Tập trung xây dựng chợ đạt chuẩn về an toàn thực phẩm

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 388 chợ có khu vực kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của ngành công thương. Cùng với sự quyết tâm của ngành, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 300/388 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm (đạt 77%).

Chợ Đông Thành (TP Thanh Hóa) đạt chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm.

Theo Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 16-8-2017 của UBND tỉnh về việc xây dựng các mô hình thí điểm an toàn thực phẩm (ATTP) đến hết năm 2018, Sở Công Thương được giao chỉ đạo xây dựng 5 chợ đạt chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm. Kết quả, sở đã lựa chọn và chỉ đạo xây dựng thành công 6/5 mô hình chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017, vượt 1 chợ so với kế hoạch, bao gồm: chợ Trường Thi và chợ Tân An - Tân Bình (TP Thanh Hóa); chợ Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn); chợ Cột Đỏ (TP Sầm Sơn); chợ thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn); chợ thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước). Tại Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 19-3-2020 của UBND tỉnh về việc xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Sở Công Thương được giao chỉ đạo 2 chợ trong năm 2019 và 4 chợ trong năm 2020 hoàn thành công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm. Đến hết năm 2019, Sở Công Thương đã chỉ đạo hoàn thành 3/2 chợ đạt chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017, gồm: chợ Tây Thành, chợ Đông Thành và chợ Đình Hương (TP Thanh Hóa).

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, năm 2020, Sở Công Thương lựa chọn chỉ đạo 4 chợ xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017 (bao gồm: chợ Còng - thị xã Nghi Sơn; chợ Giắt - huyện Triệu Sơn; chợ Chuối - huyện Nông Cống; chợ Lèn - huyện Hà Trung). Sở Công Thương đã giao phòng quản lý thương mại chủ trì phối hợp với phòng kinh tế các huyện và thị xã, thường xuyên khảo sát, kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn các phòng, ban, đơn vị tại địa phương để triển khai xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm.

Đến hết năm 2020, có thêm 1 chợ hạng 1 là chợ Giắt, huyện Triệu Sơn hoàn thành công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017. Năm 2021, Sở Công Thương được giao chỉ đạo xây dựng thêm 1 chợ hạng 1 đạt chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm. Hiện, sở đang chỉ đạo chợ Chuối, huyện Nông Cống hoàn thiện các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856:2017.

Đối với các chợ do UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, từ năm 2018 đến nay, các địa phương đã hoàn thành được 290 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, trong đó có 217 chợ được công bố hợp chuẩn theo TCVN 11856:2017 và 73 chợ đạt tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm đối với chợ tạm theo Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 19-2-2020 của UBND tỉnh.

Nhìn chung, các địa phương đã có sự quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về ATTP. Một số địa phương đã quyết tâm cao, quan tâm chỉ đạo, sát sao trong công tác xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm; đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị quản lý chợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm, tiêu biểu như: huyện Vĩnh Lộc (đã hoàn thành 9/9 chợ); huyện Đông Sơn (đã hoàn thành 11/11 chợ); huyện Cẩm Thủy (đã hoàn thành 13/13 chợ); huyện Như Thanh (đã hoàn thành 12/12 chợ); huyện Bá Thước (đã hoàn thành 7/7 chợ); huyện Hoằng Hóa (đã hoàn thành 26/26 chợ); TP Thanh Hóa (đã đạt 24/25 chợ); huyện Thọ Xuân (đã đạt 25/26 chợ); huyện Nông Cống (đã đạt 21/22 chợ); huyện Quảng Xương (đã đạt 21/22 chợ)...

Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn có địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa quyết liệt, tập trung quán triệt nên việc xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm chưa bảo đảm tiến độ, mục tiêu, kế hoạch, số lượng đề ra.

Tại huyện Hà Trung, trong năm 2020 được giao xây dựng 14 chợ đạt chuẩn vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 2 chợ đạt chuẩn, bằng 14,2% kế hoạch; 5 chợ đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; 7 chợ vẫn còn vướng mắc trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quy hoạch chợ và kêu gọi nhà đầu tư.

Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hà Trung, cho biết: Huyện còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng chợ đạt chuẩn ATTP. Tuy nhiên, huyện sẽ tập trung chỉ đạo đối với chợ có khả năng hoàn thành và những tiêu chí có thể thực hiện trước thì sẽ cố gắng thực hiện. Qua đó, đáp ứng tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; bảo đảm vệ sinh ATTP cho người dân; thay đổi tư duy người kinh doanh và quản lý tại chợ và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Năm 2021, UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao xây dựng 59 chợ đạt chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm. Hiện nay, các địa phương đã tổ chức rà soát, xác định khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng chợ ATTP; tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của các tiểu thương trong chợ, vận động tiểu thương trang bị giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảo đảm vệ sinh ATTP; duy trì kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã, thị trấn xây dựng các tiêu chí chợ ATTP; tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các hạng mục trong chợ. Đồng thời, các địa phương cũng chú trọng tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ đạt chuẩn ATTP theo kế hoạch đã đề ra.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-toan-thuc-pham/tap-trung-xay-dung-cho-dat-chuan-ve-an-toan-thuc-pham/135706.htm