Tập trung tái cơ cấu để phát triển các lĩnh vực kinh doanh chủ lực

Hai năm sau khi hoàn tất quá trình cổ phần hóa, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã có những chuyển biến rõ nét trong tái cấu trúc doanh nghiệp và xác định rõ chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.

Lãnh đạo Hapro cùng khách hàng tại Hội nghị Hạt và Quả khô quốc tế INC, tổ chức tại Mỹ.

Lãnh đạo Hapro cùng khách hàng tại Hội nghị Hạt và Quả khô quốc tế INC, tổ chức tại Mỹ.

Hai năm sau khi hoàn tất quá trình cổ phần hóa, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã có những chuyển biến rõ nét trong tái cấu trúc doanh nghiệp và xác định rõ chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.

Lợi nhuận tăng gấp 10 lần

Ngay từ những ngày đầu chuyển sang hoạt động theo mô hình tổng công ty cổ phần vào tháng 6-2018, Chủ tịch tập đoàn BRG kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Hapro Nguyễn Thị Nga đã có những chỉ đạo quyết liệt và toàn diện trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp để tập trung phát triển những giá trị truyền thống cốt lõi của tổng công ty. Đến nay, sau gần hai năm thực hiện chương trình tái cơ cấu, đơn vị hoàn thành xong chương trình tái cơ cấu tổ chức, nhân sự toàn tổng công ty, xác định các định hướng chiến lược phát triển và mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cho chương trình phát triển dài hạn. Tổng công ty cổ phần đã có sự bứt phá mạnh mẽ, tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả trong những năm tiếp theo.

Dưới định hướng chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của HĐQT, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Hapro tiếp tục phát triển theo hướng là một tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, đẩy mạnh hệ thống hạ tầng thương mại tại Hà Nội phục vụ phát triển hệ thống bán lẻ. Hapro đã và đang phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội.

Nhờ thực hiện chương trình tái cơ cấu mạnh mẽ, hoạt động của tổng công ty sau cổ phần hóa đã có những thay đổi bứt phá, phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, lấy hoạt động xuất khẩu làm mũi nhọn, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống tại hơn 80 nước và khu vực trên thế giới, thời gian gần đây, Hapro đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham dự và có gian hàng trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu để nắm bắt xu thế của thị trường tại các hội chợ lớn trên thế giới tại một số thị trường trọng điểm. Đơn cử như: Hội nghị Hạt và Quả khô quốc tế INC, Hội nghị Gạo thế giới, hằng năm; Hội chợ Sial tại Pa-ri (Pháp); Hội chợ Nông sản thực phẩm Quốc tế Gulfood tại Đu-bai, Hội chợ Worldfood Moscow (Liên bang Nga). Việc tham gia các hội chợ có tầm cỡ quốc tế đã mang lại những kết quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga.

Tại Lễ khai mạc Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018), gian hàng của Hapro vinh dự được tiếp đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam tới thăm. Thủ tướng đã dành sự động viên khích lệ Hapro thời gian qua đã có kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam sang thị trường nước ngoài.

Song song với việc phát triển hoạt động xuất khẩu, dưới định hướng của Tập đoàn BRG, Tổng công ty Thương mại Hà Nội chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh hệ thống thương mại nội địa, tiếp tục phát triển chuỗi siêu thị theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ và nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú. Năm 2019, Hapro đã tiến hành nâng cấp, chuẩn hóa và đưa chuỗi siêu thị Hapromart áp dụng theo mô hình Home and Food (đồ gia dụng và thực phẩm), qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của người dân Thủ đô. Đến nay, hệ thống chuỗi siêu thị của Hapro đã tạo ra mối liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các nhà phân phối, các đơn vị sản xuất trong nước với các đơn vị kinh doanh, đơn vị sản xuất của tổng công ty. Hệ thống này cùng các thương hiệu bán lẻ khác của Tập đoàn BRG như: Intimex Home & Food, Seikamart, Fujimart… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân Thủ đô, đồng thời thực hiện chủ trương của Tập đoàn BRG về việc chuẩn hóa chuỗi bán lẻ. Các siêu thị mang thương hiệu nêu trên đều có hệ thống trang, thiết bị được đầu tư đồng bộ, quy hoạch hợp lý, cung cấp hàng chục nghìn mặt hàng phong phú, đa dạng. Trong đó tập trung vào bộ sản phẩm: thực phẩm tươi sống, rau, củ quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hoa quả nhập khẩu, hoa quả đặc sản vùng miền cả nước; thực phẩm sơ chế, chế biến sẵn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cân bằng dinh dưỡng.

Một trong những nguyên nhân góp phần quan trọng vào thành công của tổng công ty sau hai năm cổ phần hóa là sự chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch tập đoàn BRG kiêm Chủ tịch HĐQT Hapro trong công tác cơ cấu lại tổng công ty cổ phần, tập trung chuyên môn hóa, tạo nguồn lực cho các hoạt động cốt lõi là kinh doanh xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại; chuẩn hóa và phát triển mở rộng chuỗi siêu thị Hapromart; phát triển chuỗi cửa hàng chuyên doanh, dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu của người dân. Đối với những ngành kinh doanh thứ yếu, không đúng mục tiêu phát triển, hoạt động kém hiệu quả, Hapro từng bước tiến hành thu gọn và thoái vốn để tinh gọn bộ máy, đồng thời tập trung nguồn lực về tài chính, nhân sự cho các lĩnh vực cốt lõi, cũng như những lĩnh vực cần phát triển mở rộng.

