Tập trung phòng chống dịch ASF và khôi phục ngành chăn nuôi

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về việc triển khai các giải pháp cấp bách trong phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF). Trong đó trọng tâm là mức hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi và trách nhiệm của từng cơ quan chức năng về phòng chống dịch và hỗ trợ ngành chăn nuôi.

Theo Nghị quyết 42/NQ-CP, ngoài các cơ sở chăn nuôi là hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, hợp tác xã sản xuất có heo buộc phải tiêu hủy do bệnh ASF với mức hợp lý trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi heo và phù hợp cho từng loại heo (đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác được mức hỗ trợ cao hơn các loại heo khác).

Trong đợt này, các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi nhỏ và vừa (không bao gồm DN nhỏ và vừa là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của DN lớn) có heo buộc phải tiêu hủy do bệnh ASF với mức hỗ trợ bằng 30% mức hỗ trợ cho chủ cơ sở chăn nuôi nêu trên nhưng tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có). Nếu DN nhỏ và vừa trong tiêu chí nêu trên nuôi giữ heo giống (ông bà) thì được hỗ trợ 500.000 đồng/con heo đến ngày 31/12/2019 để nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, duy trì đàn heo giống phục vụ tái đàn.

Ngoài mức hỗ trợ thiệt hại đối với heo dịch ASF, Nghị quyết của Chính phủ còn yêu cầu các bộ ngành, chính quyền địa phương có nhiều giải pháp, phương án, phòng chống dịch, ổn định thị trường và hoạt động chăn nuôi heo hiệu quả. Theo đó, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh cấu trúc lại ngành chăn nuôi, xây dựng nhiều kịch bản phòng chống bệnh dịch với các tình huống khác nhau. Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương đôn đốc, theo dõi việc khuyến khích các cơ sở, DN trên địa bàn triển khai thực hiện việc thu mua heo sạch, không nhiễm bệnh để tiêu thụ, cấp trữ đông để ổn định thị trường và phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các giải pháp tổng thể về xử lý tiêu hủy heo phù hợp, không để dịch bệnh lây lan và gây ô nhiễm cho môi trường. Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi và DN bị thiệt hại do ảnh hưởng của bệnh ASF.

Đào hố, khử trùng và chôn lấp là một trong những biện pháp phòng chống dịch ASF hiệu quả hiện nay

Đào hố, khử trùng và chôn lấp là một trong những biện pháp phòng chống dịch ASF hiệu quả hiện nay

Ngày 16/6, Long An là địa phương tiếp theo phát hiện ổ dịch ASF, xẩy ra tại xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa với 41 con heo. Long An là địa phương thứ 12 /13 tỉnh của miền Tây Nam bộ xuất hiện dịch ASF. Ngay sau khi phát hiện đàn heo bị nhiễm dịch ASF đầu tiên, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các sở ngành triển khai quyết liệt công tác phòng chống dịch và tuyên truyền cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh về các biện pháp phòng chống dịch.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành chăn nuôi heo gặp khó khăn do dịch ASF lây lan trên diện rộng và đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Hiện dịch ASF đã xuất hiện tại 58 tỉnh thành với tổng số heo bị bệnh buộc phải tiêu hủy hơn 2,6 triệu con. Hiện nay chỉ còn 6 địa phương chưa công bố có dịch ASF gồm tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Bến Tre. Tổng đàn heo của cả nước tháng 6/2019 giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tap-trung-phong-chong-dich-asf-va-khoi-phuc-nganh-chan-nuoi-121230.html