Tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi

Qua thông tin báo chí, tôi vui mừng khi biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam vẫn xuất siêu 4 tỷ USD.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu tận dụng tốt thời cơ, phát huy năng lực, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì xuất siêu trong những tháng cuối năm và mục tiêu cán mốc tổng xuất khẩu đạt 300 tỷ USD là hoàn toàn có thể đạt được.

Theo tôi, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao như trên trong bối cảnh hiện nay chủ yếu do các doanh nghiệp đã sớm ký được đơn hàng từ năm 2019, nhất là nhóm các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo-vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế. Cùng với đó, đến nay, nước ta đã đi qua thời kỳ tập trung đầu tư cho nền tảng sản xuất gồm dây chuyền máy móc, công nghệ ban đầu, do đó, mức độ nhập khẩu không nhiều như trước, chủ yếu chỉ còn nguyên, phụ liệu trong nước chưa tự đáp ứng được...

Tuy nhiên, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục kinh tế sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, để giữ vững đà xuất siêu, đòi hỏi các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa.

Trong bối cảnh hiện nay, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong những tháng cuối năm, ngành Công Thương cần tập trung bám sát diễn biến, tình hình thế giới; luôn chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra.

Đồng thời, cần tập trung cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường; đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa cao về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, cần tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được đưa vào thực thi; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-8 tới, để thúc đẩy xuất khẩu... Cùng với đó, các doanh nghiệp nên chủ động phát huy bài học của việc tìm, ký hợp đồng xuất khẩu sớm để "gối đầu", bảo đảm tốc độ xuất khẩu. Nhất là, thay vì mở rộng kinh doanh, đã đến lúc các doanh nghiệp cần tập trung vào giá trị kinh doanh cốt lõi thông qua chuyển đổi hoạt động, nâng cấp hệ thống quản lý tài chính và tìm kiếm các nhà cung cấp tiềm năng mới...

NGỌC ANH (Gia Lâm, Hà Nội)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/y-kien-trong-ngay/tap-trung-vao-gia-tri-kinh-doanh-cot-loi-626118