Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết số 33) đã xác định mục tiêu chung là 'Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước'. Hiện nay, lực lượng BĐBP đang tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 một cách đồng bộ, quyết liệt và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để làm rõ thêm vấn đề này, Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh BĐBP. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh BĐBP. Ảnh: Trần Đức

Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh BĐBP. Ảnh: Trần Đức

- Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị đã xác định: “Sớm ban hành Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thực hiện”. Đến nay, Ban Soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp thu ý kiến đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới. Đề nghị đồng chí Tư lệnh BĐBP cho bạn đọc Báo Biên phòng biết thêm về vấn đề này?

- Thực hiện Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 8-7-2019 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh được điều chỉnh trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ Tư lệnh BĐBP được Bộ Quốc phòng giao là Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo Luật Biên phòng Việt Nam thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Từ tháng 7-2019 đến tháng 1-2020, Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo đã phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố biên giới tiến hành khảo sát thực tiễn, hội thảo, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Chính phủ theo đúng quy định. Ngày 5-2-2020, tại phiên họp thường kỳ tháng 1-2020, Chính phủ đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ về 2 vấn đề: Một là: “BĐBP chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”, có 22/26 thành viên Chính phủ nhất trí, 2 thành viên Chính phủ không tham gia ý kiến. Hai là: “BĐBP có quyền hạn kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”, có 21/26 thành viên Chính phủ nhất trí, 2 thành viên Chính phủ không tham gia ý kiến.

Tiếp đó, ngày 28-4-2020, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, có 87/95 ý kiến phát biểu tại tổ và 25/29 ý kiến phát biểu tại hội trường đồng thuận, nhất trí cao với các nội dung quy định trong dự thảo Luật.

Từ tháng 6-2020 đến tháng 9-2020, Cơ quan Thường trực Ban Soạn thảo Luật đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức 3 hội nghị tọa đàm tại Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Kiên Giang với 216 đại biểu tham dự, có 40 ý kiến tham gia; tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tại Phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí như dự thảo Luật.

Ngày 8-9-2020, Quốc hội gửi hồ sơ xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về dự thảo Luật. Đến ngày 14-10-2020, có 62/63 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố và Hội đồng Dân tộc cho ý kiến góp ý dự thảo Luật. Về cơ bản, đại đa số ý kiến tham gia nhất trí, đồng thuận cao với bố cục, nội dung dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị chỉnh lý câu từ, kỹ thuật, các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật.

Đến nay, trước phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, Ban Soạn thảo Luật đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoàn thiện Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội. Có thể khẳng định, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam đã đảm bảo các yêu cầu về nội dung và quy trình thủ tục các bước để Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.

- Để tiếp tục hoàn thành tốt vai trò chủ trì duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của lực lượng Trinh sát Biên phòng, lực lượng Phòng, chống ma túy và tội phạm; triển khai nghiên cứu Đề án “Xây dựng lực lượng Trinh sát kỹ thuật; Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm; Kiểm soát cửa khẩu hiện đại, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Đề nghị đồng chí Tư lệnh cho biết thêm thông tin về những vấn đề này?

- Quán triệt và thực hiện đúng các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia và phát triển khoa học công nghệ trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các Chỉ thị, Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác tổ chức lực lượng của BĐBP, thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Trinh sát kỹ thuật, nghiệp vụ; Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm; Kiểm soát cửa khẩu có cơ cấu hợp lý, đảm bảo tinh, gọn, mạnh; trang bị kỹ thuật hiện đại, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Trước tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, để luôn giành thế chủ động, không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phương thức hoạt động của lực lượng Trinh sát Biên phòng đảm bảo luôn chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu, đề xuất chủ trương, đối sách; xây dựng các phương án, kế hoạch, xác lập các chuyên án đấu tranh hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch, các đối tượng tình báo, gián điệp, phản động lưu vong, phản động lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, số cơ hội, chống đối chính trị..., giữ vững an ninh chính trị địa bàn khu vực biên giới.
Thực hiện Đề án tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017-2021 và những năm tiếp theo, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức lại phòng nghiệp vụ thuộc Cục Trinh sát theo hướng chuyên đề, đối tượng, nhằm đi sâu nắm, nghiên cứu và đấu tranh với các hệ, đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia. Đồng thời, thành lập 3 Đoàn Trinh sát trên các hướng, địa bàn trọng điểm; là mũi nhọn, nòng cốt trong nắm, đánh địch.

