Tập trung ổn định đời sống cho đồng bào Rục sau lũ

Nơi sinh sống của đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa là vùng thung lũng bị bao bọc bởi những dãy núi đá dựng đứng, để đến với bà con chỉ có một con đường độc đạo duy nhất men theo lèn đá. Đợt mưa lũ vừa qua, con đường này bị ngập sâu 5m trong nước lũ, các bản của đồng bào Rục bị chìm trong nước lũ.

Sau gần một tháng bị mưa lũ chia cắt, hơn 200 hộ dân đồng bào Rục (dân tộc Chứt) ở các bản bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng nên không rơi vào tình cảnh đói, khát trong mưa lũ. Ngay sau khi lũ rút, lực lượng nhiều đơn vị lại đến từng bản, từng gia đình giúp bà con người Rục ổn định cuộc sống.

Nơi sinh sống của đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa là vùng thung lũng bị bao bọc bởi những dãy núi đá dựng đứng, để đến với bà con chỉ có một con đường độc đạo duy nhất men theo lèn đá. Đợt mưa lũ vừa qua, con đường này bị ngập sâu 5m trong nước lũ, các bản của đồng bào Rục bị chìm trong nước lũ.

Là những cán bộ, chiến sỹ sống gần gũi với đồng bào Rục bao năm nay, hiểu được tâm tư, tình cảm của từng bà con người Rục, nên sau trận mưa lớn, nhận định nước lũ sẽ lên, các cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cà Xèng và Công an huyện Minh Hóa đã đến vận động, giúp đỡ người dân di chuyển tránh lũ.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đưa 10 tấn gạo về hỗ trợ bà con người Rục sau mưa lũ để ổn định cuộc sống.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đưa 10 tấn gạo về hỗ trợ bà con người Rục sau mưa lũ để ổn định cuộc sống.

UBND huyện Minh Hóa, chính quyền xã Thượng Hóa cũng đã chủ động đưa 3,5 tấn gạo và nhiều vật dụng khác vào tập kết tại Đồn Biên phòng Cà Xèng trước mùa mưa bão để người Rục có cái ăn, cái mặc khi mưa lũ về. Bà Cao Thị Liễu, trú bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa kể lại, mưa lũ lên nhanh quá nên nước suối dâng ngập mọi ngả đường, người dân không thể đi lại được, nhưng nhờ có Công an, Bộ đội Biên phòng kịp thời giúp đỡ, cấp phát gạo, mỳ tôm mà bà con không ai bị đói.

Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết; gần một tháng sau lũ nước vẫn chưa rút hết, nên khi bà con muốn đi lại, ra trung tâm xã, đi chợ, đến trạm y tế… lại nhờ Bộ đội Biên phòng lấy thuyền chở đi. Trước tình hình mưa bão, đơn vị đã chủ động các phương án ứng phó kịp thời.

Khi lũ lụt, Đồn Biên phòng Cà Xèng chủ động đưa mì tôm, lương thực xuống từng gia đình, đảm bảo thuyền cho bà con đi lại. Sau khi nước rút, do bị ngập nhiều ngày nên hầu hết các hộ dân đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước sạch và ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã huy động cán bộ, chiến sĩ xuống với bản, địa phương để tổng vệ sinh, nạo vét cầu cống, khơi thông cống rãnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng, tuyên truyền người dân ăn chín uống sôi, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng vừa trang cấp 1 ca nô cao tốc ST 750 để chuyên chở bà con nhân dân, học sinh vùng lũ huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình và trao tặng 10 tấn gạo cho đồng bào Rục thuộc bản Ón, bản Yên Hợp và bản Mò O Ồ Ồ để giúp đồng bào vùng lũ sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.

Từ lâu, đồng bào Rục luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước, bởi tộc người này từng có nguy cơ “biến mất” do đời sống, bệnh tật và thiên tai…Những năm gần đây, với chủ trương cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an địa phương đã giúp đồng bào Rục dần thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp.

Từ những người Rục đầu tiên được đưa ra khỏi hang đá (năm 1960), nay người Rục đã có hơn 200 hộ gia đình, nhiều người Rục đã biết trồng lúa nước, biết nuôi lợn, nuôi gà để lo toan cuộc sống. Song nhìn chung cuộc sống của bà con vẫn luôn dựa vào sự chu cấp, nâng đỡ của chính quyền địa phương.

Sông Lam

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/tap-trung-on-dinh-doi-song-cho-dong-bao-ruc-sau-lu-564145/