Tập trung khử khuẩn môi trường, ổn định cuộc sống người dân sau lũ

Chiều 7/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban báo chí, thông tin về công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức... Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị giao ban, còn có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố, Sở Y tế, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn, UBND các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức đã thông tin toàn diện, phản ánh đúng tình hình đợt mưa lớn gây ngập lụt vừa qua, cũng như công tác chủ động phòng, chống lụt bão của các lực lượng chức năng và nhân dân; công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi mưa, ngập lụt.

Bị ngập bởi mưa lớn

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn (PCTT&TKCN) Thành phố, từ ngày 17/7 đến ngày 7/8/2018, mưa lớn xảy ra nhiều ở cả khu vực Bắc Bộ, trong đó, có Hà Nội.

Điểm lớn nhất đo được là Ứng Hòa (566mm), điểm nhỏ nhất đo được tại Láng (309,5mm), trung bình lượng mưa toàn Thành phố, từ 7h ngày 17/7, đến 7h, ngày 6/8/2018 là 403,9mm.

Ông Đỗ Đức Thịnh cho rằng đây là lượng mưa tương đối lớn. Tính đến hết tháng 7/2018, lượng mưa trung bình trên toàn Thành phố là 1.110,4mm, lượng mưa trung bình nhiều năm khoảng 1.700-1.800mm.

Cùng với đó, lượng mưa ở các tỉnh Tây Bắc và đặc biệt là Hòa Bình rất lớn, riêng huyện Lương Sơn đo được là 600mm và dồn hết về sông Bùi, sông Tích. Cùng với lũ rừng ngang (tức là nước từ vùng rừng của huyện Lương Sơn, Kim Bôi của Hòa Bình tràn ngang qua đường Hồ Chí Minh sang các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ) dẫn đến lượng nước đổ về lớn.

Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa là do, mực nước trên sông Hoàng Long khá cao dẫn đến tiêu thoát nước cho sông Bùi bị chậm; mực nước sông Hồng cũng lên cao làm giảm khả năng thoát nước của sông Đáy… Dẫn đến tình trạng ngập lụt.

Và những con số thống kê do mưa lũ gây ra

Thông tin về tình hình thiệt hại do mưa lũ, ngập úng gây ra, ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, tính đến nay, mưa lũ đã làm ngập trắng trên 4.425 ha lúa, ngập sâu trên 5.167 ha; trên 519 ha hoa màu bị dập nát toàn bộ, trên 270 ha dập nát một phần; trên 883 ha thủy sản và trên 326,7 ha cây lâu năm bị ngập; trên 10,2km đường giao thông bị ảnh hưởng.

Toàn Thành phố có 4.655 hộ bị ngập với 22.359 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập úng. Trong số đó, Chương Mỹ là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 1.380 ha lúa bị ngập úng, trên 307 ha hoa màu, trên 603 ha thủy sản bị ngập, số nhà dân bị ngập là 3.683 hộ…

Ông Thịnh cũng thông tin thêm, để khắc phục tình trạng úng ngập, các Công ty Thủy lợi đã vận hành các trạm bơm tiêu. Theo đó, thời điểm cao nhất đã huy động 298 trạm bơm tiêu với 1.096 máy bơm; tổng lưu lượng bơm 2,8 triệu m3/giờ.

Cùng với đó, sau khi đi kiểm tra và chỉ đạo công tác chống úng và đảm bảo an toàn đê Tả Bùi tại hiện trường ở huyện Chương Mỹ vào chiều ngày 30/7. Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo xuất 10.000 bao tải từ số vật tư dự trữ của TP, tăng cường cho huyện Chương Mỹ phục vụ công tác chống tràn cho các tuyên đê.

Để bảo vệ tính mạng, tài sản, ổn định đời sống nhân dân, các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai, Ba Vì, Mỹ Đức đã huy động lực lượng tại chỗ của địa phương, lực lượng vũ trang cùng hàng nghìn người dân chống tràn tuyến đê sông Bùi, Tích, Mỹ Hà…

Trong đó, riêng huyện Chương Mỹ đã huy động 214 phương tiện các loại gồm: 1 xe cứu thương và 4 xuồng ca nô, 7,320m bạt; 2.000 viên gạch; 7.564m3 đất đá, cát; 1.760 cọc tre, bạch đàn; 124.223 chiếc bao tải. Huy động lực lượng tại chỗ của các xã, thị trấn 6.811 người; lực lượng vũ trang tham gia hỗ trợ 1.230 người.

