Tập trung hỗ trợ người lao động trong đại dịch Covid-19

Trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã có hai đợt bùng phát dịch Covid-19, trong đó đợt bùng phát từ ngày 27-4 đến thời điểm này được đánh giá là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Nguy hiểm hơn, dịch Covid-19 lần thứ tư này đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm, khi tác động mạnh đến hầu hết các doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX)...

Công nhân làm việc trong các KCN, KCX được hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Công nhân làm việc trong các KCN, KCX được hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: NGUYỄN ÐĂNG

Quan tâm tới các KCN, KCX, nơi tập trung nhiều lao động

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ - TB và XH), tác động của đại dịch Covid-19 lần này đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm. Ðặc biệt, dịch bùng phát đã tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất, kinh doanh tại Bắc Ninh, Bắc Giang, đây là hai tỉnh có đông người lao động làm việc trong các KCN, KCX. Ðến cuối tháng 5, tỉnh Bắc Giang đã phải tạm đóng cửa bốn KCN với 322 doanh nghiệp với tổng số gần 150 nghìn lao động tạm ngừng việc; tỉnh Bắc Ninh có 42 nghìn lao động trên tổng số 320 nghìn lao động phải ngừng việc; TP Hải Phòng có hơn 30 nghìn lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Vĩnh Phúc,... một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.

Theo Bộ trưởng LÐ - TB và XH Ðào Ngọc Dung, giai đoạn này, bên cạnh phòng ngừa ở cộng đồng, tại các bệnh viện, cơ sở y tế thì cần chú trọng địa bàn chiến lược là các KCN, KCX, nơi có nhiều doanh nghiệp sử dụng hàng trăm nghìn lao động. Với các địa phương có đông công nhân, người lao động như Ðồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh... cần quan tâm quản lý công nhân, thực hiện giãn cách, cách ly khi rà soát mắc vi-rút SARS-CoV-2. Quản lý công nhân "hai chiều", cả ngày làm việc và ngày nghỉ. Triển khai quyết liệt các biện pháp cách ly, nhưng vẫn phải quan tâm bảo đảm đời sống cho công nhân, người lao động.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc sáng 29-5 bàn về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Ðào Ngọc Dung cho rằng, để ứng phó với dịch đang diễn biến phức tạp, biện pháp căn cơ vẫn phải là tiêm vắc-xin đại trà. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân trong các KCN, KCX, các địa phương tăng cường quản lý xuất nhập cảnh, nơi cư trú, không để lọt các mầm bệnh... Hiện tại, Bộ LÐ - TB và XH cũng hoàn thiện các chính sách về việc hỗ trợ các địa phương, người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 để xin ý kiến các bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có nội dung quy định về tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được đánh giá còn chậm đến với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, nhiều đơn vị và doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, Bộ LÐ-TB và XH dự kiến đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, với một số điều kiện "nới lỏng" hơn cho doanh nghiệp. So với quy định hiện hành, Bộ LÐ-TB và XH đã nới lỏng điều kiện cho doanh nghiệp, giảm tỷ lệ số lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ 20% xuống còn 10%. Thời điểm tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trước khi nộp hồ sơ cũng được điều chỉnh từ "không quá 03 tháng" lên "không quá 06 tháng"; riêng thời gian tạm hoãn vẫn giữ nguyên là không quá 12 tháng.

Với đề xuất này, BHXH Việt Nam đồng ý với chủ trương tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và đề xuất bổ sung điều kiện đối với đối tượng được nới lỏng điều kiện. Theo đó, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% số lao động tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4-2021, đã đóng đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến hết tháng 4-2021 và hoạt động trong các ngành, nghề, lĩnh vực: Vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, cụm công nghiệp, KCX, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Các trường hợp doanh nghiệp còn lại, tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP là giảm từ 20% số lao động tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4-2021, đã đóng đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đến hết tháng 4-2021.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu, đối với điều kiện để được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như BHXH Việt Nam đề xuất, thì dự kiến có khoảng 39 nghìn đơn vị và doanh nghiệp, với khoảng 1,15 triệu lao động và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khoảng 8.450 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho người tham gia BHXH trong đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam cũng có công văn đề xuất hỗ trợ người lao động thuộc diện F1, F2 phải cách ly y tế từ nguồn quỹ BH thất nghiệp. Theo đó, người được hỗ trợ là lao động đã, đang tham gia BH thất nghiệp thuộc diện F1, F2 phải cách ly y tế gồm: cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung, tại KCN, KCX, khu công nghệ cao, tại nơi làm việc, các cơ sở hoặc địa điểm cách ly tập trung khác; cách ly tại nhà; và phải có quyết định cách ly y tế của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ là 80 nghìn đồng/người/ngày. Thời gian hưởng là thời gian thực tế người lao động phải cách ly y tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thời gian áp dụng từ ngày 1-6-2021 đến hết ngày 31-12-2021...

BHXH Việt Nam cho rằng, sẽ không phát sinh thêm chi phí cho ngân sách nhà nước do thay đổi chính sách; bảo đảm cân đối quỹ BH thất nghiệp trong dài hạn. Không phát sinh chi phí, nhưng vẫn bảo đảm nguồn nhân lực cho sản xuất, kinh doanh với người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kịp thời cho người lao động trong khi phải nghỉ việc để cách ly y tế giúp giảm bớt khó khăn về tài chính trong bối cảnh thu nhập bị giảm do tạm thời phải nghỉ việc, từ đó giúp người lao động được bảo vệ tốt hơn trước rủi ro bất khả kháng...

Theo BHXH Việt Nam, số liệu của Bộ Y tế cho thấy, đến hết ngày 28-5, có gần 38 nghìn người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung và bệnh viện (trong đó có khoảng 26 nghìn người đang tham gia BH thất nghiệp); khoảng 120 nghìn người đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú (trong đó có khoảng 84 nghìn người đang tham gia BH thất nghiệp). Với mức hỗ trợ 80 nghìn đồng/người/ngày thì trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp theo phương án có đến 30 nghìn người mắc, dự kiến sẽ có khoảng 1,5 triệu người phải cách ly tập trung (trong đó có khoảng một triệu người đang tham gia BH thất nghiệp) và khoảng 4,5 triệu người phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú (trong đó có khoảng ba triệu người đang tham gia BH thất nghiệp) thì quỹ BH thất nghiệp sẽ bảo đảm được nguồn kinh phí hỗ trợ cho người lao động.

Nguyên Khang

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bhxh-va-cuoc-song/tap-trung-ho-tro-nguoi-lao-dong-trong-dai-dich-covid-19-649551/