Tập trung phòng dịch bệnh lở mồm long móng

Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng ở gia súc

(HNM) - Dịch lở mồm long móng chưa xuất hiện trên địa bàn thành phố, nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Thời điểm hiện tại, thời tiết đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới sức đề kháng của vật nuôi, trong khi nhu cầu vận chuyển, lưu thông, kinh doanh giết mổ tăng cao... Để hạn chế nguy cơ dịch bệnh phát sinh, Hà Nội đang tập trung triển khai các biện pháp phòng dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc.

Tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn nuôi tại huyện Ba Vì.

Ông Ngô Văn Xuyên ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho biết, gia đình vừa mua hai con bò về nuôi, mặc dù có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng do thời tiết mùa đông rét kèm theo mưa phùn, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, nên nguy cơ phát sinh dịch bệnh lở mồm long móng rất lớn.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh, xã Thụy An (huyện Ba Vì), trang trại đang nuôi 200 lợn nái và 2.000 lợn thương phẩm. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xung quanh trang trại còn lơ là, chủ quan, chưa tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi mới nhập về nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh lở mồm long móng.

Nói về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, trên địa bàn thành phố tuy chưa phát hiện dịch bệnh lở mồm long móng, nhưng do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 60%, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao từ nay đến cuối năm, nên việc vận chuyển, buôn bán gia súc gia tăng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh như lở mồm long móng ở gia súc là rất cao. Các địa phương cần tập trung nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh này.

Về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh lở mồm long móng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai Phạm Văn Tuấn cho biết, lở mồm long móng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính xảy ra với các loại gia súc như trâu, bò, lợn… Bệnh có thể lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn về kinh tế, tỷ lệ chết ở gia súc lên đến 50%, đặc biệt đối với lợn con, tỷ lệ chết có thể đến 100%. Vì vậy, với điều kiện thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay, người dân phải đề cao cảnh giác, tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Thời gian gần đây, dịch bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện ở các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Do vậy, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

Thực tế ở cơ sở, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn không được chủ quan, coi nhẹ công tác phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc đạt 100% diện tiêm...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin, lở mồm long móng là một trong những loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt là tại các khu vực đã từng xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng trong năm 2018 để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh được phát hiện.

Khi có dịch xảy ra, các địa phương tập trung quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; xử lý dứt điểm các ổ dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Cùng với đó là xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển giết mổ, buôn bán động vật nhiễm bệnh; đồng thời tuyên truyền thường xuyên để người dân biết và chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh...

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/953824/tap-trung-phong-dich-benh-lo-mom-long-mong