Nước rút đến đâu tiến hành vệ sinh môi trường đến đó

Đây là phương châm được cả ngành Y tế Thủ đô triển khai và tiên phong thực hiện tại vùng bị mưa lũ, ngập úng. Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cũng đã thông tin về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh tại các huyện bị ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngành Y tế đã huy động lực lượng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm y tế các huyện huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức phối hợp với lực lượng của địa phương để tổ chức việc vệ sinh môi trường khử khuẩn một cách triệt để nhất.

Và theo ông Hạnh, khi đi kiểm tra thực tế cho thấy đến thời điểm hiện tại, chưa xuất hiện dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng và ngộ độc thực phẩm tại các vùng chịu ảnh hưởng của ngập lụt, mà chỉ nghi nhận có 59 trường hợp viêm kết mạc và 150 trường hợp bệnh ngoài da, chủ yếu là bị nước ăn chân ở huyện Chương Mỹ; 3 trường hợp viêm kết mạc và 100 trường hợp bệnh ngoài da ở huyện Quốc Oai; huyện Mỹ Đức có trên 100 trường hợp đến khám bệnh ngoài da, chủ yếu là nước ăn chân ở huyện Mỹ Đức.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng khẳng định, ngành đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, bố trí cán bộ y tế trực 24/24 cùng các trang thiết bị, cơ số thuốc sẵn sàng đáp ứng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đồng thời, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức phối hợp với các Bệnh viện Mắt, Da liễu tổ chức các đoàn khám cấp thuốc miễn phí cho bà con vùng ngập lụt.

Tại Chương Mỹ cấp 15.200 lọ thuốc tra mắt cloramphenicol 0,4%; 4.400 tuýp thuốc bôi ngoài da Tomax; 4.400 typ thuốc bôi ngoài da Korcin 8g… Tại Quốc Oai cấp cho mỗi hộ bị ngập lụt 2 lọ thuốc tra mắt cloramphenicol 0,4% và thuốc bôi ngoài da…

Cùng đó là các loại hóa chất phòng dịch, phèn chua để lọc nước, sát khuẩn trong nhà và nguồn nước còn vôi bột để khử khuẩn sân vườn và các khu vực công cộng.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh nguồn nước; phòng tránh đuối nước đặc biệt là với các gia đình trẻ nhỏ.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị

Những sẻ chia đầy nghĩa tình trao gửi đến bà con vùng ngập

Thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến ngày 5/8/2018, các địa phương bị thiệt hại do ngập úng đã tiếp nhận tiền mặt từ các đơn vị và cá nhân hỗ trợ là gần 6 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ được UBND các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ và UBND các xã chuyển đến từng hộ dân đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch.

Thống kê cũng cho thấy, trước những ảnh hưởng của ngập úng, ngày 3/8/2018, UBND TP đã quyết định hỗ trợ hàng cứu trợ, đảm bảo đời sống nhân dân vùng bị ngập tại huyện Chương Mỹ: 50 tấn gạo, 4.000 gói mì chính, 8.000 gói bột canh và 8.000 bình nước uống (20 lít/bình).

Tiếp đó, ngày 6/8/2018, UBND TP quyết định hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân vùng bị ngập tại huyện Quốc Oai trên 14 tấn gạo, 710 gói mì chính, 1.420 gói bột canh, 1.420 bình nước uống (20 lít/bình). Toàn bộ số hàng cứu trợ trên đã được chuyển đến nhân dân huyện Chương Mỹ và đang tiếp tục vận chuyển đến cho nhân dân huyện Quốc Oai.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và Mỹ Đức cũng thông tin thêm những số liệu cập nhật mới nhất về tổng số tiền và hàng hóa cứu trợ cho nhân dân vùng bị ngập.