Với chủ trương đúng đắn đó, Tổng công ty Thương mại Hà Nội từng bước được tái cấu trúc, các hoạt động cốt lõi được định hình rõ nét và tập trung phát triển mở rộng, hiệu quả và năng suất lao động của toàn tổng công ty được nâng cao. Trong năm 2018, năm đầu tiên chuyển sang mô hình tổng công ty cổ phần, tất cả các chỉ tiêu kinh tế của tổng công ty đều có sự tăng trưởng so với năm 2017, toàn bộ hơn 4.000 cán bộ, nhân viên được tiếp tục được bố trí công việc ổn định với thu nhập bình quân có sự tăng trưởng hơn so với thời kỳ trước, giúp người lao động phấn khởi, yên tâm làm việc theo mô hình mới.

Trên cơ sở những kết quả ban đầu đã đạt được, Hapro tiếp tục triển khai hoạt động tái cấu trúc và xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2019 trên cơ sở trọng tâm là phát triển những lĩnh vực kinh doanh lớn có tính truyền thống và là thế mạnh của tổng công ty. Kết quả, tổng kim ngạch xuất khẩu của tổng công ty năm 2019 đạt gần 60 triệu USD với hơn 40 nghìn tấn hàng hóa các loại, tương ứng với gần 2.100 công-ten-nơ. Trung bình mỗi tuần Hapro xuất khẩu khoảng hơn 40 công-ten-nơ hàng hóa tới thị trường của gần 80 nước và khu vực trên thế giới. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của tổng công ty đạt 141 tỷ đồng, tăng gấp 6,5 lần so với năm 2018 và gấp 10 lần so với năm 2017 (khi chưa tiến hành cổ phần hóa).

Phấn đấu đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt một tỷ USD

Trong năm 2020, Tổng công ty Thương mại Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển theo những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đồng thời đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công một số dự án Trung tâm thương mại mang thương hiệu doanh nghiệp như Hapro Shopping Center, Hapro Shopping Mall, các chợ đầu mối; tiếp tục chuẩn hóa và mở rộng phát triển chuỗi siêu thị Hapromart; nghiên cứu phát triển chuỗi cửa hàng chuyên doanh dịch vụ ăn uống mang thương hiệu Hapro Bốn Mùa và chuỗi các cửa hàng chuyên doanh khác...

Hệ thống bán lẻ BRG chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trước dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh việc tái cấu trúc mạnh mẽ và tập trung phát triển đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng công ty tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, cơ quan, ban, ngành các cấp và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao như: triển khai thực hiện các chương trình bình ổn giá, cứu trợ đồng bào vùng bão lụt, kích cầu tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô; tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương. Qua đó không ngừng đẩy mạnh tìm kiếm, khai thác các nguồn hàng, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, các sản phẩm đặc trưng của các vùng miền, thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với các tỉnh, thành phố nhằm đưa sản phẩm nông sản vào tiêu thụ trong hệ thống phân phối của tổng công ty, cũng như xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Ngay từ những tháng đầu năm 2020, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế của nước ta, bên cạnh hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ một số mặt hàng nông sản đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra tại hệ thống siêu thị Hapromart, tổng công ty còn tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tham dự các hội chợ quốc tế lớn, trong đó có hội chợ Gulfood Đu-bai 2020 tổ chức vào tháng 2-2020 và đã ký kết được một số hợp đồng, qua đó góp phần đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam ra thị trường gần 80 nước và khu vực trên thế giới.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, thương hiệu Hapro đã từng bước khẳng định được vị thế, tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, gặt hái được nhiều danh hiệu giải thưởng lớn như:

+ 5 lần liêp tiếp đạt Thương hiệu quốc gia

+ 14 năm liên tiếp đạt giải thưởng Thương hiệu mạnh

+ 14 năm liền đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”.

+ Nhiều năm liền nằm trong tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

+ Ngoài ra, doanh nghiệp đoạt nhiều giải thưởng uy tín khác như: Giải thưởng Sao vàng đất Việt, Doanh nghiệp bán lẻ uy tín 2018, Doanh nghiệp Thương mại - Dịch vụ tiêu biểu…

Riêng năm 2019, Hapro được Bộ Công thương công nhận là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” với ba mặt hàng nông sản chủ lực. Trong đó, Hapro đứng thứ ba trong danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” đối với mặt hàng hạt điều; đứng thứ 13 đối với mặt hàng hạt tiêu; và đứng thứ 15 đối với mặt hàng gạo. Năm 2019 cũng là năm thứ hai liên tiếp, thương hiệu Hapromart của tổng công ty vinh dự lọt tốp 10 công ty uy tín ngành bán lẻ ngành hàng tiêu dùng nhanh và siêu thị. Sự kiện này khẳng định định hướng phát triển đúng đắn của Hapro trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ sau khi cổ phần hóa.

Hapro phấn đấu đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt một tỷ USD, thị trường xuất nhập khẩu mở rộng tới 100 nước và khu vực trên thế giới; xây dựng và duy trì năm mặt hàng xuất khẩu gồm: Gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà-phê, thủ công mỹ nghệ, nằm trong năm doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu cả nước, nhằm khẳng định vị trí, uy tín của mình trong cộng đồng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Hapro sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh sẵn có và tận dụng các thế mạnh, sự hỗ trợ cũng như hệ sinh thái của Tập đoàn mẹ - Tập đoàn BRG để nhanh chóng xây dựng và phát triển Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần là một tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội để mang tới những giá trị tốt nhất cho cộng đồng, theo đúng phương châm, sứ mệnh của Tập đoàn BRG.

Bài và ảnh: MAI LIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/43368402-tap-trung-tai-co-cau-de-phat-trien-cac-linh-vuc-kinh-doanh-chu-luc.html