Tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến tội phạm giết người, mua bán người

Năm 2020, tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến 'tín dụng đen', tội phạm giết người, mua bán người, xâm hại trẻ em; các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia

Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá nạn buôn người hay đưa lậu người qua biên giới các nước là vấn nạn của thế giới và không dễ giải quyết.

9 tháng đầu năm 2019 cả nước có hơn 104.000 người đi lao động, tuy nhiên số người lao động Việt Nam làm việc thực tế ở nước ngoài lớn hơn nhiều. Nhiều người đi lao động chui theo các con đường khác nhau. Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, tổ chức tốt công tác phòng, chống mua bán người bằng nhiều biện pháp đồng bộ về kinh tế, hành chính, pháp luật.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Trong đó, đã tham mưu với Bộ Chính trị chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.

Tập trung xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; đẩy mạnh thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ...

Năm 2020, trên cơ sở dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực ngày càng gia tăng, Chính phủ xác định tiếp tụcthực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.

Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Tổ chức tốt công tác nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, kịp thời tham mưu đề xuất các các chủ trương, giải pháp góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước, nhất là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các sự kiện đối ngoại trong năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Đặc biệt coi trọng làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm so với năm 2019, kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp trên các tuyến, địa bàn; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng bán chuyên trách, các tổ chức quần chúng, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở, hòa giải tốt các mâu thuẫn trong nhân dân không làm phát sinh tội phạm.

Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc nổi lên. Tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm giết người, mua bán người, xâm hại trẻ em; các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm...

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tap-trung-tran-ap-toi-pham-co-to-chuc-lien-quan-den-toi-pham-giet-nguoi-mua-ban-nguoi-169006.html