Tập trung ngăn chặn bệnh bạch hầu

Từ đầu năm đến nay, khu vực Tây Nguyên có 63 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó ba người đã chết. Số ca mắc ghi nhận tại bốn tỉnh: Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vắc-xin đủ mũi, đúng lịch...

Từ đầu năm đến nay, khu vực Tây Nguyên có 63 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó ba người đã chết. Số ca mắc ghi nhận tại bốn tỉnh: Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vắc-xin đủ mũi, đúng lịch...

Theo các chuyên gia lĩnh vực y tế dự phòng, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thường gặp ở trẻ nhỏ và cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm vắc-xin đủ liều và đúng lịch; khi phát hiện sớm, bệnh điều trị khỏi bằng kháng sinh... Bệnh ghi nhận rải rác tại một số khu vực thời gian qua liên quan các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Các xã có ổ dịch bạch hầu đều là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, còn nhiều hạn chế trong công tác tiêm phòng, tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng. Trong khi đó, các đối tượng mắc bệnh ở nhóm tuổi lớn, ở thời điểm chương trình tiêm chủng mở rộng chưa triển khai đầy đủ, còn một số xã trắng về tiêm chủng, do đó khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, người dân, trường học là rất cao. Mặt khác, địa bàn rộng dẫn đến công tác xử lý ổ dịch gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, do phong tục, tập quán, nhiều người dân không hợp tác để tiêm vắc-xin khiến miễn dịch trong cộng đồng thấp...

Không để dịch bệnh bạch hầu lây lan đang là đòi hỏi cấp bách đối với ngành y tế và chính quyền các địa phương. Cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh mới; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị tuyến huyện, xã về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng, chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh... Các cơ sở điều trị thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị cho người bệnh.

Là bệnh hoàn toàn có thể dự phòng, cho nên cần tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu ngay tại khu vực ổ dịch; khẩn trương rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đầy đủ để tiêm bổ sung, bảo đảm tất cả trẻ em được tiêm đủ các mũi cơ bản và nhắc lại, đạt tỷ lệ tiêm chủng hơn 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực đi lại khó khăn. Hơn lúc nào hết, các cơ sở y tế tuyến trên cần cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động, hỗ trợ đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, sinh phẩm, nhân lực cho các địa phương có các trường hợp mắc bệnh để kịp thời phòng, chống, ngăn chặn sự lây lan của bệnh bạch hầu...

Kinh nghiệm trong công tác phòng, chống nhiều loại dịch bệnh thời gian qua cho thấy, chỉ riêng ngành y tế không thể cáng đáng nổi. Do vậy, các sở, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống đến đông đảo người dân, nhất là tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bảo đảm đủ mũi và đúng lịch. Giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của học sinh các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch...

TRUNG TUYẾN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/tap-trung-ngan-chan-benh-bach-hau-607841/