Tập trung kinh phí, cán bộ và các hoạt động chăm lo đem lại lợi ích sát sườn cho đoàn viên

Trong ngày làm việc thứ 2, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận tâm huyết tại hội trường với những vấn đề thiết thực như đại diện bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ); công tác chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho NLĐ; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiến thức - kỹ năng nghề nghiệp và pháp luật cho CNVCLĐ.

Các đại biểu biểu quyết bằng cách giơ thẻ đoàn viên tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chú trọng thương lượng, ký kết TƯLĐTT

Đại biểu Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho biết, để làm tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ, các cấp CĐ TPHCM đã chú trọng hoạt động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện TƯLĐTT. Các cấp CĐ thành phố đã tập trung chỉ đạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thỏa ước; phối hợp với người sử dụng lao động thương lượng, đối thoại, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước.

Số lượng và chất lượng thỏa ước được ký kết tăng mạnh so với đầu nhiệm kỳ. Đến nay, toàn thành phố đã có 8.674 bản thỏa ước; các điều khoản cơ bản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của luật như tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện làm việc đã được quan tâm thương lượng và thể hiện trong hầu hết các bản TƯLĐTT.

Công tác thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của LĐLĐ tỉnh Đồng Nai. Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho biết, để làm tốt công tác này, hằng năm CĐ đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng thương lượng tập thể cho cán bộ CĐCS, đảm bảo nội dung thương lượng và chất lượng các bản thỏa ước không ngừng được nâng lên với tiêu chí các bản thỏa ước được ký kết phải ngắn gọn, chỉ ghi nhận các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Đến nay, CĐCS các DN đã ký 1.062 bản TƯLĐTT (đạt tỉ lệ 73,01% và vượt 4,61% so với kế hoạch).

Còn theo đại biểu Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, để tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN, CĐ các cấp thường xuyên tổ chức, phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua trong các doanh nghiệp nhằm phát huy sáng kiến, nâng cao năng suất, chất lượng trong lao động sản xuất, góp phần tăng thu nhập, đời sống của NLĐ và sự phát triển của DN. Khi NLĐ làm việc năng suất, chất lượng cao, việc đề xuất thương lượng các chính sách, phúc lợi đối với NLĐ cũng thuận lợi hơn.

Đại biểu Đỗ Văn Quảng - Phó Chủ tịch Thường trực CĐ Xây dựng Việt Nam - nhấn mạnh về đổi mới việc lựa chọn, phát động và tổ chức các phong trào thi đua trong CNVCLĐ trước yêu cầu mới.

Ở mỗi giai đoạn, Bộ Xây dựng và CĐ Xây dựng Việt Nam thường xuyên lựa chọn, phát động và tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước giao cho ngành xây dựng.

Trong phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” giai đoạn 2013 - 2017, toàn ngành có 4.221 sáng kiến được áp dụng, làm lợi 1.599 tỉ đồng, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập của NLĐ.

Tinh gọn bộ máy, chấm dứt hành chính hóa

Theo đại biểu Nguyễn Khoa Hoài Hương - Chủ tịch LĐLĐ Thừa Thiên Huế, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chăm lo đời sống NLĐ, trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đổi mới tổ chức, tinh gọn bộ máy, chấm dứt hành chính hóa trong hoạt động, tập trung kinh phí, cán bộ và các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên về tận CĐCS, đem lại lợi ích thiết thực, sát sườn cho đoàn viên, tạo sự khác biệt về quyền lợi của đoàn viên so với NLĐ.

Tham luận về nội dung phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS - giải pháp quan trọng xây dựng tổ chức CĐVN vững mạnh”, đại diện LĐLĐ tỉnh Long An cho rằng, trong thời gian tới, cần xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ chuyên nghiệp, ổn định, đủ về số lượng, đảm bảo về trình độ, năng lực thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức tự chủ, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, đủ khả năng tiếp cận được với khoa học, công nghệ hiện đại, tiên tiến, có khả năng thích nghi nhanh với phong trào.

Còn theo đại diện LĐLĐ tỉnh Đà Nẵng, cần xây dựng tiêu chuẩn cán bộ CĐ phù hợp với từng chức danh, vị trí việc làm theo quy định của Đảng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng cấp, từng lĩnh vực chuyên môn của CĐ.

Trước hết, cán bộ CĐ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phải có nhiệt huyết và trách nhiệm với tổ chức CĐ, với vị trí công việc và nhiệm vụ cụ thể của mình; chấp nhận thử thách, thực sự cống hiến vì phong trào CNVCLĐ, vì tổ chức CĐ.

Bên cạnh đó, cần đổi mới căn bản công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ theo hướng toàn diện, chuyên sâu, chuyên nghiệp cho cán bộ từng cấp, từng đối tượng cán bộ khác nhau theo kế hoạch cụ thể, thống nhất và dài hạn.

Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiến thức - kỹ năng nghề nghiệp và pháp luật cho CNVCLĐ trong tình hình mới, đại biểu Đặng Thị Phương Hoa - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội - cho rằng, từ thực tiễn thủ đô Hà Nội, trong nhiệm kỳ tới, các cấp CĐ cần củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo CĐ; nâng cao chất lượng cán bộ CĐCS và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội; tận dụng mặt tích cực của Internet, mạng xã hội để định hướng, tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, NLĐ.

Nhóm PV

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/tap-trung-kinh-phi-can-bo-va-cac-hoat-dong-cham-lo-dem-lai-loi-ich-sat-suon-cho-doan-vien-632839.ldo