Tập trung ổn định sản xuất sau mưa lũ

Do hoàn lưu bão số 3, những ngày qua, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra mưa lớn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai các phương án, kế hoạch ứng phó, thiệt hại đã được hạn chế. Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất.

Rút kinh nhiệm từ đợt mưa lớn gây thiệt hại nặng nề hai năm trước, để chủ động đối phó bão số 3, ngày 31-7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mỹ Ðức đã có công điện khẩn yêu cầu các xã, thị trấn kiểm tra các điểm xung yếu, các tuyến đê, kè, hồ đập, công trình thoát nước, chủ động đối phó những diễn biến bất lợi của thời tiết. Ðồng thời, Xí nghiệp Ðầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Ðức tăng cường kiểm tra, sửa chữa các công trình thủy lợi, chủ động tiêu nước đệm trên các tuyến kênh, hồ đập, sẵn sàng bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, hạn chế ảnh hưởng đến diện tích cây trồng, nuôi trồng thủy sản. Theo đại diện UBND huyện Mỹ Ðức, để đối phó với cơn bão số 3, UBND huyện đã yêu cầu các đơn vị xây dựng kịch bản khi có mưa lớn với tổng lượng mưa khoảng 300 mm. Các đơn vị chủ động xây dựng các phương án, như rút nước đệm, chuẩn bị các máy bơm dã chiến, bảo đảm không xảy ra úng ngập, gây thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi. Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp đối phó, trong đợt mưa lớn vừa qua trên địa bàn huyện có nhiều diện tích bị ngập úng, nhưng được bơm tiêu úng kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Tại huyện Chương Mỹ, từ ngày 1 đến 4-8 đã có mưa lớn, tổng lượng mưa là gần 270 mm, cộng với mực nước sông Bùi dâng cao, đã gây ngập úng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, gần 60 m bờ đập Vàng bị sạt lở và gần 8.500 m đường giao thông nội đồng xã Tân Tiến bị ngập, hơn 36 ha rau màu bị hỏng. Ðể khắc phục hậu quả, Xí nghiệp đầu tư và phát triển thủy lợi Chương Mỹ đã vận hành gần 90 máy bơm tại 19 trạm bơm để tiêu thoát nước.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, do ảnh hưởng mưa lớn hoàn lưu bão số 3 kéo dài, mực nước sông Tích đã vượt báo động cấp 2. Trên địa bàn thành phố có khoảng 3.530 ha cây trồng bị ngập nước, trong đó địa phương có diện tích bị ngập nhiều nhất là huyện Thường Tín với khoảng 930 ha, huyện Chương Mỹ hơn 680 ha, huyện Hoài Ðức hơn 500 ha, huyện Thạch Thất gần 400 ha, huyện Mỹ Ðức hơn 320 ha. Các doanh nghiệp thủy lợi đã huy động lực lượng ứng trực trong cả 24 giờ, vận hành gần 1.070 máy bơm tại 271 trạm bơm, với tổng lưu lượng hơn ba triệu m3/giờ để kịp thời tiêu úng cho các khu vực bị ngập nước. Cùng với tình trạng ngập úng, mưa lớn đã làm các hồ chứa đủ nước, một số hồ vượt thiết kế như hồ Quan Sơn vượt 0,37 m, hồ Miễu vượt 0,27 m. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhất là tại các địa bàn trũng thấp, tiêu thoát nước khó khăn như huyện Thanh Trì, Mỹ Ðức, Chương Mỹ, Phúc Thọ…, ngay từ đầu mùa mưa bão, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã khuyến khích người dân thu hoạch thủy sản khi đủ kích cỡ; hướng dẫn người dân kiểm tra, gia cố bờ ao, các vị trí xung yếu có thể bị vỡ, tràn bờ, các cống cấp và thoát nước; chuẩn bị các vật tư cần thiết như cọc tre và lưới để chắn ao nuôi khi có mưa lớn kéo dài.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Ðào Quang Khải cho biết, ngay từ đầu năm, thành phố đã chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Thành phố tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị xây dựng các phương án, kế hoạch ứng phó thiên tai nhằm giúp các cấp chính quyền và người dân chủ động hơn trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với phương châm bốn tại chỗ, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Nhờ chủ động triển khai các phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai, nhất là tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất, thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp đã được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, các địa phương cần tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, tránh tâm lý chủ quan; tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất ngay sau mưa lũ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/41147402-tap-trung-on-dinh-san-xuat-sau-mua-lu.html