Tập trung phát triển các doanh nghiệp đầu đàn

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện được cho là thiếu vắng 'sếu đầu đàn' trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp. Để phát triển ngành công nghiệp, giảm bớt sự phụ thuộc và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu các chuyên gia cho rằng, cần tập trung phát triển các doanh nghiệp (DN) đầu đàn trong những ngành, lĩnh vực mới có tác động dẫn dắt, lan tỏa.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), công nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài. Trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ các yếu tố bên ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa còn thấp, chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể. Do vậy, để phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm đòn bẩy kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác, Bộ KH&ĐT sẽ trình, tham mưu Đảng và Nhà nước xem xét ban hành các chính sách; tập trung các nguồn lực để thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp lớn, đóng vai trò dẫn dắt hệ thống DN công nghiệp nội địa và vươn ra thị trường khu vực.

Hệ thống các doanh nghiệp "sếu đầu đàn" đóng vai trò quan trọng.

Hệ thống các doanh nghiệp "sếu đầu đàn" đóng vai trò quan trọng.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia thực hiện công nghiệp hóa thành công đều có vai trò của hệ thống DN, đặc biệt là các DN quy mô lớn là những "doanh nghiệp đầu tàu" hay "sếu đầu đàn" để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất. Việt Nam cần có những doanh nghiệp cả trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đủ lớn mạnh về quy mô, có năng lực quản trị chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong giai đoạn trước đây chúng ta đã từng có những "anh cả đỏ" hay "quả đấm thép" cho phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần xác định được các DN có đủ bản lĩnh trở thành "sếu đầu đàn" trên cơ sở đánh giá nội lực của DN và nguyên tắc thị trường, tránh việc sử dụng mệnh lệnh hành chính hay lắp ráp một cách cơ học. Những DN này cần được xem xét, đánh giá trên các yếu tố: quy mô; thị phần và thị trường; quản trị; ngành lĩnh vực hoạt động và tính bền vững của DN. Theo đó, các DN quy mô lớn cần có tiềm lực về tài chính, hoạt động hiệu quả dựa trên năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và tăng khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Đồng thời, phải có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài (thông qua hoạt động xuất khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài) và có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, hiện đại.

Đối với "sếu đầu đàn" là các DNNN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải thay đổi cách nhìn và phương thức quản lý. Cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu, để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường. Đó là phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu; tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giao mục tiêu tại kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN và quản lý theo mục tiêu. Đồng thời, tăng cường nguồn lực cho các DNNN quy mô lớn, trên cơ sở cho phép giữ lại một phần tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn hoặc một phần lợi nhuận sau thuế để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, có ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước. Ngoài ra, các bộ, ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần đối thoại nhiều hơn với DNNN quy mô lớn, lắng nghe những tâm tư, khó khăn của DN để kịp thời tháo gỡ, khơi thông nguồn lực của DN.

Đối với "sếu đầu đàn" là doanh nghiệp tư nhân (DNTN), cần tập trung vào các giải pháp. Trong đó, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở DN phát triển, như cải cách hành chính, xây dựng chính phủ - chính quyền điện tử; liên thông các thủ tục giữa các bộ, ban, ngành để giúp DN giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí; minh bạch, công khai. Điều này sẽ giúp cho DN triển khai kịp thời những kế hoạch, chương trình kinh doanh, bắt nhịp được những yêu cầu của thị trường mà không bị cản trở bởi độ trễ của thủ tục.

Phan Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/tap-trung-phat-trien-cac-doanh-nghiep-dau-dan-i681840/