Tập trung ngăn chặn bệnh bạch hầu

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại các tỉnh Tây Nguyên (đặc biệt ở Đắc Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc), GS, TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế phải sớm triển khai chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng để ngăn chặn bệnh bạch hầu, tập trung hết sức phòng, chống bệnh bạch hầu như đã từng nỗ lực để phòng, chống dịch Covid-19.

Nguy cơ dịch lan rộng

Theo ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Từ đầu năm 2020 tới ngày 7-7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bệnh bạch hầu (tăng 10 ca so với ngày 6-7) và 3 ca tử vong (hai ca ở tỉnh Đắc Nông và một ca ở tỉnh Gia Lai). Đa số trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ khoảng 6%.

Mặc dù đã có vaccine phòng, chống bệnh bạch hầu nhưng đến thời điểm hiện tại, số mắc đã gấp 3 lần năm ngoái, nguy cơ bệnh có khả năng lan rộng do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở những vùng có dịch rất thấp. Giải thích về vấn đề này, TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng quốc gia cho biết: "Qua điều tra kết quả tiêm chủng của các trường hợp mắc bệnh bạch hầu cho thấy, hầu hết ca mắc là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vaccine phòng bệnh; trong đó có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi nhưng vẫn mắc bệnh. Lý do là các trường hợp này sau một thời gian, miễn dịch đã giảm xuống. Năm 2019, tỷ lệ tiêm chủng vaccine 5 trong 1 (có chứa thành phần bạch hầu) bị ảnh hưởng và nhóm những người ở độ tuổi lớn có thể chưa tiêm vaccine trước đây hoặc đã tiêm nhưng quá lâu nên khả năng miễn dịch đã giảm xuống. Vì vậy, tỷ lệ mắc bệnh ở những người lớn đang có dấu hiệu tăng lên. Trước tình hình bệnh có dấu hiệu đang tăng và dịch chuyển sang đối tượng trẻ lớn và người lớn, từ năm 2019, chương trình tiêm chủng mở rộng đã có định hướng triển khai tiêm nhắc vaccine bạch hầu, vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ em và người lớn để mở rộng hàng rào miễn dịch cộng đồng. Hiện, Việt Nam có vaccine uốn ván-bạch hầu (Td) phòng bệnh bạch hầu, tiêm cho trẻ em vào lúc 7 tuổi có thể giúp tăng đối tượng tiêm nhắc lại phòng bệnh".

 Kiểm tra công tác phòng, chống bệnh bạch hầu tại xã Quảng Hòa, huyện Đắc Glong (Đắc Nông). Ảnh: MẠNH CƯỜNG.

Kiểm tra công tác phòng, chống bệnh bạch hầu tại xã Quảng Hòa, huyện Đắc Glong (Đắc Nông). Ảnh: MẠNH CƯỜNG.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lý giải: Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bạch hầu thuộc nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp; hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Kể cả khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn. Đặc biệt, do biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh là viêm cơ tim, suy tim, gây ngừng tim… do đó, trong điều trị cần chú trọng đến công tác hồi sức tim mạch. Hiện, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn điều trị bạch hầu kết hợp sốt xuất huyết, Covid-19 cho 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, khoanh vùng triệt để ổ dịch, chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện vật tư tiêu hao, thuốc men. Cần có phương án tổ chức cấp cứu tại chỗ để bảo đảm an toàn cho người bệnh, tránh việc chuyển viện các bệnh nhân gây nguy hiểm cho người bệnh.

Cấp bách triển khai tiêm phòng diện rộng

Tại Việt Nam, bệnh bạch hầu đã có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, đặc biệt nhạy cảm với kháng sinh điều trị thông thường. Do đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giao Cục Y tế dự phòng phối hợp với Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai ngay chiến dịch tiêm dự phòng bạch hầu trên diện rộng cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên. Với trẻ em từ 2 đến 4 tháng tuổi tiêm rộng rãi vaccine phòng bệnh và tiêm nhắc lại vaccine 3 trong 1 đối với trẻ 18-24 tháng, sau đó tiếp tục tiêm cho đến 5-7 tuổi, còn với người lớn tiêm vaccine Td. Trước mắt, cần tiêm cho người dân ở vùng có dịch trước (4 tỉnh Tây Nguyên), sau đó tới các tỉnh có nguy cơ. GS, TS Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu cần phải triển khai ngay điều trị dự phòng với người có tiếp xúc mầm bệnh và những người trong khu vực có mầm bệnh. Ngoài ra, cần khoanh vùng, dập dịch, thực hiện cách ly với tất cả xã có người mắc (hạn chế ra vào, ra vào vùng dịch phải đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần…

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giao Bệnh viện Bạch Mai tiến hành đào tạo, tập huấn cho cán bộ 4 địa phương có dịch, phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để thực hiện; giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thành lập ngay 4 tổ công tác điều trị vào “nằm vùng” ở 4 địa phương có dịch. Các tổ này tập hợp những chuyên gia về truyền nhiễm, hồi sức và các lĩnh vực điều trị khác, vừa điều trị vừa hướng dẫn, tập huấn, giúp cán bộ y tế cơ sở điều trị bệnh nhân. Song song với đó, sử dụng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa để hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 862/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Tổ chức việc giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong... Trên cơ sở xác định địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh của từng địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu cho các tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo triển khai mạnh mẽ những hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống bệnh bạch hầu trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/tap-trung-ngan-chan-benh-bach-hau-626445