Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư

Trong buổi thảo luận sáng 13/6 tại Hội trường Diên Hồng, ghi nhận những kết quả đạt được, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) nêu rõ, về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng quá trình thực hiện cũng còn nhiều bất cập.

Đại biểu Đỗ Thị Lan nhận định, trong quý I/2020, kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế. Đáng chú ý, nhiều tỉnh thành ban hành chính sách hỗ trợ ảnh hưởng của dịch Covid-19, phát triển kinh tế. Quảng Ninh cũng đã sớm ban hành chính sách kích cầu phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển nông nghiệp và các sản phẩm khác, giảm giá thăm các điểm du lịch…

Từ những hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp đã được đánh giá trong báo cáo, đại biểu Đỗ Thị Lan bày tỏ sự thống nhất và đề nghị, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp được coi là “xương sống” của nền kinh tế.

Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng hầu hết đến các doanh nghiệp từ doanh thu, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động… Chính phủ đã ban hành những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động nhưng quá trình thực hiện các chính sách còn chậm đi vào cuộc sống.

“Đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các chính sách, giải quyết bất cập, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, người lao động tiếp tục tiếp cận nhanh với các chính sách; đồng thời, cũng là biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt khó, ổn định phát triển”, đại biểu Đỗ Thị Lan nói.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đại biểu Đỗ Thị Lan nhận thấy, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng quá trình thực hiện cũng còn nhiều bất cập. Những quy định pháp luật còn bất cập, chồng chéo, không phù hợp đã được phát hiện, sửa đổi, bổ sung song việc sửa đổi cũng còn chậm. Một số dự án luật đến nay có hiện tượng có thêm giấy phép, thủ tục hành chính, tăng thẩm quyền cho cơ quan quản lý cấp trên, chưa thực sự phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương.

Đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; thể chế, cơ chế pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với chịu trách nhiệm, cắt giảm thủ tục hành chính ngay từ khi xây dựng ban hành văn bản pháp luật; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật và thực hiện hiệp định cam kết với quốc tế trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại biểu cũng đưa ra đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu, dự báo tình hình, cung cấp thông tin về khả năng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước để có sự chủ động về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. Hoàn thiện thể chế cơ sở pháp lý để đón nhận nhà đầu tư, phát triển kinh tế; đồng thời, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và các cam kết với quốc tế.

Liên quan đến thông tin việc làm và thị trường lao động, đại biểu Đỗ Thị Lan nhận thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỷ lệ người lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao so với nhiều năm trước. Thu nhập đời sống của người dân bị ảnh hưởng, người lao động mong muốn các chính sách của nhà nước sớm được thực hiện, bảo đảm mục tiêu nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, góp phần ổn định xã hội.

Tình hình dịch bệnh thời gian qua cho thấy, các nước trên thế giới đã chú trọng dự báo xu hướng thông tin thị trường lao động, ví dụ như Hoa Kỳ. Ở nước ta, thông tin về thị trường lao động được nhiều người quan tâm, nhất là sau dịch bệnh và chuẩn bị đón làn sóng kinh tế mới từ các hiệp định thương mại, đặc biệt là các thông tin, định hướng về cung, cầu thị trường lao động, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, “cơ sở thông tin dữ liệu thị trường lao động của nước ta hiện đang rất hạn chế, không đủ khả năng cung cấp thông tin về thị trường”, đại biểu Đỗ Thị Lan nêu rõ. Số liệu về thị trường lao động chủ yếu thông qua Cục Thống kê hoặc khi cần mới được nắm bắt từ các cấp, các cơ quan doanh nghiệp liên quan, điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động, tới nền kinh tế và quá trình hoạch định, ban hành chính sách lao động, việc làm. Đồng thời, ảnh hưởng đến phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội đã tồn tại nhiều năm qua.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm và đã có những giải pháp để khắc phục, phát triển thị trường lao động. Tuy nhiên, các quy định về phát triển thị trường lao động theo các quy định của pháp luật thì khả năng phối hợp giữa các ngành còn hạn chế.

Do đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ có liên quan sớm dự báo, phân tích định hướng về thị trường lao động, cung cấp các thông tin về thị trường lao động cho các cơ quan, tổ chức… qua đó, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế.

Kết thúc phiên thảo luận sáng nay (13/6), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 26 đại biểu phát biểu và 3 đại biểu tranh luận. Tại Phiên họp chiều nay, Đoàn Chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia trả lời những vấn đề đại biểu nêu.

Khang Nhi-Công Thọ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tap-trung-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-nha-dau-tu-387001.html