Tập trung mục tiêu phát triển du lịch miền núi

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam vừa xây dựng 2 đề án gồm: “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” và “Hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025”. Thông qua 2 đề án, những mục tiêu ấn tượng đã được đặt ra. Trong đó định hướng đến năm 2025 du lịch miền núi sẽ đón 600 nghìn lượt khách, tổng thu nhập từ hoạt động du lịch khu vực ước đạt 1.200 tỷ đồng, thu hút 4.500 lao động. Con số này đã tạo nên sự khích lệ cho những người làm ngành văn hóa, du lịch ở miền núi nhưng cũng tạo ra không ít băn khoăn bởi lâu nay sản phẩm du lịch miền núi vẫn còn xa lạ với rất nhiều người.

Biểu diễn múa Ka đấu của người Cor.

Biểu diễn múa Ka đấu của người Cor.

Theo Dự thảo Đề án du lịch sẽ có 20 điểm du lịch của 9 huyện miền núi được hỗ trợ kinh phí thông qua các hoạt động như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch; lập quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch nhằm thu hút đầu tư; đầu tư hạ tầng tại các khu, điểm du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch… Sau khi được HĐND tỉnh thông qua, Đề án sẽ chính thức triển khai từ năm 2019 – 2025, tổng kinh phí khoảng hơn 120 tỷ đồng.

Đối với Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025” áp dụng với các đối tượng là toàn bộ không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My và Hiệp Đức; trong đó ưu tiên bảo tồn, phát huy những di sản đang có nguy cơ mai một, cần bảo vệ khẩn cấp, những di sản có thể xây dựng thành các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Đề án sẽ hỗ trợ mỗi huyện xây dựng 2 Làng truyền thống các dân tộc hỗ trợ cồng/trống- chiêng cho 333 thôn và 8 trường phổ thông dân tộc nội trú; tổ chức truyền dạy kỹ năng thực hành di sản gắn với phát triển du lịch tại các huyện có di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tổng kinh phí thực hiện Đề án hơn 100 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh đảm bảo 70%, ngân sách huyện 30%. Được biết 2 đề án này ra đời sẽ hỗ trợ song song với nhau trong công tác kích cầu du lịch và bảo tồn văn hóa miền núi.

Nói về 2 đề án phát triển du lịch miền núi, ông Trần Văn Tân – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tiềm năng du lịch miền núi của Quảng Nam hiện nay rất lớn. Việc kích cầu du lịch không chỉ có nghĩa ý về mặt kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nơi đây. Ông Tân cơ bản thống nhất nội dung 2 đề án, đồng thời giao Sở VH-TT&DL tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh 2 Đề án, trình HĐND thông qua.

Lâu nay tỉnh Quảng Nam không hề thiếu sự ưu tiên đầu tư nhằm phát triển du lịch miền núi và các di sản văn hóa của đồng bào địa phương. Các tổ chức quốc tế cũng đã hỗ trợ nguồn kinh phí đáng kể để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa. Song trên thực tế thì càng ngày càng lâm cảnh đìu hiu. Việc đặt ra những mục tiêu lý tưởng trong 2 đề án lần này cho thấy sự quyết tâm cao của tỉnh Quảng Nam trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa miền núi tuy nhiên cũng cần phải thừa nhận rằng nếu không có sự tính toán chi tiết, cụ thể thì rất dễ đi lại vết xe đổ của những chương trình hỗ trợ văn hóa, du lịch miền núi trước đây.

ĐỒNG DAO

Thống kê cho thấy, năm 2017 tổng lượt khách tham quan, lưu trú tại khu vực miền núi đạt gần 51.000 lượt, gấp 2,3 lần so với năm 2013, chiếm khoảng 1% tổng lượt khách tham quan, lưu trú toàn tỉnh. Tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách tham quan lưu trú giai đoạn 2013 - 2017 đạt khoảng 23,2%/năm. Doanh thu từ dịch vụ du lịch khu vực miền núi năm 2017 đạt 36 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2013. Con số này chỉ phản ánh một phần nào đó trong bức tranh chung của ngành du lịch bởi hiện nay hạ tầng của rất nhiều điểm du lịch còn sơ sài, chưa được đầu tư tương xứng.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_198998_tap-trung-muc-tieu-phat-trien-du-lich-mien-nui.aspx