Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn

Khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong Hội nghị tổng kết xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 vùng đặc biệt khó khăn, định hướng giai đoạn 2021 - 2025…

 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thái Sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thái Sinh.

Trong hai ngày 2 - 3/12/2020 tại tỉnh Yên Bái, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ: Giao thông Vận tải, Y tế, Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, UB Dân tộc cùng nhiều cục, vụ, viện các bộ ngành TW, lãnh đạo 47 tỉnh, các doanh nghiệp, nhà khoa học…

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao Chương trình xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn, đây là quyết tâm của Đảng, Chính phủ và các địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 26/NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa X về Chương trình MTQG xây dựng NTM, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn: Khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Vùng đặc biệt khó khăn là vùng phên dậu quốc gia, an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia, nguồn năng lượng rất lớn hàm chứa nhiều cho sự phát triển của đất nước. Việc xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn để trở thành động lực xây dựng đất nước, do đó cần tập trung nguồn lực cho các vùng này.

Thay mặt Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2025. Trong 5 năm qua Chính phủ đã ưu tiên phân bổ ngân sách TW cho các xã đặc biệt khó khăn cao hơn 4 - 5 lần so với các xã không thuộc đối tượng ưu tiên, ban hành 8 nghị quyết hỗ trợ các địa phương vùng đặc biệt khó khăn xây dựng NTM, Chương trình OCOP, Chương trình Khoa học và Công nghệ… Các địa phương đã có 35 tỉnh ban hành tiêu chí NTM cấp thôn, bản, cơ chế hỗ trợ Quỹ phát triển cộng đồng, hỗ trợ vật liệu xây dựng NTM…

Kết quả thực hiện các mục tiêu, có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 315/2.430 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM, 337/3.513 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn NTM. Ước hết năm 2020 có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM.

Tổng nguồn lực huy động NTM giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn đặc biệt khó khăn khoảng 791.909 tỷ, trong đó ngân sách TW khoảng 38.685 tỷ, ngân sách địa phương 71.045 tỷ, lồng ghép từ các Chương trình MTQG khác chiếm 15,5%...

Từ đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Đến nay đã có 80% số xã đặc biệt khó khăn có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, hoặc bê tông hóa; 73% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được bê tông hóa; 100% số xã, 97,8% số thôn có điện lưới quốc gia; các công trình thủy lợi đã đáp ứng được 75 - 80% nhu cầu tưới tiêu cây trồng hàng năm; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mầm non, 99,5% số xã có trạm y tế, 58% xã có nhà văn hóa, 78,7% thôn, bản có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Đề án triển khai Chương trình OCOP cấp tỉnh thuộc vùng đặc biệt khó khăn đã chuẩn hóa 1.061 sản phẩm, chiếm 50,8% của cả nước. Nhiều mô hình HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, tính đến tháng 11/2020 cả nước có 16.479 HTX nông nghiệp, trong đó khu vực miền núi phía Bắc tăng 2 lần, vùng Tây Nguyên tăng 2,5 lần so với năm 2015…

Định hướng mục tiêu đến năm 2025: Các huyện nghèo cơ bản hoàn thành các tiêu chí hạ tầng thiết yếu theo quy định; có ít nhất 200/1.815 xã đặc biệt khó khăn; khoảng 420 xã ATK đạt chuẩn NTM, không còn xã dưới 15 tiêu chí; có ít nhất 2.109/3.513 thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM…

Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Ảnh: Thái Sinh.

Theo ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, trong giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Yên Bái đã kiên cố hóa được 1.200 km đường bê tông, mở mới 200 km đường đất, xây dựng 1.483 công trình thoát nước, xây mới và nâng cấp 3.248 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 96%; đã xây dựng 94 sản phẩm OCOP, trong đó có 45 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; giải quyết được 94.000 người có việc làm ổn định, có 415 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 249 HTX ngư nghiệp, đào tạo 81.000 lao động… Hết năm 2020 Yên Bái có 76/150 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Trấn Yên là huyện đầu tiên vùng núi phía Bắc đạt chuẩn NTM.

Ông Đỗ Đức Duy đề nghị Chính phủ cũng như các bộ, ngành TW nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung bộ tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới đối với các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, đảm bảo tính khả thi.

