như giải phóng mặt bằng, phê duyệt hợp đồng, công tác đấu thầu triển khai chậm,…

Ở phía chủ quan, một số đơn vị phản ánh quá trình chuẩn bị dự án kéo dài, chuẩn bị đầu tư không kỹ, các yếu tố khó khăn khách quan khác dẫn đến thay đổi thiết kế, điều chỉnh dự án trong quá trình thực hiện; dự án được bố trí dự toán nhưng chưa hoàn thành thủ tục đàm phán hoặc chưa ký hiệp định vay, hoặc đã ký hiệp định vay nhưng chưa được cấp ý kiến pháp lý, hoặc mới phê duyệt điều kiện cho vay lại, do đó không có cơ sở pháp lý để giải ngân…cũng gây chậm.

Những nhận định, kiến nghị của các bộ, ngành đã được Bộ Tài chính ghi nhận. Một số vướng mắc đã được đại diện Bộ Tài chính cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết ngay tại hội nghị.

Về giải pháp, các đơn vị đều thống nhất rằng sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên cập nhật, báo cáo tiến độ để xử lý vướng mắc kịp thời.

Đối với số kế hoạch vốn 2020 đã đề nghị cắt giảm, điều chuyển, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị xác định rõ là cắt giảm dự án nào, không thể giải ngân dự án nào, dự án nào chỉ giải ngân được một phần,…để bổ sung kế hoạch vốn cho năm 2021.

Bộ Tài chính cũng đề nghị, trong phạm vi thẩm quyền của mình, các bộ, ngành tập trung xử lý dứt điểm, phối hợp với các nhà tài trợ, các địa phương liên quan khẩn trương tháo gỡ các khó khăn vướng mắc.

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này đưa ra cam kết tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi là nhiệm vụ trọng tâm và phối hợp với các cơ quan chủ quản trong các vấn đề liên quan đến đàm phán, ký kết, hoàn thành thủ tục hiệu lực của Hiệp định vay, điều chỉnh Hiệp định vay (nếu có), ký hợp đồng cho vay lại, rà soát đẩy nhanh tiến độ các công tác liên quan đến giải ngân và trao đổi với nhà tài trợ các vấn đề phát sinh trong quá trình giải ngân.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/tap-trung-xu-ly-dut-diem-cac-vuong-mac-trong-giai-ngan-von-dau-tu-nuoc-ngoai-134948.html