Theo đó, đến ngày 7/8/2018, huyện Chương Mỹ tiếp nhận trên 6,1 tỷ đồng; huyện Quốc Oai tiếp nhận trên 1 tỷ đồng; huyện Mỹ Đức tiếp nhận 550 triệu đồng cùng nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm…

Cần lắm một giải pháp liên vùng

Trao đổi tại cuộc giao ban, nhiều cơ quan báo chí bày tỏ băn khoăn: Chương Mỹ là vùng trũng thấp nên cần thiết phải sớm triển khai các phương án chống úng ngập hiệu quả, nhất là kiên cố hóa hệ thống đê điều…

Giải đáp những băn khoăn này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đã lý giải về nguyên nhân chủ yếu là do lượng mưa lớn từ huyện Lương Sơn chảy về sông Bùi (đây còn gọi là hiện tượng lũ rừng ngang).

Để giảm thiệt hại do lũ rừng ngang gây ra, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu các giải pháp. Kể cả phương án xây dựng trạm bơm cưỡng bức đưa nước từ sông Bùi vào sông Đáy ở Ba Thá.

Tuy nhiên, giải pháp này không khả thi do mức độ tiêu thoát nước của sông Đáy phụ thuộc vào sông Hoàng Long và sông Đào… Chính vì vậy, hiện thành phố đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để nghiên cứu và triển khai các phương án bảo đảm an toàn tuyến đê tả Bùi vững chắc, quy hoạch lại sản xuất, bố trí dân cư vùng thường xuyên úng ngập để phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đưa ra các giải pháp trước mắt để khắc phục như là, tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi huy động tối đa trạm bơm tiêu úng, tiêu nước đệm để chuẩn bị ứng phó đợt áp thấp sắp tới.

Bên cạnh đó, các địa phương phải rà soát lại phương án hiệp đồng lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó các sự cố đê điều; rà soát lại hệ thống đê sông Đáy, tả Bùi, tả Tích… đề xuất các phương án đầu tư kiên cố hóa các tuyến đê.

Theo Trưởng ban Tuyên Giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, qua các buổi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão vừa qua, lãnh đạo Thành ủy đã chỉ đạo, cùng với chăm lo, đảm bảo đời sống cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng ngập lụt, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương vùng bị ngập cần tập trung khắc phục vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất, sửa chữa hư hỏng trường học, công trình văn hóa. Tập trung rà soát thiệt hại, hỗ trợ nhân dân.

Đặc biệt, Thành phố cũng yêu cầu Sở rà soát toàn bộ phương án phòng chống lụt bão, tiêu thoát lũ, trong có nghiên cứu kiên cố hóa đê tả Bùi để báo cáo Thành phố.

Ngoài ra, Thành phố cũng chỉ đạo rà soát quy hoạch dân cư, những điểm nào thuộc vùng phân lũ. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng đã nêu kiến nghị, giải pháp lâu dài, chiến lược là từng bước phải di dân các xã hữu Bùi của huyện Chương Mỹ, bởi đây là vùng thoát lũ. Khu vực này chỉ nên để là vùng sản xuất.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, đến nay, cơ bản các nhà dân bị ngập nước đã rút hết, công tác khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường đang được Thành phố tích cực triển khai.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng thông tin thêm, từ năm 2017, Thành phố đã giao cho các cơ quan phối hợp với các cơ quan của Trung ương, trong đó, có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu các phương án tiêu thoát lũ, phòng chống lụt bão. Nhưng giải pháp này phải có tính liên vùng, nằm trong tổng thể chung cả vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đánh giá về công tác tuyên truyền trong thời gian qua, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng đã biểu dương nhiều cơ quan báo chí đã thông tin chính xác, kịp thời diễn biến mưa lũ và phản ánh các nỗ lực của địa phương trong công tác hộ đê, bảo đảm đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự vùng úng ngập.

Đồng thời nhấn mạnh rằng, qua trận mưa lụt vừa qua, đã cho thấy tinh thần tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, nhất là bà con nhân dân trong phòng chống lụt bão, nên đã hạn chế được thiệt hại. Trên cơ sở đó, cần tuyên truyền, động viên, khích lệ, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống lụt bão, đặc biệt là phòng chống đuối nước để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Lan Chi

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//tap-trung-khu-khuan-moi-truong-on-dinh-cuoc-song-nguoi-dan-sau-lu_n39674.html