Cùng với đổi mới phương thức hoạt động của lực lượng Trinh sát Biên phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên quan tâm, đổi mới phương thức hoạt động của lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm, trong đó, tập trung đấu tranh, phát hiện, đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu, triệt xóa đường dây, tổ chức tội phạm quy mô lớn, xuyên quốc gia; ngăn chặn triệt để hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Qua đó, từ năm 2015 đến nay, BĐBP đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 54.314 vụ/90.062 đối tượng; đấu tranh thành công 6.636 chuyên án và kế hoạch nghiệp vụ; khởi tố 4.986 vụ/6.120 đối tượng, thu giữ 16,85 tấn ma túy; giải cứu hàng trăm phụ nữ, trẻ em; tịch thu hàng hóa, tang vật vi phạm, phát mại sung công quỹ nhà nước gần 1 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, lực lượng chức năng các nước nghiên cứu, phát hiện và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia, xuyên biên giới; hợp tác quốc tế trong đào tạo, bảo đảm trang bị, phương tiện kỹ thuật công tác Biên phòng.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới, đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, đề ra mục tiêu, quan điểm, phương châm, nguyên tắc bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; Thường vụ Quân ủy Trung ương đã có kết luận: giao Bộ Tổng Tham mưu chủ trì, chỉ đạo Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án “Xây dựng lực lượng Trinh sát kỹ thuật; Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm; Kiểm soát cửa khẩu hiện đại, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Quán triệt và thực hiện Kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án, trong đó, xác định các mục tiêu cụ thể sau: Xây dựng tổ chức, biên chế lực lượng Trinh sát kỹ thuật, Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm; Kiểm soát cửa khẩu tinh, gọn, mạnh, chuyên môn hóa cao, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, tính năng-kỹ thuật, chiến thuật phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Đào tạo, huấn luyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên lực lượng Trinh sát kỹ thuật; Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm; Kiểm soát cửa khẩu có bản lĩnh chính trị vững vàng; trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ cao, làm chủ và sử dụng có hiệu quả trang bị kỹ thuật hiện đại; Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, các chế độ, chính sách và hoạt động của lực lượng Trinh sát kỹ thuật; Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm; Kiểm soát cửa khẩu của BĐBP.

Cán bộ BĐBP Lạng Sơn trao đổi thông tin, phối hợp công tác với lực lượng Hải quan, Kiểm dịch y tế tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: Vy Thượng

- Hiện nay, BĐBP là đơn vị trong Bộ Quốc phòng triển khai thủ tục Biên phòng điện tử và tham gia cơ chế một cửa quốc gia theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục Biên phòng điện tử tại các cửa khẩu, cảng biển do Bộ Quốc phòng quản lý. Đề nghị đồng chí Tư lệnh cho biết một số kết quả nổi bật về công tác này thời gian qua?

- Hiện nay, BĐBP quản lý kiểm soát xuất, nhập cảnh tại 154 cửa khẩu (trong đó có 117 cửa khẩu tuyến biên giới đất liền, 37 cửa khẩu cảng) và 88 lối mở biên giới. Thời gian qua, BĐBP đã tích cực, chủ động tham mưu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo, đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ công tác quản lý cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh và cải cách thủ tục tại các cửa khẩu, như: Nghị định số 112/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-1-2015 quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg ngày 3-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển; Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg ngày 28-3-2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng BĐBP triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính và điện tử hóa, hiện đại hóa trong giải quyết thủ tục hành chính tại cửa khẩu.

BĐBP là đơn vị duy nhất của quân đội triển khai thủ tục biên phòng trên Cổng thông tin biên phòng điện tử và tham gia cơ chế một cửa quốc gia theo các Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg và Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg. Hiện, BĐBP đang triển khai 21 thủ tục hành chính điện tử theo hình thức dịch vụ công mức độ 3, 4 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cổng thông tin điện tử biên phòng (13 thủ tục tuyến cảng, 8 thủ tục tuyến biên giới đất liền); loại bỏ 15 thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập cảnh không còn phù hợp; cắt giảm tới 45,5% các loại giấy tờ làm thủ tục. Việc triển khai thủ tục biên phòng điện tử và tham gia cơ chế một cửa quốc gia của BĐBP đã đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Người làm thủ tục chủ động sử dụng mạng Internet để khai báo và nhận kết quả hoàn thành thủ tục biên phòng điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia ở bất kỳ đâu, không phải nộp hồ sơ giấy. Bên cạnh đó, thủ tục biên phòng điện tử được hoàn thành trước khi tàu đến, rời cảng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chi phí cầu bến neo đậu, nâng cao năng lực xếp dỡ hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cảng khai thác tối đa công năng của cầu, bến cảng. So với phương thức thủ công, thủ tục biên phòng điện tử đã giảm thời gian tàu thuyền chờ hoàn thành thủ tục từ 2-3 giờ xuống còn 0 giờ kể từ lúc tàu cập cảng. Cùng với đó, thủ tục nhập cảnh cho hành khách được thực hiện từ phao số 0, ngay khi tàu, thuyền viên thực hiện xong thủ tục biên phòng điện tử. Do vậy, thuyền viên, hành khách được phép rời tàu đi bờ tham quan, du lịch theo chương trình ngay.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Tư lệnh!

Trần Đức (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tap-trung-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-cua-bo-chinh-tri-ve-chien-luoc-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-post434298.html