Đối với các tỉnh khu vực Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên nơi tập trung diện tích rừng đầu nguồn và các con sông, suối lớn, là điều kiện tiên quyết trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái đầu nguồn cần có chính sách đặc thù cho những vùng đặc biệt khó khăn trong việc bảo vệ rừng. Những địa phương có diện tích rừng nhiều, độ che phủ cao thì đời sống lại gặp rất nhiều khó khăn, do đó Chính phủ cần tăng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp bà con bảo vệ rừng tốt hơn. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc tại tỉnh Yên Bái, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế lâm nghiệp của Yên Bái cũng như các địa phương trong vùng.

Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu. Ảnh: Thái Sinh.

Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị nâng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 36đ/KWh lên 50đ/KWh, nước sạch từ 52đ/m3 lên 70đ/m3, đề nghị Chính phủ sớm ban hành đề án thí điểm phát triển dược liệu dưới tán rừng để mở thêm hướng SX tạo thu nhập cho người dân…

Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu: Hiện Bắc Kạn có hơn 200 HTX, đã xây dựng được 130 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm đã vào thị trường quốc tế là Công hòa Séc, Nhật… Bắc Kạn xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có 2 sản phẩm là gỗ và dược liệu. Tập trung nâng cấp sản phẩm đặc sản để nâng cao giá trị. Thế mạnh của Bắc Kạn là dược liệu, đã có quy định về phát triển dược liệu nhưng chưa rõ ràng, Bộ Y tế cần có quy định để các tỉnh có rừng phát triển nguồn dược liệu tốt hơn, người dân phát triển kinh tế và nâng cao đời sống từ trồng dược liệu…

Tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các bộ, ngành TW và các địa phương: Đẩy mạnh xây dựng NTM nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa các vùng miền đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp chính quyền phát huy kết quả đã đạt được, tuy nhiên không rập khuôn máy móc. Lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, phát triển hạ tầng để phát triển kinh tế, nâng cao giáo dục đào tạo và nguồn lực cho việc xây dựng NTM.

Những vùng đặc biệt khó khăn, người dân không thể làm được thì nhà nước sẽ có trách nhiệm giúp đỡ và các địa phương không ỷ lại vào TW. Phát triển giao thông kết nối các vùng kinh tế quốc gia để nâng cao tính cạnh tranh…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm Cty Quế hồi Việt Nam. Ảnh: Thái Sinh.

Trước đó, chiều ngày 2/12, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã cùng Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy và lãnh đạo Văn phòng điều phối Chương trình NTM TW đến thăm Cty CP SX và XK Quế hồi Việt Nam và HTX SX miến đao Giới Phiên.

Cty CP sản xuất và xuất khẩu Quế hồi Việt Nam đóng tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên thu hút 70 lao động người địa phương, mỗi năm SX và XK gần 2.000 tấn sản phẩm sang các nước châu Âu và Trung Đông. Thu nhập bình quân của công nhân từ 7 - 8 triệu/tháng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm HTX miến đao Giới Phiên sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Thái Sinh.

HTX miến đao Giới Phiên mỗi năm SX từ 750 - 800 tấn miến đao. Sản phẩm của HTX đã được công nhận OCOP 3 sao, vào được hệ thống các siêu thị. Tại đây Bô trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý ngành nông nghiệp Yên Bái cần hướng dẫn người dân trồng rải vụ, HTX cần bảo vệ môi trường trong quá trình SX và cần nghiên cứu hệ thống sấy để những ngày mưa gió vẫn có thể SX được.

Một số hình ảnh trưng bày sản phẩm của các tỉnh đạt OCOP:

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xem gian hàng OCOP. Ảnh: Thái Sinh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ hai phải sang) thăm gian hàng OCOP tỉnh Lào Cai. Ảnh:Thái Sinh.

GĐ Sở NN-PTNT Yên Bái Đinh Đăng Luận (giữa) trao đổi với nhà khoa học và GĐ doanh nghiệp về phát triển OCOP tại Yên Bái. Ảnh: Thái Sinh.

Giới thiệu sản phẩm OCOP 5 sao với khách hàng. Ảnh: Thái Sinh.

Thái Sinh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/tap-trung-nguon-luc-xay-dung-nong-thon-moi-vung-dac-biet-kho-khan-d279147.html